Chấn chỉnh tình trạng ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm đảm bảo quyền tự do lựa chọn của khách hàng.

Theo Bộ Tài chính, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã có các quy định nhằm đảm bảo việc tham gia bảo hiểm là tự nguyện, trên cơ sở nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, nghiêm cấm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm ép buộc khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp trái pháp luật đến quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài của bên mua bảo hiểm.

Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Chấn chỉnh tình trạng ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn - Ảnh 1

Về các biện pháp quản lý, giám sát, sau khi nhận được thông tin phản ánh của một số cơ quan báo chí về tình trạng một số ngân hàng, tổ chức tín dụng có biểu hiện “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, Bộ Tài chính đã có các công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật khác có liên quan.

Bộ Tài chính yêu cầu đối với trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về hoạt động đại lý cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo quy định tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định pháp luật có liên quan.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, các hợp đồng đại lý bảo hiểm ký với ngân hàng không yêu cầu sản phẩm bảo hiểm phải được bán kèm hay gắn với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động làm việc và lưu ý đối tác ngân hàng nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng đại lý, không được ép mua bảo hiểm kèm các gói sản phẩm vay của ngân hàng.

Đáng chú ý, ngày 31/7/2021, Bộ Tài chính đã có công văn số 8533/BTC-QLBH gửi các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, yêu cầu rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xử lý nghiêm những trường hợp ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng (nếu có).

Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức tín dụng có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng và không mang tính bắt buộc theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/7/2014 của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng nhằm đảm bảo hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tuân thủ nghiêm túc quyền tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam