Tảo mộ trước Tết Nguyên đán – nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công viên tâm linh Lạc Hồng Viên lại trở thành điểm đến quen thuộc, đón các gia đình lên thăm viếng, tu sửa lại mộ phần của ông bà, tổ tiên và mời những người đã khuất về nhà đón Tết cùng con cháu.

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, khi nhà nhà quây quần, đoàn tụ, chuẩn bị chia tay năm cũ và cùng nhau đón mừng năm mới cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên. Đây là thời điểm người dân việt nam có phong tục tốt đẹp là đi tảo mộ.

Tảo mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá của người Việt, khi các gia đình, dòng họ cùng nhau viếng thăm, tu sửa lại mộ phần và “đón” các cụ về nhà ăn tết. Đây cũng là cách con cháu hướng về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho cả gia đình sức khỏe, tài lộc. Việc làm này thể hiện sự hiếu thuận, đạo nghĩa của người còn sống đối với những người thân đã khuất.

Với ý nghĩa cao cả đó, như thường lệ, những ngày giáp tết nguyên đán Tân Sửu 2021, tại Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên thuộc xã Dân Hoà, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình lại nhộn nhịp đón các gia đình con cháu, thân nhân của những người thân đang an nghỉ tại Lạc Hồng Viên lên thăm viếng phần mộ, thắp hương, tảo mộ và mời tổ tiên, ông bà về ăn tết.

Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên trở thành điểm đến quen thuộc, đón các gia đình lên tảo mộ trước Tết Nguyên đán.  
Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên trở thành điểm đến quen thuộc, đón các gia đình lên tảo mộ trước Tết Nguyên đán.  
Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên cũng là điểm đến quen thuộc của các gia đình trong hành trình “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Việc làm này cũng góp phần tạo nên sự đoàn kết, sum vầy trong gia đình, dòng tộc, nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội.

Tục tảo mộ trước tết nguyên đán nói lên rất nhiều ý nghĩa, với những người đi xa đó là lúc báo cáo với tổ tiên, ông bà công việc những năm qua mong một năm mới gặp nhiều may mắn, phát tài. Với những người ở gần thì đó là lúc để chăm chút lại phần mộ của gia đình. Tục lệ này còn mang ý nghĩa thành kính là mời vong linh người khuất theo con, cháu về nhà vui tết và phù hộ, độ trì cho con cháu trong gia đình, dòng tộc một năm mới gặp nhiều điều may mắn, sức khỏe, thành công.

Tảo mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.  
Tảo mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.  
Đây cũng là dịp để con cháu quây quần bên cạnh khuôn viên mộ tổ tiên, từ đó xích lại gần nhau, bao dung, tha thứ cho nhau những lỗi lầm trong năm. Đó là một phong tục phổ biến của người dân Việt Nam khắp mọi miền đất nước, còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét.

Có những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể, thường ghi trong gia phả như một truyền thống của dòng tộc để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện, cũng để thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Các gia đình lên thăm viếng phần mộ, thắp hương, tảo mộ và mời tổ tiên, ông bà về ăn tết.  
Các gia đình lên thăm viếng phần mộ, thắp hương, tảo mộ và mời tổ tiên, ông bà về ăn tết.  
Về tục lệ tảo mộ trước Tết nguyên đán của người Việt, Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Hoà Bình - Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết: “Hàng năm khi tết đến xuân về, các gia đình có các khuôn viên, phần mộ ở quê hương hoặc ở các nơi an táng thân nhân của mình đều diễn ra nghi thức để đi lễ tảo mộ cuối năm.

Đây cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay, con cháu tề tựu về nơi an táng người thân của mình để thực hiện các nghi thức tâm linh, đồng thời cũng mời những người đã khuất cùng con cháu về nhà đón tết. Trong không khí sum vầy, con cháu ở các nơi đi làm ăn xa hoặc trở về quê hương để thực hiện nghi thức này, mang ý nghĩa truyền thống văn hóa cũng như nhắc nhở con cháu luôn nhớ tới tổ tiên, ông bà, những người quá cố mỗi dịp xuân đến”, Đại đức Thích Trí Thịnh cho hay.

Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Hoà Bình - Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng  
Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng Ban Trị sự GHPG VN tỉnh Hoà Bình - Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng  
Tảo mộ trước và sau Tết được coi là việc lễ, chứ không đơn giản chỉ là một hành vi thực hiện tín ngưỡng. Ngày nay, khi nhịp sống đã thay đổi, dần dần những nghi lễ mang tính thủ tục và nặng về trình bày cũng được điều tiết cho phù hợp với con người của thời đại.

Tuy mỗi địa phương lại có phong tục cúng lễ khác nhau, nhưng đều chung một ý nghĩa, đó là nét văn hóa, thuần phong mỹ tục được gìn giữ, là chữ đạo, chữ hiếu tồn tại trong thâm tâm mỗi người. Cũng chính vì ý nghĩa ấy, mà tục tảo mộ vẫn được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

 

Linh Lan

Theo Sở hữu trí tuệ