Những dự án “chết lâm sàng” trên “đất vàng” làm xấu bộ mặt thủ đô

Nằm tại những vị trí đắc địa “đất vàng”, nhưng nhiều dự án, nhà cao tầng đang xây dựng bỗng “chết lâm sàng” bỏ hoang từ nhiều năm nay.

Những dự án “chết lâm sàng” trên “đất vàng”

Trái ngược với những khu đô thị sôi động, những khu thương mại sầm uất, tấp nập người ra vào. Những dự án, nhà cao tầng đang trong quá trình xây dựng, thay vì hoàn thiện thì đột nhiên dừng lại “nằm im” tạo nên một khung cảnh hoàn toàn tách biệt với những khu vực xung quanh tại những khu “đất vàng” của thủ đô.

Không khó để có thể điểm danh những dự án, nhà cao tầng được xây dựng phần thô rồi để đó qua nhiều năm nằm ở vị trí đắc địa, những “chết lâm sàng” trên những tuyến đường trên địa bàn TP Hà Nội như; Dự án TTTM cao 9 tầng, số 5 Lê Duẩn; Dự án 131 Thái Hà, tòa nhà cao hàng chục tầng trên đường Thanh Niên, Dự án 198B Tây Sơn…

Một điều dễ dàng nhận thấy tại những dự án đang xây dựng và đi vào quá trình hoàn thiện bỗng “nằm im, bất động” có phần giống nhau là phần thô của tòa nhà đã được hoàn thành, nhưng khâu hoàn thiện thì “còn mãi với thời gian”. Nhiều người, đặc biệt là những người dân sinh sống xung quanh những dự án này không hiểu lý do tại sao công trình qua nhiều năm tháng không được hoàn thiện một cách trọn vẹn để đưa vào sử dụng.

Điểm qua một số dự án tiêu biểu “nằm im, bất động” trên địa bàn TP Hà Nội có thể thấy, những tòa nhà nhiều năm không được sự dụng bất cứ một hạng mục nào, những cũng có những Dự án tuy không hoàn thiện 100%, nhưng khu vực “ăn tiền” như tầng 1 của dự án được hoàn thiện cơ bản để cho thuê, hoặc sử dụng làm các siêu thị, cho thuê bán hàng.

Nhiều hạng mục công trình chưa được hoàn thiện sau nhiều năm bỏ không.
Nhiều hạng mục công trình chưa được hoàn thiện sau nhiều năm bỏ không.

Tiêu biểu với Dự án tại số 131 Thái Hà, theo nghi nhận, tòa nhà đã xây dựng xong phần thô, nhưng khâu hoàn thiện để đưa vào sử dụng thì còn “bỏ ngỏ”. Tuy nhiên, khu vực tầng 1 của tòa nhà này đã được hoàn thiện và trưng dụng vào mục đích cho thuê, bởi Dự án nằm vị trí đắc địa trên đường Thái Hà là điểm kinh doanh lý tưởng đối với các nhà đầu tư.

“Cũng không ai để ý đến tòa nhà đó, vì quen rồi, khi ảnh hỏi thì chúng tôi mới để ý chứ thực tế ngôi nhà này chỉ xây đến như vậy xong để đó nhiều năm nay rồi. Phần tầng 1 có mặt tiền đẹp nên người ta tận dụng đề làm siêu thị hàng quán. Nhưng những tầng còn lại thì vẫn đề vậy, không biết bao giờ thì mới hoàn thiện”, ông Nguyễn Văn Toàn, một người dân sinh sống ngay cạnh dự án 313 Thái Hà chia sẻ.

Được biết, Dự án này do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Công ty Kinh doanh và Xây dựng nhà (Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư, được cấp giấy phép xây dựng vào năm 2005 trên khu đất có diện tích 6.745 m2. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là năm 2010.

Dự án nhà cao tầng trên đường Thanh Niên cùng chung số phận, khâu hoàn thiện vẫn bỏ ngỏ.
Dự án nhà cao tầng trên đường Thanh Niên cùng chung số phận, khâu hoàn thiện vẫn bỏ ngỏ.

Cùng chung số phận với Dự án 131 Thái Hà là Dự Trung tâm Thương mại (TTTM), số 5 Lê Duẩn. Dự án này do Hapro hợp tác với Doji triển khai xây dựng từ năm 2010 trên diện tích 1.624m2, tuy nhiên đến nay vẫn nằm trong tình trạng đắp chiếu bỏ hoang. Dự án nằm giữa khu đất vàng ở Hà Nội, tại ngã tư Lê Duẩn giao Nguyễn Thái Học với tổng vốn lên tới 222 tỷ đồng.

Theo thiết kế, dự án có chiều cao 33m với 9 tầng nổi và 3 tầng hầm trên khu đất rộng 1.624 m2 với mật độ xây dựng 55%. Tổng diện tích sàn xây dựng của dự án này là 11.901 m2, trong đó diện tích 3 tầng hầm là 4.500 m2.

Hay một Dự án điển hình nằm trên đường Thanh Niên với hai mặt tiền, dự án này nằm trên diện tích đất vàng hướng mặt Hồ Tây. Theo ghi nhận, đến nay dự án vẫn chỉ nằm đó với phần thô đã được xây dựng, nhiều hạng mục thi công còn bỏ ngỏ, các thiết bị phục vụ thi công như thang vận, hành lang rào sắt an toàn đã han rỉ.

Làm xấu bộ mặt thành phố

Vì đâu những Dự án đồ sộ nằm tại những vị trí “đất vàng” lại “chết lâm sàng” bỏ hoang nhiều năm không được hoàn thiện để đưa vào sử dụng và giải pháp đưa ra đối với những dự án này như thế nào?, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sĩ Liêm-nguyên Thứ trường Bộ Xây dựng.

Theo TS. Phạm Sĩ Liêm nguyên nhân dẫn đến việc những dự án “nằm im” bởi, “Luận chứng để chủ đầu từ tiến hành dự án dựa vào dự báo thị trường, tức là dự báo nhu cầu, khi có nhu cầu thì mới đầu tư, nhưng khi xây được một phần nào đó thấy thị trường nó thay đổi, nhu cầu không lớn như dự tính bán đầu, nên nhiều dự án bị ế không bán được cho nên họ không muốn tiếp tục nữa, nếu muốn tiếp tục thì phải đổ thêm tiền vào dự án, nhưng khi đổ thêm tiền vào đầu tư nhưng khi bán chưa chắc đã bán được, không bán được thì không thu hồi được vốn, đó là yếu tố biến động của thị trường bất động sản”.

TS. Phạm Sĩ Liêm-Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng những dự án
TS. Phạm Sĩ Liêm-Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng những dự án "chết lâm sàng" làm xấu bộ mặt thủ đô (ảnh X. Lực).

“Điều này rất dễ xảy ra vì một dự án bất động sản không phải tiến hành xây dựng nhanh chóng, mà phải trải qua quá trình thực hiện dự án vài ba năm mới xong. Thì trong quá trình vài ba năm đó, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đầu tư bất động sản theo “bầy đàn” không phải nghiên cứu theo thị trường. kết quả là cứ thấy người khác làm ăn có lãi là cứ ào vào đầu tư. Đó là cái hậu quả đầu tư mà chúng ta gọi là theo số đông”, TS. Phạm Sĩ Liêm phân tích.

“Bên canh đó, nguyên Thứ trường Bộ Xây dựng còn cho rằng “Còn có thể có khả năng khác là chủ đầu tư không thu vốn, hay vốn của nhà đầu tư bị kẹt vào những dự án khác, khi dự án khác bán đi thì sẽ thu hồi để đầu tư làm tiếp, nhưng dự án khác cũng chẳng bán được, thì dẫn đến việc dự án làm hết phần xây thô thì hết vốn. Đây cũng là chuyện bình thường trên thị trường bất động sản”, nguyên Thứ trường Bộ Xây dựng cho hay.

Nói về những giải pháp đối với những dự án “bất động” trên địa bàn thủ đô, TS. Phạm Sĩ Liêm cho rằng “Những dự án dở dang làm xấu bộ mặt của thành phố, thậm chí nó là những nơi tụ họp của những phần tử xấu, về phía ngân hàng thì đó là những dự án nợ xấu, làm cho ngân hàng gặp khó khăn, đó là những chuyện không hay, nhưng tuy nhiên việc xử lý thì không dễ”, TS Liêm nhấn mạnh.

“Nếu là chưa làm gì thì thu hồi chẳng có vấn đề gì, nhưng bây giờ người ta đang làm dở dang thì thu hồi đề làm gì. Nếu thu hồi thì phải bồi thường người ta chứ không tịch thu được. Nếu như anh không làm tiếp được nữa, cơ quan chức năng sẽ đưa người khác vào làm, bằng cách đấu giá, nếu chủ đầu tư hết vốn thì người khác có vốn người ta mua lại dự án đó để người ta làm tiếp, người ta hoàn thành”.

Việc đưa ra các giải pháp được nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng cẩn trọng, “Đó là tùy trường hợp, đối với dự án phù hợp mới làm được như vậy, chứ không phải dự án nào cũng triển khai được như vậy. Ngoài ra còn chuyển đổi chủ đầu tư đem đấu giá, ai mua thì mua, người nào mua thì làm tiếp, đó là trong trường hợp anh chủ đầu tư thiếu vốn, không huy động được vốn”.

“Còn đối với những dự án ở vào vị trí không tốt, nhiều dự án chọn phải vị trí không tốt, vì bất động sản gắn với đất đai nhưng những người mua sản phẩm bất động sản lại cần chỗ này, chứ không cần chỗ đó, dù anh có rẻ tôi cũng không mua, vị trí đó mà ít người có nhu cầu nhưng anh cứ theo số đông anh chiếm được đất anh cứ thế anh xây lên xong anh tưởng anh bán được nhưng không thể, lúc ấy thì chủ đầu tư chỉ có chuyển đổi sang nhà ở xã hội”, nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng nhấn mạnh.

Theo Văn Đại/ PhapLuatPlus

Tin liên quan