Tích luỹ được 1.000 tỷ tiền mặt trong năm 2023, Hà Đô tiếp tục lùi mở bán Hado Charm Villas

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô cho biết trong năm 2023, tập đoàn này đã tất toán 210 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số 550 tỷ đồng dư nợ nhờ nguồn tiền từ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cũng nhờ tích lũy được gần 1.000 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền nên doanh nghiệp này tiếp tục lùi kế hoạch mở bán dự án Hado Charm Villas.

Tích luỹ được 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong năm 2023, Hà Đô tiếp tục lùi mở bán Hado Charm Villas
Tích luỹ được 1.000 tỷ đồng tiền mặt trong năm 2023, Hà Đô tiếp tục lùi mở bán Hado Charm Villas

Sáng 27/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023. Đại hội đã thông qua các báo cáo, tờ trình, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và kế hoạch năm 2024.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, HDG dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%. Trong đó, 5% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng cổ tức và 10% cổ tức còn lại là cổ phiếu, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới.

Năm 2023, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu đạt 2.889 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 866 tỷ đồng, giảm 36%. Đây đã là năm thứ 3 liên tiếp Hà Đô tăng trưởng âm về doanh thu. Cụ thể, doanh thu năm 2021 có mức tăng trưởng -24% và năm 2022 là -31%.

Năng lượng tiếp tục là lĩnh vực lợi thế mang lại doanh thu chủ chốt cho Hà Đô nhưng cũng tăng trưởng âm, giảm 8% so với cùng kỳ, đạt 1.938 tỷ đồng trong năm 2023. Điều này bắt nguồn từ tình hình thủy văn bất lợi dưới tác động của El Nino.

Ngoài ra, kết quả đáng buồn của Hà Đô cũng đến từ việc mảng bất động sản suy giảm quá mạnh (-75%), chỉ đạt 281 tỷ đồng doanh thu, do tập đoàn hoãn mở bán Hado Charm Villas. Lĩnh vực bất động sản, dịch vụ khai thác, cho thuê văn phòng và khách sạn chiếm 35% tổng doanh thu.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Hà Đô đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.896 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 972 tỷ đồng, tăng lần lượt 0,24% và 12,24% so với năm 2023.

“Đây là những chỉ tiêu được đặt ra một cách thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo sự phát triển mang tính ổn định, bền vững của công ty trong tương lai", lãnh đạo Hà Đô nói.

Theo nhận định của ban lãnh đạo tập đoàn, từ giữa năm 2024 và sang đầu năm 2025, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP. HCM sẽ ấm dần lên, nhất là với việc Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý để tập đoàn có thể hoàn thiện thủ tục đầu tư và khai thác các dự án như Hado Charm Villas, CC3 Dịch Vọng, Linh Trung…

Trước câu hỏi của cổ đông về việc mở bán dự án Hado Charm Villas, ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô, cho biết do không gặp vấn đề áp lực về dòng tiền nên tập đoàn vẫn đang chờ đợi thời điểm tốt của thị trường và đà tăng giá trong khu vực để mở bán nhằm tối đa hoá giá trị.

“Ban đầu chúng tôi dự kiến mở bán vào quý II, quý III năm nay nhưng trong năm 2023, Tập đoàn Hà Đô đã tích lũy được gần 1.000 tỷ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền nên hiện dòng tiền của Hà Đô vẫn duy trì tốt, vì thế chúng tôi sẽ chờ thời điểm thích hợp để mở bán dự án này”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng tại đại hội, thông tin tới cổ đông, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT, cho biết dự án Hồng Phong 4 vẫn đang hoạt động bình thường, không buộc phải di dời. Tập đoàn hiện đang chờ phương án xử lý từ các cơ quan chức năng.

Trong năm 2024, Hà Đô cũng sẽ đẩy mạnh M&A các dự án bất động sản, chuẩn bị kỹ các thủ tục đầu tư các dự án năng lượng mới để tạo đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn tiếp theo.

Về mặt nhân sự, đại hội đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2029 với cơ cấu 7 thành viên, bao gồm 5 thành viên thường trực và 2 thành viên độc lập.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance