Tính IPO vào năm 2025, tình hình tài chính Rikkeisoft của ông Tạ Sơn Tùng có gì?

Rikkeisoft đang là doanh nghiệp công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng hàng đầu tại Việt Nam. Doanh nghiệp này từng được ông Đỗ Cao Bảo (Thành viên sáng lập Tập đoàn FPT) dự báo sẽ vươn lên top 2 doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam trong tương lai gần.

Chủ tịch HĐTV Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng.
Chủ tịch HĐTV Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng.

Tham vọng vượt FPT của ông Tạ Sơn Tùng

Công ty Cổ phần Rikkeisoft được thành lập ngày 27/3/2012 và có trụ sở chính tại tầng 21 tòa nhà Handico, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Người đại diện pháp luật, kiêm tổng giám đốc của Rikkeisoft là ông Phan Thế Dũng. Hai trong số năm người đồng sáng lập của công ty là ông Tạ Sơn Tùng và ông Bùi Quang Huy là những người đã từng nhận giải thưởng Forbes Under 30 vào các năm 2015 và 2018.

Những năm gần đây, doanh nghiệp này phát triển khá nhanh trong lĩnh vực giải pháp phần mềm, gia công phần mềm với thế mạnh là lượng khách từ thị trường Nhật Bản và có xu hướng phát triển đến khách hàng toàn cầu. Doanh thu tăng trưởng mạnh trong suốt giai đoạn phát triển là điều mà không nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin là được như Rikkeisoft.

Cụ thể, từ mức hơn 20 tỷ đồng năm 2013 (1 năm sau thời điểm thành lập), doanh thu của Rikkeisoft đã liên tục tăng trưởng và đạt đến hơn 350 tỷ đồng trong năm ngoái. Doanh nghiệp cũng vừa được vinh danh trong giải thưởng top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin năm 2022 vừa được tổ chức mới đây.

Trong một bài chia sẻ mới đây, Chủ tịch Rikkeisoft là ông Tạ Sơn Tùng tự tin khẳng định việc doanh nghiệp của mình có thể vượt được FPT. Từ 5 thành viên sáng lập, sau 10 năm doanh nghiệp này đã có 1.500 nhân sự vào tháng 6/2022. Ông Tùng cũng không ngần ngại tiết lộ dự định IPO vào năm 2025 của Rikkeisoft.

Bức tranh tài chính của Rikkeisoft

Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong 3 năm gần đây, tài sản của Rikkeisoft liên tục được "gia cố". Cụ thể, từ năm 2019 - 2020, tài sản của doanh nghiệp này lần lượt tăng từ 97,2 tỷ đồng lên 147,8 tỷ đồng và đạt 195 tỷ đồng vào năm ngoái.

Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của Rikkeisoft là tài sản ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải thu ngắn hạn. Trong 3 năm qua, các khoản phải thu của doanh nghiệp này lần lượt tăng từ mức 19,7 tỷ đồng vào năm 2019, lên 75,6 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, con số này là 78,8 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, Rikkeisoft cũng bắt đầu cắt giảm các khoản đầu tư tài chính dài hạn, đặc biệt là đầu tư vào công ty con và công ty liên doanh liên kết. Khoản đầu tư này giảm từ 15 tỷ năm 2019, xuống còn 14,5 tỷ vào năm 2020 và đến năm ngoái, số tiền đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp này chỉ còn 8,7 tỷ đồng.

Tính IPO vào năm 2025, tình hình tài chính Rikkeisoft của ông Tạ Sơn Tùng có gì? - Ảnh 1

Kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Rikkeisoft.

Ngược lại, trong năm 2020 và 2021, Rikkeisoft lại đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác, với số tiền lần lượt là 2,5 tỷ và 2,7 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Rikkeisoft trong giai đoạn 2019 - 2021 cũng liên tục gia tăng. Doanh ngiệp này nợ 27,3 tỷ vào năm 2019, rồi tăng lên 35,2 tỷ vào năm 2020. Tính đến tháng 12 năm ngoái, nợ phải trả của Rikkeisoft là 47,3 tỷ đồng. Chiếm đa số trong số nợ của Rikkeisoft là nợ phải trả cho người lao động, từ mức 23 tỷ đồng (2019) lên 29,3 tỷ đồng (2020) và hơn 44 tỷ đồng vào năm 2021.

Điểm sáng trong cơ cấu nguồn vốn của Rikkeisoft là vốn chủ sở hữu, khi liên tục được bồi đắp trong 3 năm qua, từ mức gần 70 tỷ, lên 112,6 tỷ đồng và đạt 147,7 tỷ đồng vào năm ngoái.

Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietnamFinance cho thấy doanh nghiệp của ông Tạ Sơn Tùng làm ăn khá hiệu quả trong 3 năm qua. Minh chứng cho điều này chính là việc doanh thu thuần của Rikkeisoft tăng từ mức 264,9 tỷ đồng năm 2019, lên mức 286 tỷ đồng vào năm 2020. Năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đã đạt 357,4 tỷ đồng.

Lợi nhuận hàng trăm tỷ, nhưng giá vốn bán hàng cũng luôn "neo" ở mức cao nên kết quả là lợi nhuận gộp của Rikkeisoft chẳng còn lại là bao, lần lượt là 64,6 tỷ; 74,7 tỷ và 69,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí (tài chính, quản lý doanh nghiệp), Rikkeisoft báo lãi 27,7 tỷ đồng (2019), 43,6 tỷ đồng (2020) và 33,8 tỷ đồng (2021).

Trong bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của Rikkeisoft dương 28,1 tỷ đồng vào năm 2019. Sang năm 2020, con số này là âm 16,3 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh âm thể hiện doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; trong việc thu tiền bán hàng và cung cấp dịch vụ. Rất may, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh đã được Rikkeisoft khắc phục vào năm 2021.

Ngọc Lưu

Theo VietnamFinance