Khốc liệt cuộc đua trên thị trường bảo hiểm nhân thọ

Manulife Việt Nam và đặc biệt là Dai-ichi Việt Nam đang chấp nhận giảm biên lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng để chiếm lĩnh thị phần.

Như VietnamFinance đề cập ở bài viết trước, năm 2017, thị trường bảo hiểm nhân thọ chứng kiến một hiện tượng lạ: trong khi Manulife Việt Nam và Dai-ichi Việt Nam báo lỗ nặng, lợi nhuận của Prudential Việt Nam cũng giảm rất mạnh thì đại diện của Việt Nam – Bảo Việt Nhân Thọ - lại ghi nhận mức tăng ấn tượng 60%, đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Cụ thể, năm 2017, Dai-ichi Việt Nam lỗ trước thuế tới 515 tỷ đồng, khác xa mức lãi 135 tỷ đồng của năm 2016.

“Bi đát” hơn là trường hợp của Manulife Việt Nam. Năm 2017, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ trước thuế tới 1.245 tỷ đồng. Năm 2016, Manulife Việt Nam lãi 463 tỷ đồng.

Mặc dù không lỗ trong năm 2017 nhưng một “ông lớn” 100% vốn nước ngoài khác là Prudential Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận. Nếu như năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Prudential Việt Nam lên đến 1.603 tỷ đồng thì sang năm 2017, mức lợi nhuận chỉ còn 645 tỷ đồng, nghĩa là “mất” tới gần 1.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm tới 60%.

Nguyên nhân của hiện tượng này là do chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 3 “ông lớn” 100% vốn nước ngoài trên tăng nhanh hơn đáng kể so với doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Với trường hợp của Dai-ichi Việt Nam là 65% so với 50%, trường hợp của Manulife Việt Nam là 82% so với 33% và của Prudential Việt Nam là 65% so với 20%.

Hiện tượng lạ này liệu có đáng mừng?

Rõ ràng Bảo Việt Nhân Thọ ghi dấu ấn với lợi nhuận “đáng mơ ước”. Tuy nhiên, riêng với trường hợp của Dai-ichi Việt Nam và Manulife Việt Nam, không phải tự nhiên 2 đại diện nước ngoài này lại chấp nhận lỗ nặng đến vậy.

Như đã liệt kê phía trên, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Dai-ichi Việt Nam, Manulife Việt Nam năm 2017 tăng lần lượt 50% và 33% so với năm 2016. Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của Bảo Việt Nhân Thọ ở mức 30%. Số liệu này cho thấy Manulife Việt Nam và đặc biệt là Dai-ichi Việt Nam đã chấp nhận giảm biên lợi nhuận để chiếm lĩnh thị phần.

Không chỉ cạnh tranh thị phần, 2 doanh nghiệp ngoại này còn cạnh tranh về tiềm lực tài chính.

Năm 2017, vốn chủ sở hữu của Dai-ichi Việt Nam đã tăng vọt từ 2.933 tỷ đồng lên 5.778 tỷ đồng. Không chịu kém cạnh, Manulife Việt Nam cũng tăng vốn chủ sở hữu từ 2.728 tỷ đồng lên 5.634 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Bảo Việt Nhân Thọ hiện chỉ ở mức 3.559 tỷ đồng, thua khá xa Dai-ichi Việt Nam và Manulife Việt Nam.

Prudential Việt Nam hiện vẫn là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn nhất thị trường với vốn chủ sở hữu 6.232 tỷ đồng, tổng tài sản 74.112 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2017 là 26.270 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Prudential đang có dấu hiệu giảm tốc khi năm qua, mức tăng doanh thu từ hoạt động này chỉ đạt 20% và bị Bảo Việt Nhân Thọ “vượt mặt” (16.019 tỷ đồng so với 17.470 tỷ đồng).

Dù vậy, xét về tổng doanh thu, Prudential Việt Nam vẫn là “anh cả” khi đạt 26.270 tỷ đồng trong năm 2017, tăng tới 43% so với năm 2016 do doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi lên 10.226 tỷ đồng.

Theo Minh Tâm / Vietnamfinance