Thị trường bất động sản "xả hàng" giá gốc: Có phải cơ hội cho người sẵn tiền?

Thị trường bất động sản hiện tại đang là cơ hội tốt cho nhà đầu tư có sẵn tiền mặt hay người có nhu cầu mua nhà để ở khi nhiều nơi xả hàng, giá cạnh tranh lại kèm thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, người mua có nhu cầu lại không dễ dàng tìm được sản phẩm đã thực sự cắt lỗ.

Ồ ạt rao bán cắt lỗ

Sau khi liên tiếp xảy ra các đợt "sốt đất", mặt bằng giá của tất cả phân khúc bất động sản, đặc biệt là các sản phẩm đất nền, nhà ở giá trị lớn đã tăng 30-50%, thậm chí có nơi tăng gấp 2-3 lần so với năm 2019.

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà đầu tư phải bán cắt lỗ do đòn bẩy tài chính chuẩn bị “gãy”. Trái ngược với tâm lý muốn thoát hàng sớm, nhiều người lại xem đây là cơ hội tốt để gom được đất nền giá rẻ, vị trí đẹp, tiềm năng tăng giá.

Theo ghi nhận tại nhiều phân khúc bất động sản như đất nền, nhà liền kề, biệt thự có tốc độ tăng giá nhanh thời gian trước đó đang có xu hướng giảm giá. Trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều thông tin rao bán bất động sản "cắt lỗ", nhưng các nhà đầu tư đánh giá, mức giá đó vẫn cao.

Thị trường bất động sản "xả hàng" giá gốc: Có phải cơ hội cho người sẵn tiền? - Ảnh 1
Thông tin rao bán cắt lỗ tại 1 trang tin rao bán bất động sản.

Anh Hoàng, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết, anh chờ cơ hội săn hàng cắt lỗ nhưng thực tế chủ đất lại không hề cắt lỗ, giá chủ đất đưa ra không được như kỳ vọng. Thậm chí có một số lô đất nền phía trong rìa, hỏi ra giá vẫn cao hơn so với đầu năm 2021, với những lô đất có triển vọng, thương lượng giá với chủ đất rất khó. Anh Hoàng nói: “Không phải ai cũng có thể mua được trong thời buổi này vì thực tế chủ đất rao cắt lỗ nhưng họ không cắt lỗ mà chỉ bớt 1 phần lãi đi mà thôi”.

Cùng chung tâm lý như anh Hoàng, nhiều nhà đầu tư khác cũng cảm thấy khó tin vào các quảng cáo "cắt lỗ", "hàng ngộp" đăng tải trên các trang rao bán trực tuyến vì thực tế nhiều chủ đất chưa chấp nhận thương lượng.

Khác với a Hoàng, một nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội chia sẻ: “Sẵn 3 tỷ tiền mặt, tôi cũng tranh thủ gom đất chờ thị trường vào giai đoạn phục hồi. Đa phần, tôi khảo giá, các môi giới đều cho rằng hiện nay đã giảm khoảng 30%”.

Tuy nhiên, sau đó anh phát hiện ra mình đã bị mua hớ đến vài trăm triệu đồng dù trước đó đã 3 lần ép giá với môi giới. Anh cho biết, môi giới giới thiệu anh mảnh đất 150m2 tại Bắc Ninh với mức giá 3.5 tỷ đồng. Sau 3 lần thương thảo, họ đã chốt giá 3 tỷ đồng, tuy nhiên, ngay giao dịch, anh lại phát hiện mảnh đất anh mua đang được chủ đất ký gửi với giá 2.7 tỷ đồng.

Anh Yên, một môi giới bất động sản cho biết, bây giờ để tìm được thông tin rao bán bất động sản cắt lỗ rất dễ vì nó tràn lan trên mạng nhưng người thực sự cắt lỗ thì rất hiếm. Bởi, mức giá sau khi chủ đất cắt lỗ vẫn neo ở mức cao, đặc biệt trong thời điểm này khó vay ngân hàng nên chỉ sản phẩm nào thực sự có giá tốt thì mới nên xuống tiền.

Có phải là cơ hội cho người sẵn tiền?

Theo giới chuyên gia, đầu tư bất động sản vẫn là ngành hấp dẫn. Nhưng nhà đầu tư cần phải tập trung vào các loại bất động sản có nhu cầu ở và kinh doanh thật sự, hạn chế đầu tư lướt sóng. Hướng đi này cũng bền vững cho các công ty bất động sản trong giai đoạn tiếp theo.

Thị trường bất động sản "xả hàng" giá gốc: Có phải cơ hội cho người sẵn tiền? - Ảnh 2
Thị trường khó khăn là cơ hội cho nhà đầu tư sẵn tiền mặt.

Các chuyên gia bất động sản nhấn mạnh, nếu có dòng tiền trong tay, thị trường bất động sản đang là cơ hội tốt cho cả người mua ở và đầu tư khi nguồn cung đa dạng, giá cạnh tranh và nhiều ưu đãi.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ ít biến động, nguồn cung mới cũng không nhiều. Nguồn cung tại TPHCM và Hà Nội không có đột biến, tính thanh khoản cũng thấp, nhưng giá nhà sẽ tiếp đà tăng. Đây là yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản vùng ven, giải quyết bài toán nhà ở cho phần lớn người lao động.

Cũng theo ông Khương, những nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính lớn sẽ phải tìm cách đẩy hàng ra, đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn dòng tiền hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ thấp. Còn những khách hàng trẻ, nguồn lực chưa đủ lớn thì có thể tìm đến thị trường các tỉnh vùng ven các thành phố lớn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS cho biết, dòng vốn vào thị trường bất động sản gặp khó và lãi suất tăng đang khiến nhiều nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Theo chuyên gia này, nhu cầu của người dân vẫn cao nhưng giá bất động sản bị đẩy lên cao đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của thị trường. Ngoài ra, hiện nhiều người muốn mua nhà nhưng đang gặp khó khăn do không vay được vốn từ ngân hàng.

“Thị trường đang gặp khó khăn từ những yếu tố bên ngoài tác động chứ bản chất thị trường không phải như vậy”, ông Đính nhận định.

Ông cũng khuyến cáo, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất đang tăng thì nhà đầu tư tốt nhất không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư vì lãi suất đang tăng, không mua theo số đông, cảm tính. Và nếu chọn được đúng phân khúc chất lượng và khả năng sinh lời cao thì phải nghiên cứu kỹ trước khi xuống tiền.

Đồng quan điểm với ông Đính, TS Cấn Văn Lực chỉ ra, thị trường đang xuống, nhiều lúc nhà đầu tư muốn bán để trả nợ nhưng chưa chắc đã bán được. Đối với người mua ở thực, chưa chắc ở lâu dài, đến khi muốn bán đi thì phải có thanh khoản, phải có người mua, mà hiện tại thì việc này rất khó.

Do đó, TS Lực cho rằng, người mua hay nhà đầu tư tay ngang nên thông qua các công ty môi giới, tư vấn chuyên nghiệp. Chấp nhận mất đi một phần phí nhưng đổi lại, họ tư vấn giúp chúng ta về pháp lý, thông tin, tìm hiểu về thị trường và đưa ra lời khuyên khách quan nhất…

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển