Trung tâm thương mại đầu tiên của Việt Nam: Tọa lạc trên đất vàng 3 mặt tiền, quy tụ hơn 200 thương hiệu đình đám, được 'Vua hàng hiệu' chi khủng để 'tái sinh'

Tọa lạc tại điểm giao của ba con phố lớn Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Hàng Bài, nơi đây được biết đến là trung tâm thương mại sang trọng và cao cấp bậc nhất của Thủ đô.

Tràng Tiền Plaza được biết đến là trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam. Mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Tràng Tiền được xem như một viên ngọc quý giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Khoác lên mình diện mạo sang trọng, tuy nhiên, Tràng Tiền Plaza vẫn giữ được cho mình nét cổ điển xưa cũ vốn có. Đây cũng chính là một trong những tòa nhà mang tính biểu tượng lịch sử, chứng kiến nhiều sự thay đổi của Thủ đô lúc bấy giờ.

Tràng Tiền Plaza được biết đến là trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam
Tràng Tiền Plaza được biết đến là trung tâm thương mại đầu tiên ở Việt Nam

Tràng Tiền Plaza tọa lạc tại một vị trí đắc địa, ngay tại giao điểm của phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Hàng Bài. Nhiều tài liệu lịch sử ghi lại rằng, nơi đây sở hữu vị trí đắc địa về phong thủy, hội tụ tinh khí về tài vượng và thích hợp để có thể phát triển thương nghiệp lâu dài.

Đầu thời nhà Nguyễn, một xưởng đúc tiền kẽm cũng đã được mở ra tại đây nên phố được đặt tên là Tràng Tiền. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, từng được đổi thành các tên gọi khác nhau nhưng cuối cùng nơi đây vẫn quay lại với tên phố cũ.

Tràng Tiền Plaza xưa thời kỳ được biết đến là Nhà Godard
Tràng Tiền Plaza xưa thời kỳ được biết đến là Nhà Godard

Tràng Tiền Plaza quy tụ nhiều cửa hàng kinh doanh vào loại sớm nhất tại Hà Nội với đủ các loại hình dịch vụ từ nhà hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa, hiệu sách, nhà in, nhà xuất bản, ngân hàng,… Trong đó, địa danh nổi tiếng nhất gắn liền với phố thương mại Tràng Tiền là cửa hàng bách hóa được xây dựng từ năm 1902, được biết đến với tên gọi “nhà Godard” mà cho đến nay vẫn còn được nhiều cao niên ở Hà Nội nhắc nhớ.

Godard được đổi tên thành Bách hóa tổng hợp
Godard được đổi tên thành Bách hóa tổng hợp

Tháng 9/1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa tổng hợp, hay còn được gọi là Bách hóa Tràng Tiền, với 2 tầng chính kinh doanh, buôn bán tất cả các loại mặt hàng thông dụng nhất phục vụ đời sống, cho đến hàng nhập khẩu xa xỉ phục vụ người nước ngoài và tầng lớp trung lưu như đồ trang sức, sành sứ, giày dép, nước hoa, đồng hồ, đồ nội thất…

Đến năm 1999, Trung tâm bách hóa tổng hợp Tràng Tiền chính thức được thành lập do nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân Thủ đô cũng như du khách đến tham quan Hà Nội. Sau khi hoàn thành, Công ty TNHH Thương mại Tràng Tiền đã đảm nhận việc quản lý tòa nhà.

Năm 2013, một trong những thông tin xôn xao thị trường bán lẻ khi ông Jonathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG) quyết tâm "đổ" 400 tỷ đồng vào để cải tạo Tràng Tiền Plaza. Không kể 400 tỷ đồng cải tạo, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp và các đối tác tại trung tâm này đã lên đến 150 triệu USD.

Tràng Tiền Plaza cũng là trung tâm mua sắm sang trọng cao cấp đầu tiên ở Hà Nội, quy tụ hơn 200 thương hiệu đẳng cấp trong nước & quốc tế, trong đó có thể kể đến các tên tuổi đình đám như Louis Vuitton, Dior, Rolex, Cartier,… Ngoài ra, nơi đây còn hội tụ đầy đủ các tiện ích của một trung tâm thương mại, không chỉ dành cho tín đồ yêu thích thời trang mà còn là nơi các gia đình đến tụ họp, giải trí vào mỗi cuối tuần.

Tràng Tiền Plaza không chỉ là trung tâm thương mại đầu tiên mà còn là biểu tượng lịch sử và văn hóa của Hà Nội
Tràng Tiền Plaza không chỉ là trung tâm thương mại đầu tiên mà còn là biểu tượng lịch sử và văn hóa của Hà Nội

Có thể nói, Tràng Tiền Plaza không chỉ kế thừa những yếu tố lịch sử, văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến, mà đây còn là một biểu tượng đẹp đẽ, hoành tráng trong mắt du khách và trong trái tim người dân Thủ đô. 

Tập đoàn IPPG do ông Johnathan Hạnh Nguyễn sáng lập từ năm 1985 và hiện ông đang giữ cương vị Chủ tịch Tập đoàn. Hiện tại, IPPG kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, là đối tác phân phối độc quyền của hơn 100 thương hiệu thế giới, đầu tư quản lý trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ cao cấp. Ngoài ra, IPPG còn tham gia đầu tư nhà ga quốc tế Cam Ranh và kinh doanh chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay khắp cả nước. 

Tình Hoàng

Theo Chất lượng và cuộc sống