Cổ phiếu họ “Vin” đỡ VN-Index

VIC, VHM và VRE đóng vai trò quan trọng trong việc kéo VN-Index tăng điểm trong phiên 23/7. Các cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường như HQC, ITA, FLC... đều giảm sâu.

Phiên giao dịch ngày 23/7 diễn ra vẫn với trạng thái giằng co tích lũy với những nhịp tăng giảm điểm đan xen của chỉ số chính VN-Index. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có sự phân hóa rõ nét nên biến động trên thị trường chung là không quá mạnh.

Nhìn chung sắc đỏ đã chiếm ưu thế đáng kể và đôi lúc đẩy VN-Index lùi khá sâu xuống dưới mốc tham chiếu, trong khi HNX-Index và UPCoM-Index giao dịch ở dưới mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên 23/7.

Việc VN-Index bật tăng được vào cuối phiên là có sự đóng góp rất lớn đến từ bộ 3 cổ phiếu họ “Vin” gồm VIC, VHM và VRE, trong đó, nổi bật nhất là sự bứt phá của VRE khi tiếp tục tăng đến 5% lên 28.300 đồng/cp. Việc VRE bứt phá mạnh trong 2 phiên giao dịch vừa qua có thể bắt nguồn từ một số tin đồn liên quan đến việc Vingroup bán tòa Vincom Đồng Khởi với tổng giá trị gần 1 tỷ USD, tuy nhiên, trên thị trường chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về vấn đề này. Bên cạnh đó, VHM cũng tăng 1,7% lên 78.800 đồng/cp, VIC tăng 0,2% lên 90.000 đồng/cp.

Cổ phiếu họ “Vin” đỡ VN-Index - Ảnh 1

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên VN-Index phiên 23/7. Nguồn: Fialda.

Ngoài ra, một số cổ phiếu lớn như PLX, GAS, HDB, FPT… cũng diễn biến theo chiều hướng tích cực và góp phần cùng cổ phiếu họ "Vin” kéo VN-Index lên trên mốc tham chiếu. PLX tăng 1,5%, GAS tăng 1,3%, HDB tăng 1,1%, FPT tăng 0,7%.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu trụ cột lớn gồm SHB, SSI, ACB, MSN, MBB… Dù vậy, mức giảm của các cổ phiếu này không quá lớn lên áp lực gây ra đến các chỉ số còn thấp. SHB giảm 3,9% xuống 12.200 đồng/cp và khớp lệnh 2,4 triệu cổ phiếu, SSI giảm 1% xuống 14.900 đồng/cp, SAB giảm 1,2% xuống 187.800 đồng/cp.

Cổ phiếu họ “Vin” đỡ VN-Index - Ảnh 2

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất lên HNX-Index phiên 23/7. Nguồn: Fialda

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cùng với bộ 3 cổ phiếu họ “Vin”, NVL cũng tăng 0,5% lên 63.000 đồng/cp. Trong khi đó, sự phân hóa diễn ra vẫn rõ nét đối với các mã vốn hóa vừa và nhỏ của ngành này. Dù vậy, số mã tăng mạnh đã được cải thiện đáng kể so với phiên trước, IDJ, SGR và CIG đều tăng trần. LHG tăng 3,6%, KOS tăng 2,2%, HDG tăng 1,5%.... 

Chiều ngược lại, PFL, FIT hay BII đều bị kéo xuống mức giá sàn. THD giảm sâu 9,8% xuống 75.900 đồng/cp. Các mã có yếu tố thị trường cao như ITA, HQC, KBC, FLC… đều giảm sâu trong phiên 23/7. ITA giảm 3,4% xuống 4.580 đồng/cp, HQC giảm 3,3% xuống 1.750 đồng/cp, KBC giảm 3% xuống 14.400 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,67 điểm (0,2%) lên 856,75 điểm. Toàn sàn có 145 mã tăng, 227 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,45 điểm (-1,26%) xuống 113,87 điểm. Toàn sàn có 64 mã tăng, 88 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,43%) xuống 57,32 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn giảm so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt 4.196 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 286 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 592 tỷ đồng. HQC, ITA, FLC và VRE là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng tăng trưởng ngắn hạn của VN-IndexX đã kết thúc và chuyển sang giai đoạn tích lũy với vùng hỗ trợ ngắn hạn 850+- và kháng cự 860-865. VN30 tương tự cũng tích lũy trong biên độ hẹp với hỗ trợ ngắn hạn 790 - 795 và kháng cự 805+-. Điều kiện để VN-Index, VN30 có thể tích cực trở lại là cần vượt vùng kháng cự ngắn hạn trên.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2008 phục hồi tốt với mức tăng 5,1 điểm, thu hẹp mức chênh lệch so với VN30 cho thấy tâm lý ngắn hạn phần nào cải thiện nhẹ trở lại. Điều tích cực là dòng tiền ngắn hạn vẫn duy trì và chủ động gia tăng trong thị trường với khá nhiều mã tăng trưởng tốt như SZC, DHC, DBC....

SHS dự báo trong phiên giao dịch 24/7, VN-Index tiếp tục giao động trong biên độ hẹp và nổ lực phục hồi để lấy lại vùng hỗ trợ 860+-. Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục ngắn hạn khi thị trường phục hồi. Giảm tỉ trọng các mã yếu kém, suy thoái để có thể xem xét cơ cấu gia tăng tỉ trọng vào các mã tăng trưởng tốt hơn thuộc các nhóm mã cơ bản như điện, nước, khu công nghiệp.

Về thị trường chứng khoán châu Á, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,5%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 0,2% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,03%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8%. ASX 200 của Australia tăng 0,3% trong khi NZX 50 của New Zealand giảm 0,2%. Tại Đông Nam Á, các thị trường lớn đều tăng điểm, với Straits Times của Singapore tăng 0,7%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,2%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,7% và KLCI của Malaysia tăng 1,2%.

 

Theo Tuấn Hào/ Reatimes

 

 

Link nguồn: https://reatimes.vn/co-phieu-ho-vin-do-vn-index-1595503761441.html

Tin liên quan