FDI vào Việt Nam tháng 1/2020 tăng mạnh: Nửa mừng nửa lo

Tính đến ngày 20/1, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt 5,33 tỷ USD.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), với con số trên, tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đổ vào Việt Nam tăng gần 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính lũy kế đến ngày 20/01/2020, cả nước có 31.189 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 368,1 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 213,38 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu thô) đạt 12,69 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ và chiếm 66,8% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 12,89 tỷ USD, bằng 84,3% so với cùng kỳ và chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt gần 10,4 tỷ USD, bằng 84,3% so cùng kỳ và chiếm 52,6% kim ngạch nhập khẩu. Trong tháng 1/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN giảm so với cùng kỳ, song tính chung, khu vực này vẫn xuất siêu 2,29 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 2,1 tỷ USD không kể dầu thô.

Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến ngày 20/01/2020, cả nước có 258 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% về số dự án được cấp mới. Tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 4,46 tỷ USD, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Theo lý giải của đơn vị này, vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong tháng 1/2020 có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD.

Vì vậy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới tăng từ 3,6 triệu USD trong tháng 1/2019 lên 17,3 triệu USD trong tháng 1/2020.

Trong số 59 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1/2020. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,16 tỷ USD, chiếm 78,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tiếp theo là Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản...

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài với 215,3 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,5 tỷ USD (chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,7 tỷ USD (chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư).

Vốn FDI đổ vào Việt Nam ngay trong tháng đầu năm 2020 đã tăng cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài. Trước đó, năm 2019, một báo cáo của tuần san News and World Report (Mỹ) đánh giá, Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách 29 nền kinh tế tốt nhất để đầu tư và các nước ASEAN góp mặt trong danh sách này là Malaysia (thứ 13), Singapore (thứ 14) và Indonesia (thứ 18). Uruguay đứng đầu danh sách, tiếp theo là Saudi Arabia, Luxembourg, Ấn Độ và Ba Lan.

Xếp hạng của News and World Report là kết quả của một cuộc khảo sát lấy ý kiến từ 7.000 nhà hoạch định kinh doanh và dựa trên 8 tiêu chí: kinh tế ổn định, môi trường thuế thuận lợi, lực lượng lao động lành nghề, năng lực công nghệ, tinh thần doanh nghiệp, sự đổi mới, năng động và vấn đề tham nhũng.

Dù vậy, vẫn có không ít chuyên gia lo ngại khi nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Trong một bài phỏng vấn đầu năm trên tạp chí Nhà đầu tư, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra rất nhiều yếu tố tăng trưởng dài hạn vẫn chưa có hoặc chưa vững vàng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, việc thoái vốn nhà nước diễn ra chậm, áp lực vay và trả nợ lớn, khuyến khích của Chính phủ về đổi mới công nghệ theo cách mạng công nghiệp 4.0 chưa có kết quả cụ thể...

Trước đó, năm 2019, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều con số ấn tượng, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2019 vượt  mốc 500 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa năm 2019 ước tính xuất siêu 9,9 tỷ USD, mức cao nhất trong 4 năm liên tiếp xuất siêu.

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chỉ ra rằng, thành tích xuất khẩu của FDI đều được tính vào GDP nhưng hàm lượng giá trị gia tăng trong giá trị xuất khẩu mà phía Việt Nam được hưởng cực kỳ thấp, có chăng chỉ là chút công lao động mà công lao động của người Việt cực kỳ thấp.

Về bản chất, xuất khẩu của khu vực này là xuất khẩu của nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI, họ mượn Việt Nam để xuất khẩu sang những nước thứ ba khác hoặc sang chính nước chủ sở hữu do Việt Nam cho họ sự ưu đãi đặc biệt về đất đai, thuế, chính sách...

Hoặc nếu hàng hóa do khu vực FDI sản xuất ra được bán tại Việt Nam thì thực chất là họ xuất khẩu sang Việt Nam, mà lợi nhuận từ phương thức xuất khẩu này còn cao hơn so với phương thức họ sản xuất ở chính quốc rồi xuất khẩu một cách truyền thống qua Việt Nam, do tận dụng được ưu đãi và giá nhân công rẻ, TS Bùi Trinh chỉ rõ.

 

Theo Minh Thái/Báo Đất Việt

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/fdi-vao-viet-nam-thang-12020-tang-manh-nua-mung-nua-lo-3396006/