'NƠXH xây nơi xa xôi, mấy năm cũng không bán được'
Hiện nhiều địa phương trên cả nước chưa bố trí đủ quỹ đất cho NƠXH, nếu có thì quỹ đất thường nằm xa trung tâm và thiếu hạ tầng, điều này khiến nhà đầu tư không mặn mà.
Chia sẻ tại tọa đàm “Hiện thực hóa giấc mơ nhà ở xã hội”, ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, muốn phát triển NƠXH thì vấn đề cần giải quyết đó là các địa phương bố trí, quy hoạch quỹ đất làm NƠXH như thế nào.
“NƠXH không có nghĩa là làm ở chỗ đầu thừa đuôi thẹo mà cần đáp ứng được nhu cầu của người dân về di chuyển, tiện ích. Nếu bố trí càng thuận lợi về địa điểm, giao thông thì càng thuận lợi cho những người có thu nhập thấp, người lao động trong diện được mua NƠXH. Khi bố trí quỹ đất ở địa phương thì nên bố trí ở địa điểm càng ở gần trung tâm, thuận tiện cho việc đi lại”, ông Bình nói.
Kiến nghị hướng giải quyết những bất cập về bố trí quỹ đất như hiện nay, theo ông Bình, các địa phương nên rà soát bố trí quỹ đất hợp lý cho nhu cầu NƠXH. Nếu bố trí quy hoạch không tốt sẽ dễ dẫn đến tình trạng xây xong nhưng không bán được.
“Thực tế là có những NƠXH nhận rất nhiều hồ sơ khi mở bán, thậm chí phải bốc thăm, trong khi có những NƠXH mấy năm cũng không bán được. Vì vậy, phải bố trí ở những nơi thuận lợi thì người mua có nhu cầu mới quan tâm và họ sẵn sàng mua. Nếu chúng ta bố trí ở những khu vực quá xa xôi, hẻo lánh, không thuận lợi thì rất khó bán”, ông nói.

Cũng theo ông Bình, không chỉ riêng chính quyền địa phương bố trí quỹ đất, các doanh nghiệp cũng nên khảo sát địa điểm, giá đất, xác định được nhu cầu của cư dân ở nơi thực hiện dự án và ở các khu vực lân cận. Khi đó mới nắm được lượng khách hàng và nhu cầu của họ.
Ngoài ra, quỹ đất xây dựng cũng nên linh động trong việc xây dựng nhà ở chung cư hay nhà ở riêng lẻ. Xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đây là để phù hợp với phong tục, tập quán tại nơi đó. Thêm vào đó, cũng nên xây dựng nhiều loại hình đa dạng, phát triển nhiều loại hình NƠXH cho thuê cho nhiều đối tượng.
Cuối cùng, ông Bình cũng đề xuất những công sở dôi dư sau sáp nhập có thể ưu tiên để làm NƠXH. Bởi sắp tới xây dựng chính quyền hai cấp thì công sở dôi dư sau sáp nhập tỉnh rất là nhiều.
Dưới góc độ doanh nghiệp trực tiếp làm NƠXH, bà Nguyễn Hoa Hồng Nhung, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư xây dựng NHS, cho biết trong quá trình triển khai dự án NƠXH, bản thân doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, nhiều địa phương chưa bố trí đủ quỹ đất cho NƠXH, nếu có thì quỹ đất thường nằm xa trung tâm và thiếu hạ tầng.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính phức tạp, quy trình giao đất, phê duyệt quy hoạch và giải phóng mặt bằng kéo dài, gây khó khăn cho việc thực hiện dự án. Đặc biệt, một số địa phương còn chưa tích cực trong việc phát triển NƠXH.
Thêm vào đó, khó khăn về tín dụng và tài chính. Nguyên nhân là do khó khăn trong việc giải ngân các khoản vay ưu đãi vì quy trình phức tạp và thời gian kéo dài. Chưa kể, lãi suất cho vay NƠXH tại các ngân hàng chưa hấp dẫn, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện dự án.
Vì vậy, để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên để phát triển NƠXH, bà Nhung kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ và cho phép các bước thực hiện song song.
Bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi và hạ tầng đầy đủ để phát triển NƠXH. Đặc biệt là cần tăng cường sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, đặc biệt là tại các địa phương.
Cùng với đó, cần điều chỉnh chính sách tín dụng, giảm lãi suất, tăng thời gian cho vay và đơn giản hóa các sản phẩm tín dụng. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chính quyền để triển khai các giải pháp một cách hiệu quả.