Loạt chính sách "cứu" doanh nghiệp vượt "cửa tử" Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu khiến nền kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ suy giảm lớn. Cùng nhìn lại các chính sách điều hành vĩ mô có tác động quan trọng tới "sức đề kháng" của nền kinh tế.

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu đang khiến nền kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ suy giảm lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sụt giảm nguồn thu trong khi vẫn phải gánh chịu nhiều khoản chi phí lớn khác.

Nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiệp là hiện hữu nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng và kéo dài.

Trong bối cảnh này, các chính sách điều hành vĩ mô có ảnh hưởng quan trọng tới sức đề kháng của nền kinh tế và làm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh; đặc biệt là sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát hay không.

Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kích thích nền kinh tế, ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng: Gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ ngành liên quan đã liên tiếp ban hành những chính sách nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Về chính sách tiền tệ

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngay sau đó, ngành ngân hàng đã xây dựng chương trình hỗ trợ tín dụng để chia sẻ với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có tổng giá trị là 285.000 tỷ đồng. Hầu hết các ngân hàng thương mại đều đăng ký tham gia chương trình này bao gồm cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Nguồn vốn sẽ do ngân hàng tự cân đối và không sử dụng vốn Ngân sách.

Đây là các gói mà các tổ chức tín dụng cam kết cho vay mới với mức lãi suất thấp, ưu đãi hơn từ 0,5 - 1,5%/năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ xem xét miễn giảm lãi vay với các khoản dư nợ hiện tại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành văn bản tạm thời cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ với các doanh nghiệp này đồng thời đưa ra chương trình hỗ trợ tín dụng nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh phục hồi.

Đến thời điểm hiện tại, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, 20 tổ chức tín dụng (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) đã cam kết giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch.



Loạt chính sách "cứu" doanh nghiệp vượt "cửa tử" Covid-19 - Ảnh 1


Theo TS. Cấn Văn Lực, gói tín dụng này có 4 đặc điểm chính:

Thứ nhất, mục đích là để cho vay mới hỗ trợ các doanh nghiệp hay hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 (hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động…);

Thứ hai, nguồn vốn chính của các gói này là tiền gửi của người dân và doanh nghiệp (không phải nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước);

Thứ ba, cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, trách nhiệm vay - trả thuần túy là giữa tổ chức tín dụng và bên vay vốn (có điểm khác biệt là thủ tục sẽ cần nhanh gọn hơn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn – tùy thuộc vào từng dự án, khách hàng vay vốn);

Thứ tư, tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành kể từ ngày 17/3, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm…

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý nghiên cứu cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ trả lương cho người lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 ngày 1/4, Thủ tướng cũng cho rằng gói hỗ trợ tín dụng, hoãn, giãn nợ còn cần cao hơn nữa chứ không chỉ là 250.000 tỷ đồng.

Đồng thời, cần kích thích tài khóa thông qua giảm, giãn thuế, phí, tăng chi tiêu công, không phải chỉ 30.000 tỷ đồng mà nâng lên 150.000 tỷ đồng, thậm chí lớn hơn để hỗ trợ trong lúc khó khăn.

Về chính sách tài khóa

Tại Chỉ thị 11, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước.

Theo đó, về chính sách thuế, ngày 26/3, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dich Covid-19. Ước tính số tiền hỗ trợ khoảng 80.200 tỷ đồng.

Trường hợp hỗ trợ bao gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành như: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất giày; vận tải, đường sắt; dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và nghị định quy định chi tiết.

Sau đó, ngày 3/4, Bộ Tài chính bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng.

Các hoạt động kinh doanh được bổ sung gồm: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí.


Loạt chính sách "cứu" doanh nghiệp vượt "cửa tử" Covid-19 - Ảnh 2



Các ngành sản xuất được bổ sung gồm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng.

Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp cũng được hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg năm 2018.

Ngoài ra, bổ sung thêm một số nhóm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng vào danh sách gia hạn.

Để đơn giản hoá thủ tục hành chính và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với thời điểm nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế. Hạn nộp chậm nhất là ngày 30/7/2020.

Những chính sách hỗ trợ khác

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng đề án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với 6 nhóm chính sách hỗ trợ.

Nhóm giải pháp thứ nhất là về chính sách BHXH. Bộ đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Trước mắt tập trung hai nhóm đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và đối tượng thứ hai là doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19 từ 50% trở lên.

Bộ cũng đề xuất với Chính phủ và Thường vụ Quốc hội mở rộng đối tượng này theo hướng không khống chế tỷ lệ 50% đối với doanh nghiệp mà áp dụng cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng 10%. Thời hạn áp dụng tạm dừng đóng BHXH là từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.

Nhóm giải pháp thứ hai là tập trung miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của dịch, thời gian tính toán cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020.


Loạt chính sách "cứu" doanh nghiệp vượt "cửa tử" Covid-19 - Ảnh 3
Ảnh minh họa


Thứ ba, sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của người lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để giữ chân người lao động…

Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn tập trung vào hai việc: Một là, doanh nghiệp được hỗ trợ tiền để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời, mục tiêu là để giữ chân người lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp ổn định; Hai là đề xuất nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp mà người lao động phải thôi việc, mất việc. Ở đây, nhà nước hỗ trợ cho vay nhưng không tính lãi, khi doanh nghiệp ổn định trở lại thì doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại số tiền này.

Thứ năm là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã..., đề nghị cho các loại hình này được vay vốn sản xuất, phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên liệu, vật liệu phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức vào khoảng 3,96%.

Cuối cùng là có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.

Ngoài ra, theo từng lĩnh vực, các bộ ngành cũng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bằng một loạt chính sách có thể kể đến như: Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện, tổng trị giá 11.000 tỷ đồng; Doanh nghiệp ngành viễn thông cam kết nâng tốc độ internet, data gấp đôi nhưng không tăng giá cước; Bộ Giao thông Vận tải đề xuất miễn, giảm một số loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí neo đậu… cho doanh nghiệp trong ngành vận tải…

 


Theo Mai Lâm/ Reatimes

 



Link nguồn: http://reatimes.vn/loat-chinh-sach-cuu-doanh-nghiep-vuot-cua-tu-covid-19-20200405222235588.html

Tin liên quan