Đầu tư nhà ở xã hội: 'Chỉ một thủ tục cũng mất đến 300 ngày'

Đề cập đến tồn tại về thủ tục, quy trình triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu thực tế chỉ có một thủ tục cũng mất đến 300 ngày.

Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), việc đầu tư nhà ở xã hội lợi nhuận thấp, nếu xây rồi cho thuê, giá thuê lại càng thấp nên doanh nghiệp ít mặn mà.

Để có nguồn vốn đa dạng triển khai chủ trương này, ông Cường cho rằng nên đa dạng hóa nguồn Quỹ Nhà ở quốc gia, khuyến khích người dân tiết kiệm tiền đóng góp vào quỹ nếu muốn được mua, thuê nhà ở xã hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.  
Đại biểu Hoàng Văn Cường.  

"Ở một số nước, họ có quỹ dành cho người mua nhà, người nào có nhiều đóng góp vào quỹ đó sẽ được theo dõi, đánh giá để lựa chọn có đủ khả năng được mua nhà trong tương lai hay không", ông Cường nêu ví dụ.

Về giải ngân quỹ tín dụng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước đây có gói 120.000 tỷ đồng và nay lên tới 145.000 tỷ đồng, song theo ông Cường, giải ngân rất thấp do doanh nghiệp muốn vay tiền đầu tư phát triển nhà ở xã hội lại vướng các điều kiện khác.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất nên cho phép doanh nghiệp nào có dự án nhà ở xã hội, cần vay tiền sẽ được vay theo gói 120.000 tỷ đồng.

Cũng nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng một trong những vướng mắc lớn trong việc xây dựng nhà ở xã hội là vấn đề thủ tục và giá.

Để đẩy nhanh tiến độ, mục tiêu 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội trong thời gian tới, đại biểu này cho rằng cần cho phép nhà đầu tư có thể góp quỹ đất bằng quyền sử dụng đất để nhận lại nhà ở xã hội thành phẩm, tức là một bên thì có đất, còn một bên thì xây.

Đặc biệt, đại biểu cũng cho rằng cần xem xét cơ chế một cửa, một đầu mối để tránh việc nhà đầu tư cứ phải đi hết sở này đến sở khác. Ví dụ, áp dụng ngay cho Sở Xây dựng ở các địa phương là đầu mối, ở đó sẽ làm tất cả các nội dung liên quan đến đầu tư nhà ở xã hội để cho doanh nghiệp chỉ một đầu mối, kể cả liên quan đến các thẩm định phòng cháy, chữa cháy, điều chỉnh quy hoạch, tránh việc phải đi lại.

"Cần quy định, tổng thời gian để thực hiện cấp thủ tục xây nhà ở xã hội tối đa 90 ngày, có những dự án nhà xã hội mất 18 - 24 tháng làm thủ tục rất lâu. Do vậy, đã thí điểm thì chúng ta nên mạnh dạn như vậy", đại biểu nêu.

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh chỉ ra “điểm nghẽn” lớn nhất nằm ở cơ chế, thể chế và quy trình thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.  
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh.  

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, chúng ta có chính sách nhưng thiếu sự linh hoạt trong thực thi; có nguồn vốn nhưng giải ngân thấp; có nhà đầu tư nhưng thủ tục quá rườm rà khiến họ “nản lòng”.

Cho biết còn vướng mắc trong thực tế, trước hết Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề cập đến tồn tại về thủ tục, quy trình triển khai đầu tư dự án nhà ở xã hội, với thực tế chỉ có một thủ tục cũng mất đến 300 ngày.

Về quỹ tín dụng phát triển nhà ở xã hội với 145.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết đến tháng 4 mới giải ngân được 3.042 tỷ đồng, tức gần 3%. Theo ông, 5 năm giải ngân như thế là rất kém.

"Nhà đầu tư cũng rất ngán ngẩm khi một số quy định chặt chẽ quá về thủ tục tín dụng, như vậy thì không làm được", Bộ trưởng Trần Hồng Minh nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thông thường, việc giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thông qua đấu thầu sẽ mất khoảng 300 ngày, vừa rồi Chính phủ đề xuất thời gian này rút ngắn chỉ còn 75 ngày. Khâu lập thẩm định, phê duyệt, quy hoạch chi tiết nếu bỏ được và lồng ghép như phương án trong dự thảo nghị quyết, cũng sẽ giảm 115 ngày.

Tương tự, thủ tục thẩm định quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, lập và phê duyệt tổng dự toán... nếu được tinh gọn sẽ giúp tiết kiệm thêm hàng trăm ngày công, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào thực tế.

Vấn đề quỹ đất và nguồn vốn tín dụng cũng là điểm mới được Bộ trưởng nhấn mạnh. Theo ông, các địa phương phải chủ động bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội ngay trong quy hoạch, nhất là khi thực hiện tái định cư và giải phóng mặt bằng.

Tuệ Lâm

Theo VietnamFinance