Phú Yên: Quy hoạch khu đô thị văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng Đá Bia – Biển Hồ

UBND tỉnh Phú Yên vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị và du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng Đá Bia – Biển Hồ (thuộc TX. Đông Hòa).

Theo quyết định trên, quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 338,4ha ở khu vực đèo Cả - núi Đá Bia thuộc TX. Đông Hòa. Trong đó, khu đô thị mới có diện tích khoảng 46,8ha, khu dân cư hiện hữu chỉnh trang: gần 11ha và khu du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng khoảng 280,7ha.

Khu vực đèo Cả - núi Đá Bia

Khu vực đèo Cả - núi Đá Bia

Tính chất quy hoạch khu vực này là khu đô thị và du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái với cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, kết hợp với các khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch ven hồ và du lịch văn hóa hấp dẫn. Khu này còn quy hoạch có sân golf 18 lỗ hiện đại với cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Về chức năng, yêu cầu quy hoạch là khu đô thị có các chức năng ở, công cộng, dịch vụ đô thị, tiện ích xã hội; cây xanh, mặt nước, cảnh quan, không gian mở; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; giao thông và bãi đỗ xe.

Khu du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng gồm du lịch văn hóa với tượng đài vua Lê Thánh Tông, tuyến hành hương bằng thuyền và cáp treo; khu thiền định; khu nghỉ dưỡng có condotel, các loại biệt thự nghỉ dưỡng: làng quê xưa, thiền định, 5 bán đảo, nổi trên mặt nước, làng Chăm Phú Yên…

Dự toán kinh phí lập quy hoạch này hơn 4,7 tỷ đồng, từ tài trợ của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam. Thời gian lập quy hoạch này trong vòng 9 tháng kể từ ngày ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của UBND tỉnh Phú Yên.

Khu vực đèo Cả - Đá Bia nằm gần với các danh thắng, di tích quốc gia khác như vịnh Vũng Rô, Bãi Môn – Mũi Điện… đang thu hút mạnh mẽ du khách tại Phú Yên.

Núi Đá Bia được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 2007. Di tích này gắn liền với truyền thuyết năm 1471, vua Lê Thánh Tông trong cuộc Nam chinh mở rộng cương giới Đại Việt đã đến Đá Bia và khắc lên đây những dòng thơ phân định ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.

Theo Quyền Khanh/ Reatimes

Link nguồn: https://reatimes.vn/phu-yen-quy-hoach-khu-do-thi-van-hoa-sinh-thai-nghi-duong-da-bia-bien-ho-1598265580130.html