Hoàn nhập dự phòng cứu vãn lợi nhuận quý IV của VNE

Mặc dù doanh thu suy giảm, song nhờ khoản hoàn nhập dự phòng khá lớn, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (HoSE: VNE) báo lãi trước thuế tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Hoàn nhập dự phòng cứu vãn lợi nhuận quý IV của VNE
Hoàn nhập dự phòng cứu vãn lợi nhuận quý IV của VNE

Quý IV/2022, doanh thu thuần của VNE đạt 841 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sụt giảm mạnh của mảng hợp đồng xây dựng (giảm 64% so với cùng kỳ, còn 88 tỷ đồng).

Lợi nhuận gộp đạt 24 tỷ đồng, giảm 17%. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 2,8%.

Trong kỳ, hoạt động tài chính không đáng kể với doanh thu 1,7 tỷ đồng; trong khi đó chi phí tài chính tăng gấp 3 lần, đạt 27 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đáng kể nhất trong quý là chi phí doanh nghiệp âm 31 tỷ đồng. Điều này là do VNE đã chuyển khoản nợ phải thu từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO cho một đơn vị khác, vì vậy đã hoàn nhập được 90% giá trị công nợ đã trích lập dự phòng, tương đương giảm chi phí quản lý doanh nghiệp 50,7 tỷ đồng.

Nhờ vậy VNE báo lợi nhuận trước thuế tăng 4 lần so với cùng kỳ, đạt 28 tỷ đồng.

Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của VNE tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.505 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 52%, đạt 145 tỷ đồng.

Trong năm, hoạt động tài chính không có thặng dư khi doanh thu vỏn vẹn 12 tỷ đồng, còn chi phí tài chính lên tới 105 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ việc tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 54%, còn 25 tỷ đồng), VNE vẫn có 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2,3 lần so với năm trước.

Năm 2022, VNE đặt kế hoạch doanh thu 2.921 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã hoàn thành 86% chỉ tiêu doanh thu song mới đạt 20% kỳ vọng lợi nhuận.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VNE tăng 13% so với đầu năm, đạt 3.937 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng 67%, đạt 124 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 2,3 lần, đạt 119 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm; trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn (đạt 2.085 tỷ đồng, chiếm 72%). Đáng chú ý, tổng dư nợ vay của VNE tăng mạnh 2,3 lần so với đầu năm, đạt 1.675 tỷ đồng - nguyên nhân của việc gia tăng chi phí tài chính trong năm qua.

Về dòng tiền, năm 2022, dòng tiền kinh doanh của VNE âm 170 tỷ đồng trong khi năm trước dương 291 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu (576 tỷ đồng) và tăng hàng tồn kho (133,5 tỷ đồng).

Lê Nguyễn

Theo VietnamFinance