10 sự kiện bất động sản nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 1

1. CƠN SỐT ĐẤT “CHÓNG VÁNH” ĐẦU NĂM

Bắt đầu từ cuối năm 2021 cho đến hết quý 1/2022, những cơn sốt đất liên tục bùng phát tại nhiều địa phương trên cả nước. Đặc biệt tại nhiều khu vực xuất hiện các thông tin quy hoạch, triển khai hạ tầng, giá đất liên tục “nhảy múa”.

Tại Hà Nội, sau khi có thông tin TP Hà Nội xin Chính phủ và Quốc hội cơ chế ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ làm tuyến đường Vành đai 4, tại các xã như Minh Trí, Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn), giá đất liên tục nhảy múa, các văn phòng môi giới bất động sản liên tục được mở ra. Giá đất nhiều khu vực tăng ở mức 20 – 30%, thậm chí tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm trước.

Tại Bắc Giang, sau khi có thông tin lập quy hoạch chung TP Bắc Giang mở rộng đến năm 2045, bao gồm thành phố hiện hữu và toàn bộ huyện Yên Dũng, giá nhà đất trở nên sôi động. Tại các xã Tân Liễu, Đồng Sơn, Tiền Phong của huyện Yên Dũng, giá đất đã tăng khoảng 30%-50% so với cuối năm 2021.

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: Những cơn sốt đất "chóng vánh" diễn ra đầu năm.
10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: Những cơn sốt đất "chóng vánh" diễn ra đầu năm.

Tại Bắc Ninh, khi có thông tin tỉnh sẽ đầu tư lớn hạ tầng để đưa các huyện Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ lên thị xã, đáp ứng chỉ tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, giá nhà đất cũng trở nên sốt nóng. Các sàn giao dịch bất động sản tại địa phương này đang ồ ạt chào hàng nhiều dự án đất nền với giá khá cao, trên 30 triệu đồng/m2, có những dự án tới hơn 50 triệu đồng/m2. Một số dự án được thổi giá cao hơn 50% so với trước Tết Nhâm Dần.

Tỉnh Lâm Đồng cũng xảy ra “sốt” đất ở các huyện: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, TP. Đà Lạt. Theo số liệu báo cáo từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, ngay từ đầu năm nay, lượng giao dịch nhà đất trên địa bàn tăng đột biến, trong quý 1/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có 12.467 giao dịch đất nền thành công và đến quý 2/2022 lượng giao dịch đã tăng lên 19.669 giao dịch.

Hay tại tỉnh Quảng Bình, khi xuất hiện thông tin tỉnh sẽ triển khai dự án tuyến đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, qua địa bàn huyện: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP Đồng Hới, giá đất gần với dự án cũng tăng từ 2 - 3 lần, tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi...

2. “Siết” tín dụng vào bất động sản, thị trường hạ nhiệt

Trước diễn biến giá nhà đất liên tục tăng nóng, các cơ quan chức năng nhiều địa phương đã có những động thái vào cuộc quyết liệt nhằm hạ nhiệt đà tăng giá nhà đất. Cụ thể, nhiều địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Lâm Đồng… đã thực hiện việc công khai, minh bạch các thông tin quy hoạch, về kế hoạch sử dụng đất, thông tin về giá đất trên địa bàn. Thậm chí, một số tỉnh thành đã ban hành văn bản dừng các hoạt động phân lô, tách thửa, “siết” các giao dịch chuyển nhượng đất đai, tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra các sàn giao dịch, đơn vị môi giới bất động sản. Đồng thời tuyên truyền, cảnh báo người dân về những chiêu trò “thổi” giá nhà đất của giới đầu cơ nhằm trục lợi cá nhân.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hạn chế đầu cơ, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có động thái "siết" hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản. Mặt khác, một số kênh huy động vốn quan trọng cho bất động sản như trái phiếu doanh nghiệp cũng bị kiểm soát chặt chẽ.

Với những động thái vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, đồng thời phía Ngân hàng Nhà nước cũng có những động thái kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, có bất động sản… Sau đó, một số ngân hàng đã có động thái thông báo dừng cho vay bất động sản với lý do hết hạn mức (room) tín dụng. Việc kiểm soát tín dụng đã cho thấy rõ tác động lên thị trường bất động sản khi thanh khoản của thị trường bị tắc.

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: “Siết” tín dụng vào bất động sản, thị trường hạ nhiệt.
10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: “Siết” tín dụng vào bất động sản, thị trường hạ nhiệt.

Quý 2/2022, thị trường bất động sản chững lại, những cơn sốt đất diễn ra chóng vánh trong quý đầu năm cũng nhanh chóng “hạ nhiệt”, các nhà đầu tư lại bước vào một “vòng xoáy” mới khi thị trường nguội lạnh.

Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong cả quý 2 và quý 3/2022, lượng người quan tâm và giao dịch bất động sản đều sụt giảm rất mạnh. Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản (VARS), trong quý 3, tỷ lệ tiêu thụ bất động sản tại Hà Nội đạt 35,6%; các tỉnh miền núi phía Bắc là 14,5%; duyên hải Bắc Bộ là 34,8%; TP.HCM khoảng 50%; khu vực Nam Trung Bộ là 11%… Những con số cho thấy sức mua trên thị trường ở mức rất thấp...

3. Ách tắc pháp lý khiến nguồn cung BĐS khan hiếm, lệch pha cung – cầu

Trong năm 2022, nguồn cung bất động sản khan hiếm ở hầu hết các phân khúc, đặc biệt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hầu như không xuất hiện, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản tăng cao.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý 3/2022 vẫn chưa được cải thiện, nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong quý chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.

Cụ thể, số lượng nhà ở thương mại hoàn thành là 17 dự án với 4.123 căn, số lượng dự án bằng khoảng 71% so với quý 2/2022 và bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Xây dựng dự báo, nguồn cung bất động sản, nhà ở sẽ còn tiếp tục còn hạn chế do lượng dự án được mở mới giảm so với các năm trước, trong khi nhiều dự án đã được chấp thuận gặp vướng mắc trong thủ tục đầu tư, pháp lý…

Bên cạnh khan hiếm nguồn cung, lệch pha cung – cầu bất động sản cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng khi nguồn cung phân khúc cao cấp áp đảo trên thị trường, ngược lại phân khúc bình dân, vừa túi tiền ngày càng khan hiếm, thậm chí “biến mất”.

Điển hình tại TP HCM, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP HCM, năm 2017 có 10.987 căn nhà cao cấp, năm 2018 có 8.502 căn nhà cao cấp, chiếm 30%; năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%; năm 2020 có 7.114 căn nhà cao cấp, chiếm 42,1%; năm 2021 có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%; 06 tháng đầu năm 2022 có 7.577 căn nhà cao cấp, chiếm 80,13%.

Ngược lại, năm 2020 chỉ có 163 căn nhà vừa túi tiền, chiếm 1%; năm 2021 và 06 tháng đầu năm 2022 không còn căn hộ nhà vừa túi tiền (0%) trên thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khan hiếm nguồn cung, lệch pha cung cầu kéo dài là biểu hiện của thị trường thiếu ổn định, thiếu lành mạnh, thiếu bền vững. Nguyên nhân bên cạnh những vấn đề nguồn vốn, tình hình vĩ mô và những yếu tố liên quan thì những vướng mắc liên quan đến các chính pháp lý là nguyên nhân chính khiến nguồn cung trên thị trường bất động sản bị ách tắc và khan hiếm trầm trọng.

Trong đó, sự chồng chéo giữa Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai 2013 và một số văn bản, chính sách pháp lý bất động sản đã dẫn đến những vướng mắc, mâu thuẫn về quy định pháp lý khiến hàng trăm dự án bất động sản bị ách tắc, đắp chiếu trong nhiều năm, nên không đáp ứng được nguồn cung thị trường.

Vì vậy, việc sửa đổi một số bộ luật liên quan đến bất động sản đã được đặt ra. Trong năm 2022, các hội thảo góp ý dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) đã được tổ chức, dự kiến đến sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào đầu tháng 1/2023 với kỳ vọng sẽ giải quyết được những vấn đề chồng chéo, vướng mắc, chưa phù hợp.

4. Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp

bất động sản “đình đám” bị bắt

Tháng 3/2022 Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”. Sau đó ông Quyết bị khởi tố bổ sung hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty cũng đang bị điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Tháng 4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan. Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng và sáu bị can đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đầu tháng 10/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Trương Huệ Vân - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor;… Trên tờ Tuổi Trẻ  mới đây có đưa tin cho biết: Kết quả điều tra ban đầu xác định bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân, giai đoạn năm 2018-2019.

5. “Nóng” câu chuyện trái phiếu

doanh nghiệp bất động sản

Trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề rất “nóng” trong năm 2022, trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản.

Trước khi công an có quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất sôi động. Từ quý 2/2022 trở đi, thị trường luôn trong tình trạng ảm đạm, thậm chí “đóng băng”.

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: "Nóng" câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp.
10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: "Nóng" câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng.

Khi các hoạt động phát hành trái phiếu gần như không còn diễn ra vào những tháng cuối năm, ngược lại cuộc “chạy đua” mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp bất động sản khá sôi động.

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 21/10, các doanh nghiệp phát hành đã mua lại trước hạn hơn 142.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tăng 67% so với cùng kỳ. Có tới 74% lượng TPDN mua lại diễn ra trong quý 2 và quý 3/2022, sau khi sự cố Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát xảy ra.

Điển hình như: Tập đoàn Novaland mua lại 1.000 tỷ trái phiếu trước hạn (đáo hạn tháng 12/2022); Hưng Thịnh Land mua lại 400 tỷ đồng trái phiếu trước hạn (đáo hạn tháng 12/2023); Phát Đạt cũng mua lại gần 339 tỷ đồng, Sunshine Homes mua lại 500 tỷ đồng, An Gia mua lại 680 tỷ đồng…

Số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21,85 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 là 119,05 nghìn tỷ đồng và năm 2024  là 111,81 nghìn tỷ đồng.

Điển hình, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã CK: CII), BCTC quý 3/2022 doanh nghiệp ghi nhận, trong vòng 1 năm tới, Công ty sẽ phải trả và 3.161 tỷ, trong năm thứ hai phải trả 1.090 tỷ, trái phiếu đến hạn. Tương tự, Công Ty Cp Phát Triển Đô Thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) cũng có đến 1.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 3/2023…

6. Doanh nghiệp BĐS giảm giá bán, cắt giảm nhân sự, tái cơ cấu nợ… để “vượt khó”

Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thực hiện nhiều giải pháp như tung các chính sách bán hàng khuyến mãi lớn, chiết khấu đến 50% giá trị sản phẩm, cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, tinh giản tối đa bộ máy để tiết giảm chi phí, tái cơ cấu nợ…

Trong đó, để huy động dòng tiền, nhiều chủ đầu tư đã “mạnh tay” nâng chiết khấu lên đến 30 – 50% giá trị sản phẩm. Cụ thể, tại Hà Nội, chủ đầu tư dự án Melody Linh Đàm tung chính sách chiết khấu 30-40% nếu khách hàng thanh toán sớm 95% giá trị sản phẩm. Tương tự, dự án Moonlight Avenue (TP HCM) cũng áp dụng chính sách chiết khấu lên tới 40% nếu khách hàng thanh toán vượt tiến độ 98%; dự án Aqua City chiết khấu lên đến 50% đối với khách hàng thanh toán nhanh, chiết khấu 30% nếu khách hàng thanh toán sớm 95%...

Trong những tháng cuối năm, câu chuyện cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên tại một số doanh nghiệp bất động sản là vấn đề nổi cộm gây nhiều chú ý. Theo chia sẻ của

Trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đề cập tới hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt. Một vấn đề đáng lưu ý được HoREA đề cập là chuyện cắt giảm nhân sự trong thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp. Theo đơn vị này, có tập đoàn phải giảm đến 50% lực lượng lao động. Ngoài ra, không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư kinh doanh…

Theo thông tin trên báo Dân trí, về thông tin phải cắt giảm lượng lớn nhân sự, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết đã quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án khi quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Việc tái cơ cấu nhân sự, theo phía đại diện doanh nghiệp, là quyết định "đau đớn”, nhưng là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắt.

Cùng với tiết tinh giản bộ máy, thu hẹp quy mô đầu tư thì việc tái cơ cấu nợ cũng đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện trong bối cảnh khó khăn trước mắt. Trong đó, việc mua lại trái phiếu trước hạn vừa như một cách lấy lại niềm tin từ phía nhà đầu tư, đồng thời đây cũng là giải pháp tốt đối với các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giảm gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất cao.

Bên cạnh việc mua lại trái phiếu trước hạn, một số doanh nghiệp bất động sản còn thực hiện các giải pháp như hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu, gia hạn thời hạn thanh toán với lãi suất mới…

7. Lãnh đạo loạt doanh nghiệp bất động sản liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu

Trong năm 2022, thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh. Đặc biệt những tháng cuối năm, thị trường ghi nhận nhiều phiên điều chỉnh mạnh, nhất là nhóm cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến làn sóng “báo tháo”, bán giải chấp cổ phiếu. Tình trạng này xảy ra không chỉ đối với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà cả lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng bị công ty chứng khoán liên tục bán giải chấp cổ phiếu.

Mới đây nhất, Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt đã bị Chứng khoán SSI bán giải chấp hơn 3,5 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của ông Đạt trong phiên giao dịch ngày 21/12. Trong năm nay, Chủ tịch Phát Đạt nhiều lần bị các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Trước đó, trong giai đoạn cổ phiếu PDR được giải cứu và tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 29/11 đến phiên 5/12, ông Đạt đã nhiều lần bị CTCK bán giải chấp với tổng khối lượng hơn 30 triệu đơn vị.

Tại DIC Corp (Mã CK: DIG), trong phiên giao dịch ngày 16/11: ông Nguyễn Thiện Tuấn – Chủ tịch HĐQT DIC Corp, ông Nguyễn Hùng Cường – con trai ông Tuấn đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Con gái ông Tuấn đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp tổng cộng gần 6 triệu cổ phiếu.

Trước đó, chỉ trong giai đoạn từ 27/10 đến 9/11, Chủ tịch Tuấn đã bị bán giải chấp tổng cộng 12,4 triệu cổ phiếu DIG. Ông Cường cũng đã bị ép bán tổng cộng 7,8 triệu cổ phiếu DIG trong giai đoạn từ 31/10 đến 9/11 trong khi người con gái của ông Tuấn cũng đã bị bán giải chấp hơn 5,8 triệu cổ phiếu DIG trong khoảng thời gian từ 7-10/11.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều lãnh đạo khác của các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản cũng bị bán giải chấp cổ phiếu, như ông Đinh Văn Thanh - phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) - bị bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC, hay ông Nguyễn Tuấn Anh - thành viên hội đồng quản trị độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (mã HDC) - bị bán giải chấp 73.000 cổ phiếu HDC...

Theo chia sẻ của lãnh đạo một công ty chứng khoán, cuối năm là lúc các "ông chủ" rất cần tiền để đáo hạn các khoản vay ngân hàng, đáo hạn trái phiếu... Tuy nhiên các kênh huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu đều đang gặp khó, tiến độ bán dự án lại chậm, dẫn đến việc "bị cạn tiền, cạn lực để trợ giá cổ phiếu".

8. Phân khúc cho thuê và bất động sản khu công nghiệp là “điểm sáng”

Theo báo cáo thị trường quý 3/2022, mức độ quan tâm đối với bất động sản bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Ngược lại, thị trường cho thuê ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn với nhu cầu tìm thuê và giá cho thuê tăng mạnh.

Cụ thể, nhu cầu tìm thuê bất động sản tại Hà Nội trong quý 3/2022 lại tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất là loại hình văn phòng (tăng 51%) và nhà mặt phố (tăng 40%). Tương tự tại TP HCM, nhu cầu tìm thuê cũng tăng đến 70% và hầu như tăng ở mọi phân khúc.

10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: Phân khúc cho thuê và bất động sản khu công nghiệp nổi lên như một "điểm sáng".
10 sự kiện bất động sản nổi bật năm 2022: Phân khúc cho thuê và bất động sản khu công nghiệp nổi lên như một "điểm sáng".

Đến nay, bất động sản cho thuê vẫn dẫn đầu ở cả 2 thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về mức độ quan tâm và nhu cầu sở hữu, điển hình là chung cư. Theo đó, nhu cầu tìm thuê căn hộ chung cư tại Hà Nội trong quý 3 tăng khoảng 13% so với quý 2/2022, còn mức tăng ở Thành phố Hồ Chí Minh là 24%.

Giá cho thuê chung cư cũng ghi nhận tăng đều ở nhiều quận. Đơn cử, giá cho thuê chung cư tại các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm (Hà Nội) tăng từ 14 đến 16% so với quý 2/2022. Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, giá cho thuê chung cư tại quận 4, quận 1 và Bình Thạnh tăng lần lượt là 14%, 12% và 13%.

Đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, giá thuê cũng liên tục tăng cùng với tỷ lệ lấp đầy cao. Báo cáo Industrial Insider do Savills Việt Nam công bố vào tháng 10 vừa qua cho thấy, nguồn cung bất động sản công nghiệp tại hai “đầu tàu” kinh tế Hà Nội và TPHCM đã được lấp đầy gần như hoàn toàn. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước đạt bình quân 70,9%, tương đương cuối năm 2020.

Cụ thể, ở miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%, tại Hưng Yên đạt tỷ lệ 77%.

Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại 6 tỉnh thành trọng điểm đạt đến 84%. Bình Dương với hơn 7.000 hecta đất công nghiệp đã được lấp đầy trên 90%. Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An đã có những dự án mới gia nhập thị trường, còn TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai hiện đều “khát” nguồn cung.

Nhu cầu cao đang đẩy giá thuê đất khu công nghiệp lên cao. Trong đó, với ưu thế về cơ sở hạ tầng và giao thông, giá thuê khu công nghiệp tại Hà Nội đạt mức gần 140 đô la/m2, cao nhất miền Bắc. Tại TPHCM, giá đã vượt ngưỡng 200 đô la/m2, đứng đầu khu vực phía Nam.

Đánh giá triển vọng của phân khúc này, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối cùng giá thành tăng cao đã phản ánh mức độ và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam. Điều này mở ra cánh cửa để các nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước đưa ra những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nguồn cầu trong thị trường trong tương lai…

9. Xét xử vụ án Alibaba

Ngày 8/12, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba đối với bị cáo Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba và 22 đồng phạm. Thời gian xét xử dự kiến diễn ra từ ngày 8/12 - 6/1/2023.

Vụ án Alibaba có hơn 4.500 bị hại và số tiền bị chiếm đoạt gần 2.400 tỉ đồng, liên quan 58 dự án trên địa bàn ba tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) là người chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình hoạt động của Công ty Alibaba và 22 pháp nhân trực thuộc. Luyện chỉ đạo các nhân viên dưới quyền đi mua đất nông nghiệp theo khung giá đất Luyện chỉ định, sau đó chỉ đạo bộ phận thiết kế vẽ đồ họa, chia thửa đất thành nhiều lô và định giá để bán cho các khách hàng.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về Luật đất đai cũng như các quy định pháp luật khác, Luyện đã bán cho khách hàng bằng hợp đồng ký với Công ty Alibaba và các pháp nhân khác các lô đất trên cơ sở các thửa đất nông nghiệp (trên giấy) chứ không chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật. Có những thửa đất nông nghiệp Luyện chưa mua được nhưng vẫn phân lô bán cho khách hàng.

10. Chính phủ lập tổ công tác “gỡ khó” cho bất động sản

Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh là tổ phó.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bên cạnh đó, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác cũng cần tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng…

Ngoài việc thành lập tổ công tác để gỡ khó cho bất động sản, trong 3 ngày liên tiếp gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Đó là, Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở".

Những động thái quyết liệt của Chính phủ được cho là sẽ tạo ra những thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo Sở hữu trí tuệ