Vốn FDI vào bất động sản qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh

Vốn FDI đăng ký vào bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng vốn FDI vào bất động sản.

Số liệu thống kê từ Bộ KH-ĐT cho thấy, nguồn vốn từ các nhà đầu tư ngoại đổ vào BĐS Việt Nam ngày càng tăng mạnh.

Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước vào lĩnh vực bất động sản lớn thứ hai, chỉ sau vốn vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đạt gần 3 tỷ USD, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng vốn FDI đăng ký vào bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 58,6% tổng vốn FDI vào bất động sản, cao nhất từ trước đến nay.

So sánh trong 3 năm (từ năm 2016-2018), vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản qua kênh góp vốn, mua cổ phần chưa vượt qua mức 723 triệu USD đã đạt được vào năm 2016. Tuy nhiên, từ quý II/ 2019 đến nay, đặc biệt trong tháng 8, vốn FDI vào bất động sản hình thức góp vốn mua cổ phần tăng mạnh.

Trong khi đó, vốn FDI đăng ký vào dự án mới trong 10 tháng lại thấp nhất trong 4 năm trở lại đây, chỉ đạt gần 1,3 tỷ USD.

Hiện tượng vốn FDI đổ vào BĐS tăng đột biến khiến giới chuyên gia bày tỏ nhiều lo ngại.

Trong một buổi tọa đàm về: Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đề cập tới hiện tượng nhà đầu tư ngoại núp bóng người Việt mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước.

Thậm chí, theo ông Thắng, nhiều dự án còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh, tác động đến văn hóa của Việt Nam.

Tiếp tục nói về sự bất cập trong nguồn vốn FDI, ông Vũ Đại Thắng cho biết, hiện nay vẫn còn tồn tại những dự án đầu tư (FDI) có vốn ảo, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Những dự án này đặc ký nguồn vốn lớn song đầu tư thực sự vào dự án lại rất nhỏ.

Thực tế, tình trạng góp vốn, mua cổ phần nhằm thâu tóm, đứng tên các dự án BĐS vẫn là rắc rối lớn đối với Đà Nẵng và nhiều địa phương khác.

Vừa qua, Đà Nẵng đã xác định có 21 lô đất được đứng tên người Trung Quốc theo hình thức góp cổ phần, mua bán chuyển nhượng, sáp nhập doanh nghiệp gây lo ngại trong dư luận, đặc biệt là những lo ngại về an ninh quốc phòng.

Mới đây, Đà Nẵng đã có chỉ đạo rà soát, đồng thời yêu cầu cơ quan công an, quốc phòng cùng vào cuộc giám sát các dự án FDI.

 

Theo An An/Báo Đất Việt

 

Link nguồn: https://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/von-fdi-vao-bds-qua-gop-von-mua-co-phan-tang-manh-3391880/

Tin liên quan