Hành lang pháp lý cởi mở, dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản

Luật Đất đai 2024 dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2024 có nhiều điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý. Đáng chú ý là quy định mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, dòng kiều hối sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Hành lang pháp lý cởi mở, dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào thị trường bất động sản - Ảnh 1

Tạo điều kiện cho Việt Kiều sở hữu bất động sản tại Việt Nam

Luật Đất đai 2024 quy định tại Khoản 3 và Khoản 6, Điều 4 về “Người sử dụng đất” quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Tại Điều 28 của Luật Đất đai 2024 cũng quy định, người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).

Ngoài ra, Điều 41 và Điều 46 của Luật Đất đai 2024 quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất, được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường bất động sản.

Trước những cơ ché thông thoáng trong Luật Đất đai 2024, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, hành lang pháp lý mới với các quy định rõ ràng và cởi mở hơn tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều đầu tư, sở hữu nhà tại Việt Nam, dòng kiều hối theo đó sẽ “đổ” vào thị trường địa ốc.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho biết, trước đây đối với những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam. Song với quy định mới trong Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện cho nhóm người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở. Điều này được xem là hợp lý khi dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI đang chảy mạnh vào thị trường, lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.

Thị trường BĐS rộng cửa đón kiều hối

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển. Còn thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2023, khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đáng chú ý, lượng kiều hối về Việt Nam trong 10 năm trở lại đây duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lũy kế từ năm 1993 đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng năm 2023, lượng kiều hối chảy về cả nước ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. Ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được gửi gắm vào thị trường địa ốc.

Ước tính mỗi năm có tới 25% lượng kiều hối được gửi gắm vào thị trường bất động sản. Sự đổi mới của Luật Đất đai là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế, mang tính tích cực. Lượng kiều hối sẽ là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young cho biết, nếu lượng kiều hối đổ vào bất động sản tăng vọt có thể gây tăng giá bất động sản và lệch mục tiêu phân bổ đầu tư theo ngành. Tuy nhiên, vốn kiều hối sẽ không đổ vào thị trường nhà ở Việt Nam mạnh mẽ ngay sau khi luật mới có hiệu lực, vì luôn có độ trễ nhất định từ luật đi vào thực tế và người ta cần thời gian để nghiên cứu, cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư.

Trong dài hạn, sự gia nhập của nhà đầu tư Việt kiều ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp giúp thị trường có thêm dòng vốn mới, các hoạt động mua bán, đầu tư có thể sẽ sôi động hơn.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống