TP.HCM lập tổ công tác xử lý dự án treo

Nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM đã “treo” quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. TP.HCM quyết định lập Tổ công tác rà soát các vấn đề tồn đọng, sau đó nâng cấp lên thành ban chỉ đạo xử lý các dự án treo...

Lập tổ công tác, TP.HCM xử lý được các dự án “treo”.
Lập tổ công tác, TP.HCM xử lý được các dự án “treo”.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi với quận Bình Tân về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra vào chiều 25/11/2022, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết qua 10 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của quận có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nổi bật.

Tuy nhiên, tại quận Bình Tân, một số dự án nhà ở triển khai kéo dài, hầu hết các nền đất đã chuyển nhượng và xây dựng nhà ở nhưng chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước, chiếu sáng…); chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; các chủ đầu tư không kịp thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa.

Ông Nhựt cho biết, trên địa bàn hiện có 2 dự án kéo dài trên 20 năm. Trong đó, dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc rộng 112 ha có từ năm 1998, hiện còn khoảng 9,2 ha chưa bồi thường. Dự án không thực hiện nên ảnh hưởng đến người dân chưa giải tỏa. Tương tự, dự án khu dân cư Vĩnh Lộc rộng 110 ha, hiện còn 10 ha chưa bồi thường.

Do đó, ông Nhựt kiến nghị lãnh đạo TP.HCM xem xét, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trên địa bàn quận.

Về 2 dự án “treo” ở trên, ông Nguyễn Thiện Nhân, Đại biểu quốc hội, cho biết phương án đền bù đã có từ năm 1999. Ông Nhân đề nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Chính phủ cho giải pháp đối với dự án kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa hoàn thành; lấy đó làm cơ sở cho các quận, huyện khác tại thành phố có dự án nào tương đồng thì định hướng làm theo.

Theo đó, hoạt động của tổ công tác này là 2 năm đầu chỉ cần thống kê hiện trạng các dự án “treo”, rồi tìm vấn đề của từng trường hợp, phân loại theo thẩm quyền giải quyết của địa phương hay của TP.HCM hay của Trung ương để tìm đúng nơi giải quyết dứt điểm.

Còn theo ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, sau hơn 20 năm, trải qua 4 nhiệm kỳ Quốc hội, cả 2 dự án trên đều chưa thể hoàn thành vì việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn. Với Khu công nghiệp Vĩnh Lộc còn 10% chưa giải toả do vướng mắc ở đơn giá bồi thường cho các hộ dân.

Trước thực trạng dự án “treo” quá lâu, ông Nguyễn Thoàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng đồng tình cho rằng cần có một tổ công tác của TP.HCM mới có thể giải quyết được, vì những tồn đọng này có từ năm 2002, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu quận Bình Tân kết hợp với Sở Nội vụ bàn về mô hình này. Sau đó, giao Văn phòng UBND TP.HCM cùng Sở Nội vụ thành lập tổ công tác phối hợp với quận, huyện rà soát các vấn đề tồn đọng của địa phương rồi lên kế hoạch giải quyết.

Ông Mãi nhấn mạnh, Tổ này sẽ được nâng lên thành ban chỉ đạo của TP.HCM chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo.

Ông Mãi cũng cho biết thêm quận Bình Tân có 44 dự án trong và ngoài ngân sách chưa thể hoàn thành, vì vậy, phải tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng để hấp thụ nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn xã hội cho phát triển kinh tế- xã hội của quận.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Được biết, trên địa bàn TP.HCM ngoài quận Bình Tân, huyện Củ Chi cũng có dự án Công viên Sài Gòn Safari đã treo hơn 10 năm chưa thực hiện gây bức xúc kéo dài; quy hoạch dự án Khu công nghiệp Bàu Đưng (xã An Nhơn Tây), diện tích 175 ha kéo dài từ năm 2006 đến nay; dự án khu công nghiệp Phước Hiệp (xã Trung Lập Hạ và Phước Hiệp), diện tích 200 ha được chấp thuận đầu tư từ năm 2010, nhưng không triển khai nên đã bị chấm dứt hoạt động.  

Tại huyện Hóc Môn, dự án khu công nghiệp Xuân Thới Thượng (xã Xuân Thới Thượng), diện tích 300 ha và khu dân cư liền kề 80 ha được chấp thuận đầu tư từ năm 2010. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa có chủ đầu tư và chưa triển khai…

Trước đó, cuối năm 2020, UBND TP.HCM đã công bố công khai 108 dự án “treo” không thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất.

Đề xuất đưa 302 dự án treo ra khỏi kế hoạch sử dụng đất

Trước đó, tại buổi giám sát của Ban Đô thị - HĐND TP.HCM về thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho biết, từ năm 2016 đến nay, trong 1.445 dự án được HĐND Thành phố thông qua trong 11 nghị quyết về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, hiện có 402 dự án đã hoàn thành, 741 dự án đang triển khai.

Còn lại 302 dự án chưa thực hiện đang được UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức đề xuất đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất.

Tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP.HCM cho rằng, với 302 dự án treo như vậy là một con số quá lớn, có địa phương có đến 30% số dự án chưa thực hiện. Bà Thanh Vân đề nghị Sở TN&MT cần rà soát kỹ các dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trước khi tham mưu cho UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM thông qua chứ không chỉ tổng hợp danh mục do các địa phương đưa lên.

Thời gian tới, Ban Đô thị - HĐND TPHCM sẽ khảo sát tính khả thi của các dự án do các địa phương đề xuất thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất về danh mục dự án cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng trước khi thẩm định, trình HĐND Thành phố. Tránh tình trạng nhiều dự án đã được HĐND thông qua nhưng không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân có đất trong dự án.

Ngoài ra, bà Thanh Vân cũng yêu cầu phải có thủ tục công khai đối với các dự án bị đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất để các quận, huyện có cơ sở giải quyết quyền lợi cho người dân.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, nếu đưa dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất mà Nhà nước không điều chỉnh quy hoạch thì người dân trong khu vực dự án vẫn bị "treo", quyền lợi về nhà, đất không giải quyết được.

Liên quan đến vấn đề lập kế hoạch sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, đã có quy hoạch sử dụng đất 10 năm, kế hoạch sử dụng đất 5 năm được duyệt và quy hoạch xây dựng đô thị thì không nhất thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Với nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm nên rất khó để hoàn thành công tác này trước ngày 31/12 của năm trước để làm cơ sở thực hiện cho năm sau.

Theo quy định, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện của năm nay thì sẽ phải được duyệt vào ngày 31/12 của năm trước. Tuy nhiên, phần lớn kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và TP Thủ Đức được duyệt vào quý 2, quý 3 hàng năm. Thậm chí, đến thời điểm này là quý 4 nhưng kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa được duyệt.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trước đây TP.HCM đã từng kiến nghị Bộ TN&MT bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Bởi hiện nay Thành phố đã có kế hoạch sử dụng đất 5 năm được duyệt, có quy hoạch sử dụng đất 10 năm và có quy hoạch xây dựng đô thị. Vì vậy, việc lập kế hoạch sử dụng đất rất có thể là mang tính hình thức.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và Cuộc sống