Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 1

Gắn bó chặt chẽ với thị trường bất động sản, không ngạc nhiên khi ngành xây dựng ở trong tình cảnh khó khăn như hiện nay. Nhưng khác biệt với thị trường bất động sản, ấm lạnh khác nhau ở từng phân khúc, hay sẽ có một phân khúc sôi động kể cả trong tình cảnh thị trường chung ngặt nghèo, ngành xây dựng gần như lâm vào khó khăn toàn diện, và cho thấy rõ chiều hướng đi xuống trong quãng 4 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, hầu hết các nhà thầu xây dựng bị nợ đọng kéo dài do chủ đầu tư dự án mất khả năng chi trả hoặc chây ì trả nợ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nhóm xây dựng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ thuế, nợ lương nhân viên... Nhiều dự án, công trình không có chi phí hoạt động, phải dừng thi công, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động chờ cơ hội phục hồi của thị trường.

Chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc – Thúc đẩy tăng trưởng” sáng ngày 19/4, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay.

Điều này đã khiến các doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình cảnh nguy khốn cực cùng, bắt buộc các doanh nghiệp phải kích hoạt quá trình biến hóa bằng cách mở rộng sang lĩnh vực hoạt động nhỏ lẻ hơn trong cùng nhóm ngành xây dựng. Tuy nhiên, doanh nghiệp có vững tay chèo biến hóa đưa doanh nghiệp vượt qua khúc quanh sinh tử hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.

Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 2

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, đã có nhiều ý kiến liên quan tới việc gỡ vướng cho thị trường bất động sản, nhưng chưa ai nói gì tới ngành xây dựng, trong khi sự liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ. Ngành xây dựng đóng góp 6% vào GDP Việt Nam 2022.

Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 3

Tuy nhiên, chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý 1 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023.

Khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà Hoà Bình là dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trở lại năm 2022, ông Hiệp cho biết ngành xây dựng về tổng thể đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong 6 tháng đầu năm 2022 sau những ảnh hưởng bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp như Hòa Bình (HoSE: HBC), Delta, Newtecons, Vinaconex (HoSE: VCG),… ghi nhận mức tăng trưởng 300-500%. Kết quả này cũng phản ánh sự hiệu quả trong các chính sách của Chính phủ. Song hầu hết doanh nghiệp xây dựng lớn đều không đạt kế hoạch đặt ra ban đầu.

Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 4

Vấn đề đầu tiên đó là tình trạng ách tắc, vướng mắc pháp lý khiến số dự án được triển khai trong năm 2022 vẫn còn chậm. Tuy việc nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam giúp triển vọng trong năm nay khả quan hơn nhưng ngành xây dựng đang phát sinh tình trạng phân hóa khi chỉ có những doanh nghiệp, dự án có vốn FDI uy tín, vững vàng mới có thể tồn tại trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ khả năng cạnh tranh "chết dần, thậm chí chết rất nhanh".

Ông Hiệp cũng nêu thực trạng hiện nay doanh nghiệp xây dựng không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt sợ thực hiện dự án đầu tư công. Vì vậy, doanh nghiệp lớn thường có xu hướng tìm dự án nước ngoài hoặc làm thầu phụ cho dự án FDI.

Vấn đề ở đây là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, lãi vay 11 - 13%/năm, trường hợp chủ đầu tư khó khăn như gần đây không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là các nhà đã xây… Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong…

Ở góc độ chủ đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kỳ vọng những điểm nghẽn pháp lý được xử lý, thông suốt. Về nguồn vốn, bằng cách này hay cách khác doanh nghiệp có thể xoay sở, giải pháp về pháp lý mới là điều quan ngại nhất.

Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 5

Thực tế, câu chuyện nợ đọng trong ngành xây dựng không phải chuyện mới, từng gây khó cho nhiều nhà thầu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, nếu ngành BĐS không gỡ được khó, ngành xây dựng cũng khó duy trì hoạt động, thậm chí phá sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), vấn đề nợ đọng đang là vướng mắc lớn nhất của ngành xây dựng hiện nay.

Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng chiếm tới 90%. Các doanh nghiệp được coi là lớn trong ngành thì quy mô vốn cũng chỉ từ 500 - 1.000 tỷ đồng và chưa tới 10 doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tất cả doanh nghiệp xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ và lãi vay ngân hàng mà họ phải trả lại lên đến 9 - 10%/năm. Do đó, các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng hiện có hai loại nợ.

Thứ nhất là nợ công trình vốn đầu tư công. Đây là các khoản nợ từ các công trình đã kết thúc 2 - 3 năm nhưng chưa quyết toán và thanh toán được.

Thứ hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, đây là các khoản nợ do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán. Đặc biệt là phần 25% cuối, dù dự án đã đưa vào khai thác sử dụng.

Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 6

Trước tình cảnh khó khăn của các DN trong ngành, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM (SACA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành liên quan để cầu cứu trước nguy cơ phá sản vì khó khăn, dòng tiền bị tắc.

Tại văn bản này, với tư cách Chủ tịch SACA đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải cho biết trong 35 năm qua, lần đầu tiên tập đoàn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của DN như hiện nay. Khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công... "Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được" - ông Hải nhấn mạnh.

Bất động sản chưa tháo gỡ, ngành xây dựng cũng chưa thể hết khó khăn - Ảnh 7

Theo ông Hải, hầu hết các DN xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ tiền thi công, dẫn tới nhà thầu nợ tiền ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế; nhiều dự án, nhiều công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công; nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được...

Giải pháp cho tình trạng này, SACA kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án BĐS.

Đồng thời, ông Hải cũng kiến nghị Chính phủ nhanh chóng có các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc hiện tại về pháp lý cho các dự án BĐS. Việc này sẽ giúp DN nhanh chóng xây dựng và bán hàng, đáp ứng các điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, nhanh chóng đưa công trình vào khai thác... Điều quan trọng hơn là khôi phục hiệu quả toàn hệ sinh thái của ngành BĐS bao gồm xây dựng, sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng.

HÀ THU

Theo Kinh doanh và Phát triển