“Mắc kẹt” hàng trăm tỷ đồng tại Sông Đà 1.01, TPBank loay hoay thu nợ?

Chủ đầu tư nhiều dự án tai tiếng Sông Đà 1.01 vẫn đang “ngụp lặn” trong khối nợ phải trả hơn 1.370 tỷ đồng. Tình cảnh thua lỗ triền miên, dự án chậm tiến độ, đói vốn… của công ty này khiến chủ nợ TPBank khổ sở thu hồi nợ…

Loạt dự án tai tiếng…

Công ty cổ phần Sông Đà 1.10 (mã: SJC) đã liên tục bị khách hàng tố nhiều vi phạm về tiến độ xây dựng, huy động vốn, làm ăn chộp giật… tại nhiều dự án của công ty này.

Năm 2018, dự án toà nhà văn phòng- nhà ở Tokyo Tower (quận Hà Đông, Hà Nội) do Sông Đà 1.01 bất ngờ dừng thi công do tình hình tài chính có vấn đề, dù chủ đầu tư đã chậm tiến độ nhiều năm. Chủ nợ ngân hàng đã phải xắn tay vào cuộc “giải cứu” dự án để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nhanh chóng bàn giao nhà cho khách hàng. Trước đó, khách hàng đã rất bức xúc khi Sông Đà 1.01 tự ý thay đổi thiết kế căn hộ, màu sơn không đúng bản vẽ thiết kế… Thậm chí, có khách hàng đã tố chủ đầu tư lừa đảo khi bán một căn hộ cho nhiều người. Trong khi đó, Sông Đà 1.01 luôn né tránh, không trả lời kiến nghị cư dân, còn lãnh đạo công ty cũng rất khó liên hệ được.

Cùng cảnh ngộ chậm tiến độ thi công, các khách hàng mua nhà tại dự án Eco Green Tower (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng khổ sở vì Sông Đà 1.10 đã thất hứa. Được khởi công từ tháng 12/2015, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2017, song đến nay dự án vẫn thi công ì ạch chưa hẹn ngày bàn giao nhà.

Ngoài ra, hai dự án khách của Sông Đà 1.01 đã đi vào hoạt động cũng dính nhiều tai tiếng, khiến cư dân rất bức xúc. Cụ thể, dự án Chung cư Hemisco (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) của Sông Đà 1.01 đầu tư, từ nằm trong danh sách các dự án không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy.

Hay dự án CT1 Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) của công ty đã đi vào sử dụng từ lâu, cũng từng gây ầm ĩ một thời gian khi công ty lách luật huy động vốn trái phép từ khách hàng trước khi xây xong móng. Sau đó công ty lại tăng giá bán từ 6,5 triệu đồng/m2 sàn lên 8,78 triệu đồng/m2 (tăng 34% so với thời điểm góp vốn ban đầu). Sự việc tăng giá vô lý này đã vấp phải phản ứng dữ dội của nhiều khách hàng.

Ám ảnh nợ khó đòi

Tình hình kinh doanh bết bát, Sông Đà 1.01 còn căng thẳng giải quyết nợ nần nghìn tỷ. Theo báo cáo tài chính, đến hết năm 2018, tổng nợ phải trả của Sông Đà 1.01 tiếp tục tăng lên mức 1.370 tỷ đồng, bằng hơn 93,3% tổng tài sản công ty. Số nợ này chủ yếu là nợ phải trả người mua nhà (hơn 515 tỷ đồng), nợ vay ngân hàng (hơn 629,5 tỷ đồng), nợ phải trả người bán (109 tỷ đồng)… Chưa kể khoản nợ nghĩa vụ bảo lãnh tiến độ dự án hơn 1.000 tỷ đồng tại một ngân hàng mà SJC đã cam kết với khách hàng mua nhà tại đây.

Trong năm 2018, lưu chuyển tiền thuần hoạt động tài chính của Sông Đà 1.01 bị âm tới gần 38 tỷ đồng. Nguyên nhân do số tiền đi vay được chỉ 33 tỷ đồng, trong khi công ty phải chi trả nợ tới 71 tỷ đồng. Dòng tiền của công ty trong 3 năm qua cũng phải ưu tiên “đảo nợ” ngắn hạn trong tình thế “giật gấu vá vai”…

Đáng chú ý là khoản nợ của Sông Đà 1.01 tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để phục vụ đầu tư dự án văn phòng, nhà ở Eco Green tại số 1 Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Diện tích khu đất mà Công ty cổ phần hoá chất (Chemco) góp vốn hợp tác làm dự án với Sông Đà 1.01 là khoảng 4.000m2.

Sông Đà 1.01 đã tìm kiếm sự hậu thuẫn vốn từ TPBank để có tiền thi công dự án này. Được biết, ngày 14/5/2016, TPbank đã ký hợp đồng tín dụng cho Sông Đà 1.01 vay vốn với hạn mức tín dụng là 220 tỷ đồng, thời hạn vay 4 năm. Ngay sau đó, ngân hàng đã giải ngân số tiền vay 33,2 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, dư nợ vay tại TPbank đã tăng lên gần 162 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ đến hạn trả trong năm qua là hơn 48,54 tỷ đồng, còn dư nợ dài hạn chưa trả được nhiều năm qua là hơn 113,4 tỷ đồng… Báo cáo cho thấy, trong năm 2017-2018, Sông Đà 1.01 đã “đảo nợ” hàng chục tỷ đồng song tổng dư nợ vay đến cuối kỳ đang có xu hướng tăng lên.

“Mắc kẹt” hàng trăm tỷ đồng tại Sông Đà 1.01, TPBank loay hoay thu nợ? - Ảnh 1

Sông Đà 1.01 đã được ngân hàng cấp hạn mức vay 220 tỷ đồng để làm dự án Eco Green số 1 Giáp Nhị, Hà Nội

Câu hỏi đặt ra là TPBank đã định giá khu đất số 1 Giáp Nhị, tính pháp lý tài sản bảo đảm và thẩm định năng lực của Sông Đà 1.01 như thế nào để phê duyệt hạn mức cho vay 220 tỷ đồng, giải ngân hàng trăm tỷ đồng sau đó?

Bởi nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh của Sông Đà 1.01 gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn, nợ nần chồng chất, dòng tiền lưu chuyển âm… trong khi lại đầu tư nhiều dự án cùng lúc. Theo báo cáo tài chính, thời điểm quý 2/2016, Sông Đà 1.01 có vốn điều lệ 72,26 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 103 tỷ đồng. Tổng tài sản hơn 794 tỷ đồng song nợ phải trả lên tới 690 tỷ đồng mà chủ yếu là tiền nợ vay, huy động vốn từ người mua nhà dự án…

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 chỉ có hơn 14 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn… 476 triệu đồng. Hàng tồn kho dự án tăng vọt 65% lên tới 555 tỷ đồng vào cuối quý 2/2016 và hiện tồn kho hơn 1.262 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018.

Sông Đà 1.01 nhiều năm qua rơi vào vòng xoáy nợ nần, khi nợ vay ngân hàng đã lên tới nghìn tỷ đồng, chưa kể vay nợ cá nhân hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, công nợ cho vay các cá nhân, lãnh đạo công ty khá lớn lại chưa thu hồi được.

Theo Hải Nam/ Báo Kinh tế môi trường

Tin liên quan