Thị trường bảo hiểm Việt đang thuộc về ai?

TNNĐ-Riêng bảo hiểm nhân thọ có tới 86% thị phần thuộc về 5 doanh nghiệp top đầu và chỉ có 1 trong số đó là doanh nghiệp Việt Nam.

 

Thị trường bảo hiểm Việt đang thuộc về ai? - Ảnh 1

Nền kinh tế ngày càng phát triển, quan niệm về tài chính của người dân cũng đang thay đổi với nhu cầu được bảo vệ tài chính bằng bảo hiểm ngày càng cao nên thị trường bảo hiểm được đánh giá là mảnh đất màu mỡ.


Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, toàn thị trường bảo hiểm hiện có 61 doanh nghiệp, trong đó 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.


Trong giai đoạn từ 2011 – 2015, mức tăng trưởng bình quân của thị trường đạt 16%, trong đó bảo hiểm nhân thọ tăng 24,6% và phi nhân thọ tăng bình quân 11,7%. Tổng doanh thu toàn thị trường đạt hơn 84.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% GDP.


Thị trường tiềm năng và phát triển nhanh như vậy tuy nhiên hiện nay bảo hiểm Việt Nam lại được xem là sân chơi riêng của các doanh nghiệp nước ngoài.
5 doanh nghiệp chiếm 86% thị phần bảo hiểm nhân thọ


Bảo hiểm nhân thọ được đánh giá là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Năm 2015, số hợp đồng khai thác tăng 24,2%, doanh thu phí tăng 40% so với năm trước.

Thị trường bảo hiểm Việt đang thuộc về ai? - Ảnh 2>>> Khách hàng "dũng cảm" tới mức tự chặt cả tay, chân để lừa tiền bồi thường, các công ty bảo hiểm phải đối phó như thế nào?

TNNĐ-Nhiều bộ phận chống lừa đảo của các công ty bảo hiểm đã được thành lập nhằm tra xét những hành vi lừa đảo tiền bảo hiểm cũng như thu hồi những khoản tiền công ty bị lừa chi trả.


Về thị phần, theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, chỉ 5 doanh nghiệp top đầu đã chiếm đến 86%, trong đó dẫn đầu bảo hiểm nhân thọ là Prudential Việt Nam với 29,9% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ đứng thứ 2 với 25,7% thị phần, vị trí thứ 3 là Manulife Việt Nam với 12,1% thị phần, AIA Việt Nam với 9,2% thị phần, Dai-ichi Việt Nam chiếm 9,1%.


ACE Life Việt Nam (nay là Chubb Life Việt Nam) nắm giữ 4,4% thị phần trong khi PVI Sun Life giữ 2,3%. Các doanh nghiệp còn lại chia nhau thị phần tổng cộng chưa đến 8%.

Thị trường bảo hiểm Việt đang thuộc về ai? - Ảnh 3

86% thị phần bảo hiểm nhân thọ nằm trong tay 5 DN top đầu


Bảo hiểm phi nhân thọ: Hơn 60% thị phần do 5 doanh nghiệp nắm giữ
Cũng theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, đến hết năm 2015, có 62,79% thị phần nằm trong 5 tay “ông lớn” bảo hiểm, 24 doanh nghiệp còn lại và 1 chi nhánh chỉ chiếm 37,21% thị phần.


Bảo hiểm PVI giữ vị trí dẫn đầu thị trường với 20,84% thị phần. Vị trí thứ hai thuộc về Bảo hiểm Bảo Việt với 18,52% thị phần; Bảo Minh đứng thứ ba với 8,88% thị phần. Bảo hiểm PTI giữ vj trí thứ tư với 7,59% thị phần, thứ 5 là Bảo hiểm PJICO chiếm 6,96% thị phần.


Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới chiếm tỷ trọng lớn nhất về doanh thu với 30,08%, tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe đạt chiếm tỷ trọng 23,85%, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại chiếm tỷ trọng 18,46%...

Thị trường bảo hiểm Việt đang thuộc về ai? - Ảnh 4

Thị phần bảo hiểm phi nhân thọ cũng có sự áp đảo của các DN dẫn đầu


Sẽ có thêm khoảng 26 doanh nghiệp tham gia thị trường

Vì lĩnh vực bảo hiểm được đánh giá là màu mỡ nên thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều cái tên mới xuất hiện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

Theo dự báo, trong vòng 5 năm tới sẽ có khoảng 26 doanh nghiệp bảo hiểm mới tham gia thị trường, bao gồm 10 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 9 công ty bảo hiểm nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm và 5 công ty môi giới bảo hiểm.


Các chuyên gia cho rằng, sự góp mặt của các doanh nghiệp vào thị trường sẽ có giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lợi ích thiết thực bởi các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh mạnh mẽ. Tuy nhiên đứng về phía doanh nghiệp thì sự cạnh tranh ấy sẽ ảnh hưởng đến giá bảo hiểm và lợi nhuận của các công ty.


Trong công cuộc cạnh tranh, các doanh nghiệp nếu không muốn bị “xóa sổ” hoặc mất thị phần thì chắc chắn không thể chỉ dựa vào mối quan hệ, tỷ lệ hoa hồng, giá bán bảo hiểm mà còn phải tập trung vào chất lượng dịch vụ và sản phẩm.

 

Theo Tùng Lâm
Báo Trí thức trẻ