Lạ lùng cổng biệt thự kiểu Tây tại đình di tích

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, một di tích quốc gia khi muốn sửa chữa, thay đổi cần phải tuân theo những quy định được đặt ra.

Việc thay cánh cổng sắt tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng, Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội bằng cổng sắt thường thấy ở nhiều biệt thự hiện đại đang khiến dư luận xôn xao.

Ngày 5/3, trao đổi với PV, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt cho rằng, đình Tây Đằng là một di tích quốc gia đặc biệt nên trước khi thay hay sửa chữa yếu tố nào trong di tích thì cần phải trình các cơ quan chuyên môn để xem xét và đưa ra quyết định nên thay, sửa như thế nào cho phù hợp với một di tích quốc gia đặc biệt.

'Câu hỏi đầu tiên là việc thay cánh cổng đó đã được ai đồng ý và cơ quan chuyên môn đã vào cuộc hay chưa? Thứ 2, rõ ràng, cánh cổng mới thay này nhìn rất bình thường, không có gì là đặc sắc so với giá trị của một di tích quốc gia đặc biệt.

Điều khiến nhiều người quan tâm hơn nữa, đó là bây giờ mọi người còn phát hiện cánh cổng mới thay đó giống cổng của hầu hết các biệt thự của người dân. Dáng dấp của cánh cổng đó giống của lò đúc mà có ở rất nhiều nơi.

Không tìm thấy một đình Tây Đằng thứ 2 hay nói rõ hơn là không tìm đâu ra một yếu tố nào giống hệt đình Tây Đằng nên mới gọi là di tích quốc gia đặc biệt, bởi vậy, nếu có thay đổi hay sửa thì cũng phải giữ nét riêng độc đáo của di tích đó.

Tuy nhiên ở đây họ lại đưa một thứ thường dân vào di tích đặc biệt đó là không thể chấp nhận được, chưa kể yếu tố ngoại lai", họa sĩ Nguyễn Đức Bình nói.

Lạ lùng cổng biệt thự kiểu Tây tại đình di tích - Ảnh 1
Cánh cổng sắt chướng mắt ở đình Tây Đằng. Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Theo họa sĩ Bình, những hình ảnh trong cánh cổng mới thay không liên quan đến di tích đình Tây Đằng. Ở đây có thể là vấn đề tự phát của người dân và việc này đang xảy ra tràn lan ở nhiều nơi.

'Vấn đề này cần phải được xử lý nghiêm để tránh tình trạng tương tự xảy ra. Một di tích quốc gia khi muốn sửa chữa, thay đổi cũng cần phải tuân theo những quy định đã được đưa ra và phải trình cơ quan chuyên môn để vừa đẹp về hình thức nhưng cũng phải mang giá trị lịch sử", họa sĩ Bình nhấn mạnh.

Trong một diễn biến mới liên quan đến sự việc này, tính đến chiều ngày 5/3, hai cánh cổng biệt thự được lắp dựng không phép và không phù hợp với cảnh quan tại di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng đã được Ban Quản lý đình tiến hành hạ giải đồng thời hoàn tất việc lắp trả lại cổng cũ.

Lạ lùng cổng biệt thự kiểu Tây tại đình di tích - Ảnh 2
Hình ảnh tháo dỡ cổng mới tại đình Tây Đằng sáng nay, 5/3 để hoàn trả cổng cũ. Ảnh: ANTĐ

Trước đó, Sở VH&TT Hà Nội có văn bản đề nghị UBND huyện Ba Vì chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra Di tích quốc qua đặc biệt đình Tây Đằng sau khi nhận được thông tin tại khu di tích này có cổng sắt mới không phù hợp với cảnh quan.

Huyện có trách nhiệm gửi báo cáo về Sở trước ngày 9/3 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch theo quy định.

Đình Tây Đằng nằm ở thôn Đông (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), mang vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật văn hóa độc đáo của đình làng thế kỷ XVI, đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hiện do UBND huyện Ba Vì trực tiếp quản lý theo phân cấp của TP Hà Nội.

Lạ lùng cổng biệt thự kiểu Tây tại đình di tích - Ảnh 3
Hình ảnh cổng cũ cũng bằng sắt do Ban Quản lý di tích Danh thắng Hà Nội cung cấp.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua di tích này được thay cổng mới mang dáng vẻ hiện đại, không phù hợp với cảnh quan, kiến trúc của di tích. Hai cánh cổng cũ của đình đã được thay bằng hai cánh cổng mới (chất liệu bằng sắt, kích thước mỗi cánh là 1,96 x 3,29m, hoa văn trang trí hình trống đồng, sơn màu vàng đồng nhạt).

Còn hai cánh cổng cũ được bảo quản tại nhà kho Ban Quản lý di tích đình Tây Đằng. Việc thay mới này được lý giải là do cánh cổng cũ bằng sắt đã cũ, bị hoen gỉ, gãy bản lề, Ban Quản lý di tích phải gia cố bằng dây thép.

Theo quy định về quản lý di tích quốc gia đặc biệt, việc thay thế tu bổ các hạng mục trong di tích phải được sự cho phép của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cấp, ngành có liên quan.

Thanh Giang

Theo Đất Việt