Đầu tư công bứt tốc, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hưởng lợi

Việc thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn chưa thể hồi phục ngay là cơ hội “trở mình” cho nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Đầu năm 2024, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, vốn đầu tư công đã được phân bổ 664.484 tỷ đồng.

Thời gian qua, ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản khiến nhiều nhóm ngành liên quan bị sụt giảm doanh thu và lợi nhuận, trong đó, một trong những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Không kỳ vọng nhiều vào bất động sản như những năm trước, nhóm doanh nghiệp này đặt kỳ vọng nhiều vào hoạt động đầu tư công.

Đầu tư công bứt tốc, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hưởng lợi - Ảnh 1

Tăng cường hoạt động đầu tư công

Trong năm 2023, đầu tư công được đẩy mạnh ngay từ các tháng đầu năm. Giá trị giải ngân đầu tư công tính đến cuối tháng 12/2023 ước đạt gần 623.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 82% kế hoạch Thủ tướng giao. Giá trị giải ngân theo tháng trong năm 2023 đều ghi nhận tăng mạnh nếu so sánh giai đoạn 4 năm trở lại đây.

Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư công (ĐTC) vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng (bao gồm, vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 225.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 432.349 tỷ đồng).

Đầu tư công bứt tốc, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hưởng lợi - Ảnh 2

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ trên 664.484 tỷ đồng vốn ĐTC thuộc nguồn NSNN năm 2024, đạt trên 101% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (657.349 tỷ đồng).

Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 32.427 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng này, thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 632.057 tỷ đồng, đạt trên 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Tuy nhiên vẫn còn 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 25.291,1 tỷ đồng, chiếm 3,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn NSTW hơn 10.751 tỷ đồng, vốn cân đối NSĐP hơn 14.539 tỷ đồng.

Việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics. Ước tính, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

Nhóm doanh nghiệp nào được hưởng lợi?

Nhóm đầu tiên kể đến là nhóm doanh nghiệp Vật liệu xây dựng, theo CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco), nhóm vật liệu xây dựng được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng, bước vào triển khai dự án cho đến khi hoàn thành hoạt động xây dựng dự án.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai với tiến độ kéo dài nhiều năm như Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, 12 dự án TP cao tốc Bắc Nam GDD2, dự án vành đai 4 – Hà Nội, dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu,…

Đầu tư công bứt tốc, nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng được hưởng lợi - Ảnh 3

Các dự án trọng điểm đầu tư công 2021-2025

Với ngành thép, các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thép cho các dự án đầu tư công, hạ tầng giao thông sẽ hưởng lợi nhờ nhu cầu tiêu thụ thép gia tăng. Với các ngành mà chi phí vận chuyển tác động lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như xi măng và đá xây dựng, các doanh nghiệp có thị phần lớn và có vị trí gần các dự án đang triển khai sẽ được hưởng lợi tốt hơn phần còn lại của ngành.

Đặc biệt đối với ngành đá xây dựng, hiện nay tại nhiều dự án đầu tư công (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, sân bay Long Thành) đang có tình trạng thiếu nguồn đất phục vụ san lấp. Do đó, Agriseco kỳ vọng các doanh nghiệp đầu ngành đá, sở hữu các mỏ đá với trữ lượng lớn, vị trí nằm gần các dự án trọng điểm sẽ được hưởng lợi.

Đối với doanh nghiệp xi măng có thể tiêu thụ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cống, thủy lợi, thủy điện; đồng thời, xuất khẩu một phần cũng là giải pháp tạm thời.

Giới phân tích nhìn nhận, năm 2024, ngành vật liệu xây dựng đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.

Ngoài nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng, nhóm doanh nghiệp xây dựng hạ tầng cũng sẽ được hưởng lợi từ đầu tư công.

Giới chuyên gia đánh giá, nỗ lực giải ngân đầu tư công của Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trong nền kinh tế như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống