Tổng tài sản của Bảo Việt đạt 120.933 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD

Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 sau soát xét của Tập đoàn Bảo Việt cho thấy tổng tài sản của Tập đoàn Bảo Việt tương đương hơn 5 tỷ USD. Trong đó, gần 100 nghìn tỷ là các khoản đầu tư của Tập đoàn này. Tuy nhiên, có hơn 870 tỷ đồng từ khoản tiền gửi tại ALCII (đã phá sản) rơi vào tình trạng “khó đòi” trong khi một số dự án bất động sản trên đất vàng dường như vẫn “bất động” sau hàng chục năm triển khai.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 (sau soát xét) của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) do ông Đỗ Trường Minh là Tổng giám đốc ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với tổng doanh thu hợp nhất đạt 15.533 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018.

Lãi ròng “bốc hơi” 20% trong nửa đầu năm

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm thuần đạt tới 15.412 tỷ đồng, còn lại là 121 tỷ đến từ hoa hồng nhượng tái bảo hiểm và doanh thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong khi đó, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm là 12.730 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, Tập đoàn trích lập dự phòng dao động lớn gần 72 tỷ đồng (gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2018).

Tuy nhiên, tổng chi trực tiếp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 15.726 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái khiến cho lãi gộp của Tập đoàn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm dù cải thiện hơn so với mức âm 2.013 tỷ của cùng kỳ năm ngoái song vẫn lỗ hơn 94 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay.

Tổng tài sản của Bảo Việt đạt 120.933 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD - Ảnh 1

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt (BVH)

Ngoại trừ mảng kinh doanh bảo hiểm, hầu hết các hoạt động kinh doanh khác của Tập đoàn Bảo Việt lại có chiều hướng đi xuống.

Đơn cử, thu nhập thuận từ các hoạt động khác giảm từ mức 33,7 tỷ xuống chỉ còn 23 tỷ trong nửa đầu năm. Hoạt động tài chính giảm 41%, xuống còn 2.724 tỷ đồng.

Ngoài ra, phần lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết cũng “bốc hơi” 50 tỷ, xuống chỉ còn 37 tỷ đồng.

Lợi nhuận khác là điểm sáng trong kỳ với 7,7 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước khoản mục này lỗ 7,2 tỷ đồng.

Kết quả, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận gần 832 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng giảm 20%, mang về cho Bảo Việt gần 671 tỷ đồng.

Nguy cơ “mất trắng” 870 tỷ và loạt dự án vàng “đắp chiếu”?

Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Tập đoàn Bảo Việt đạt 120.933 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD. Phần lớn tài sản của Bảo Việt là tài sản ngắn hạn với 74.521 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 69.319 tỷ của cuối năm 2018.

Trong đó, phần lớn tài sản ngắn hạn được tài trợ với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với tỷ trọng trên 81%. Tiếp đến là các khoản phải thu ngắn hạn với hơn 7.991 tỷ đồng.

Về 46.412 tỷ đồng tài sản dài hạn của Bảo Việt, có tới 43.603 tỷ đồng là đầu tư tài chính dài hạn. Chi phí xây dựng dở dang của doanh nghiệp 668 tỷ đồng, tăng 40 tỷ so với cùng kỳ.

Như vậy, tổng mức đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn đến ngày đáo hạn của Bảo Việt lên tới 99.516 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2019.

Điều đáng nói, trong số các khoản đầu tư tài chính của Tập đoàn Bảo Việt, khoản nợ tại Công ty ALC II của Tập đoàn này tính đến 31/5/2016 bao gồm 326,6 tỷ đồng, gần 53 tỷ nợ lãi trong hạn chưa thanh toán và hơn 421 tỷ đồng nợ lãi quá hạn tính trên dự nợ gốc quá hạn chưa thanh toán và 69 tỷ đồng nợ quá hạn tính trên dư nợ lãi trong hạn chưa thanh toán và tiền lãi phát sinh từ ngày 1/6/2016 cho đến khi trả hết nợ tính trên số dư nợ gốcvà nợ lãi trong hạn còn lại theo lãi suất thỏa thuận trong các hợp đồng tiền gửi đã ký.

Tổng cộng, ALC II phải thanh toán cho Bảo Việt số tiền lên tới trên 870 tỷ đồng, tuy nhiên hiện tại ALC II đã tuyên bố phá sản. Lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt từng đưa ra kế hoạch về việc thu hồi khoản nợ tại ALC II nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông báo cụ thể về kết quả.

Ngoài ra, trong số khoản đầu tư tài chính của Tập đoàn Bảo Việt, có tới 875 tỷ đồng trái phiếu Vinashin mà Tập đoàn này đã đầu tư tính theo giá gốc. Giá trị ghi sổ 252 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của doanh nghiệp lên tới 104.871 tỷ đồng, chiếm tới 87% trong tổng tài sản của Tập đoàn. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp 16.062 tỷ đồng.

Như vậy, nợ phải trả của Tập đoàn Bảo Việt gấp 6,5 lần vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này.

Tại thời điểm 30/6, Tập đoàn có 6 công ty con, một quỹ đầu tư và 6 công ty liên doanh, liên kết và 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc.

Một trong số công ty liên kết của Tập đoàn Bảo Việt được nhiều người nhắc đến chính là Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt với phần góp vốn là hơn 65 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội).

Trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt, Dự án Quang Minh tại khu vực Đồng Đìa, Cửa Cuồng, Mả Vàng thuộc thô Gia Tân, Xã Quanh Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc được ghi nhận là bất động sản đầu tư. Tại ngày lập báo cáo các dự án này vẫn đang được nắm giữ nhằm mục đích thu lời từ việc bán dự án.

Cũng liên quan đến bất động sản, tại thời điểm 30/6, Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận gần 119 tỷ đồng đầu tư vào dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT).

Tổng tài sản của Bảo Việt đạt 120.933 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD - Ảnh 2

Được biết, ngày 29/12/2005, UBND TP Hà Nội có quyết định 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại số 220, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) cho Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Cty Bảo Việt nhân thọ. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.

Để thực hiện dự án này, Tập đoàn Bảo Việt đã thành lập Công ty TNHH Bảo Việt – SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50%.

Thế nhưng, thực tế, trên mảnh đất này hiện vẫn chưa có tòa tháp nào được “dựng” lên sau cả chục năm qua.

Trong một diễn biến khác, ngày 29/7 vừa qua, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Bảo Việt với mức phạt là hơn 40 triệu đồng.

Nội dung quyết định xử phạt của Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ, Tập đoàn Bảo Việt do ông Đỗ Trường Minh đại diện theo pháp luật trên cương vị là Tổng giám đốc đã có hành vi khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp làm phát sinh số thuế phải nộp theo quy định. Số tiền tập đoàn Bảo Việt bị phạt là hơn 40,4 triệu đồng.

Cùng với đó, Tập đoàn Bảo Việt còn phải nộp đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu là hơn 202 triệu đồng. Do Tập đoàn Bảo Việt đã nộp khoản tiền này trước khi quyết định xử phạt được ban hành nên đơn vị này chỉ còn phải nộp số tiền phạt.

 

Theo Huyền Anh/ Dân Việt

Tin liên quan