Việt Nam không hạ giá tiền tệ

Thủ tướng khẳng định Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô chứ không phải tạo lợi thế thương mại.

Tại cuộc họp chiều 18/12, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quan điểm Việt Nam không thao túng tiền tệ như kết luận của Bộ Tài chính Mỹ mới đây. Thay vào đó, chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam là để ổn định kinh tế vĩ mô, không phải hạ giá tiền tệ để có lợi thế thương mại không công bằng.

Tại cuộc họp, thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Mỹ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.

Theo ông, các cơ quan của Chính phủ thời gian qua đã chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ và đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư...

Hai bên đã cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.

Việt Nam không hạ giá tiền tệ - Ảnh 1
Việt Nam vẫn kiên trì, ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ.

Quan điểm này của Chính phủ Việt Nam cũng từng được cả Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước đề cập hôm 17/12. Theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của kinh tế Việt Nam.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua là để đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào.

Động thái này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực, nhằm tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Bình luận về việc Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách những nước thao túng tiền tệ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam không hề muốn phá giá đồng tiền, để từ đó đẩy mạnh cạnh tranh, gọi là so với xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới- đây là vấn đề chúng ta phải khẳng định.

Ở đây chúng ta chỉ có mục tiêu là ổn định đồng tiền để không bị mất giá một cách quá đáng. Vì thế, việc mua vào ngoại tệ này, thực tế là chúng ta có 2 mục tiêu: Một là để giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tức là chúng ta không phá giá đồng tiền, để cạnh tranh trong thương mại bất bình đẳng như Mỹ định nghĩa như vậy thì rõ ràng không phải.

Thứ hai, nếu chúng ta nói đến chuyện mua ngoại tệ vào liên tục là để dự trữ ngoại tệ của Việt Nam do hiện nay còn  rất mỏng so với mức dự trữ mà IMF khuyến cáo.

Đồng thời cũng mỏng so với mức dự trữ ngoại tệ của các quốc gia xung quanh của Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tỷ lệ dự trữ của họ lớn hơn chúng ta rất nhiều. Vì thế, việc Việt Nam tăng cường mua ngoại tệ để tăng cường dự trữ hối đoái đề phòng những biến động bất thường trên thị trường tài chính là cần thiết. Vì thế rõ ràng Chính phủ Mỹ cũng không xem xét cẩn trọng vấn đề này.

Khi phía Mỹ đưa chúng ta vào danh sách này sẽ có nhiều rủi ro, thứ nhất sẽ có sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá của các hàng hóa của ta khi đưa vào thị trường của họ.

Đặc biệt là khi tiếp cận thị trường tài chính, tiền tệ rất nhiều vấn đề nảy sinh, từ việc có thể đánh giá đồng Việt Nam đang rẻ hơn giá trị thực tế của nó, từ đó làm cho việc tiếp cận với thị trường tài chính tiền tệ thế giới trở nên khó khăn, chi phí đắt đỏ, trong thanh toán, cũng như liên quan đến lãi vay, nợ vay… điều này rất khó khăn với việc tiếp cận thị trường quốc tế.

Trong khi đó, chúng ta đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cần dòng vốn quốc tế -đây là một điều rất nguy hiểm đối với nền kinh tế của chúng ta.

TS Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, việc Mỹ đang sử dụng biện pháp đưa một số quốc gia vào danh sách thao túng tiền tệ mang tính chính trị nhiều hơn vấn đề kinh tế, thương mại.

Hiện xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ rất nhỏ bé so với các quốc gia, đặc biệt với Trung Quốc. Với quy mô xuất siêu như vậy, chưa thể nói Việt Nam trục lợi và sống trên lưng của Mỹ được. Hơn nữa, trong năm 2019 VNĐ có tăng giá nhưng cũng tương đối ổn định, nên cũng khó quy kết Ngân hàng Nhà nước đã phá giá VNĐ để trục lợi với Mỹ. Vì vậy nói Việt Nam phá giá VNĐ là không đúng.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần có trả lời chính thức về luận chứng bên phía Mỹ. Thứ hai, các cơ quan của Chính phủ phải tìm mọi biện pháp để ngăn cản việc hàng hóa Việt Nam bán sang Mỹ có thể được xem là bán phá giá.

Việt Nam cũng cần tạo ra thương mại cân bằng hơn đối với Mỹ, như tăng cường nhập khẩu hàng hóa thiết bị, để giảm dần mức độ xuất siêu sang thị trường này.

Ngọc Mai (tổng hợp)

Theo Báo Đất Việt