Song song với việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển trong thời kỳ mới, tỉnh Quảng Ngãi đã chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có thực lực, dự án quy mô lớn có sức lan tỏa. Để hiểu rõ hơn về chính sách thu hút đầu tư của địa phương trong thời gian tới, Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh.
Trong những năm qua, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng kinh tế Quảng Ngãi phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; tăng trưởng và thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân, điểm nghẽn trong thu hút đầu tư?
Thời gian qua, việc thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước chủ động tiếp cận, quan tâm nghiên cứu xúc tiến cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 658 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 370.000 tỷ đồng và 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 1,9 tỷ USD. Các dự án đầu tư đã và đang góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút đầu tư của tỉnh còn một số hạn chế, chưa khai thác và phát huy được tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, tính kết nối chưa cao. Hạ tầng thương mại, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Việc huy động nguồn lực đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu. Thứ hai, năng suất lao động thấp, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và doanh nghiệp.
Thứ ba, dư địa phát triển của tỉnh Quảng Ngãi còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị, khai thác hạ tầng khu công nghiệp; đây là tiền đề thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn nhưng chưa kịp thời sửa đổi, nhất là các luật liên quan đến đất đai, đầu tư, đấu thầu, nhà ở... là nguyên nhân các nhà đầu tư e ngại, chưa mạnh dạn đề xuất đầu tư. Vướng mắc về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án chưa được tháo gỡ căn cơ, dẫn đến hạn chế việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế.
Thứ tư, chất lượng công tác quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn trước còn nhiều hạn chế, chưa được tối ưu về chiều sâu và tầm nhìn, chưa phát huy được hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung hoàn thiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển mới của tỉnh nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh. Đây sẽ là cơ sở, công cụ quan trọng để định hướng, tạo hành lang để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.
Địa phương cần làm gì để phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực nam Quảng Ngãi - bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên?
Để phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực nam Quảng Ngãi - bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp. Một là tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là công cụ quản lý rất quan trọng và cơ sở cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Hai là tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn các tỉnh trong vùng; đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển nối với đường ven biển các tỉnh Quảng Nam, Bình Định theo quy hoạch được duyệt; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi và đoạn tỉnh Quảng Ngãi đi Kon Tum; phát triển hệ thống logistics; đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực phát triển các đô thị, nhất là các đô thị ven biển, quan tâm đầu tư hạ tầng để nâng cấp một số thị trấn.
Ba là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo định hướng phát triển kinh tế biển; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác thế mạnh như: kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng; du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái; tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trung tâm logistics tại khu vực cảng Dung Quất và trung tâm logistics cảng cạn (ICD) gần các khu công nghiệp phục vụ hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá của tỉnh Quảng Ngãi và kết nối với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên; đầu tư, phát triển khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm dịch vụ cảng đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực, từng bước là một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tỉnh Quảng Ngãi đang thay đổi cách tiếp cận các nhà đầu tư và chọn lọc, ưu tiên những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn, hướng tới phát triển bền vững. Nói cách khác, tỉnh Quảng Ngãi không chạy theo số lượng mà chuyển qua chất lượng nhà đầu tư để tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế. Vậy tỉnh có chính sách gì để thu hút những nhà đầu tư chất lượng?
Trong những năm qua, nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng GRDP, tạo nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp đà phát triển của năm 2022 và định hướng phát triển trong những năm tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tập trung thu hút đầu tư theo hướng bền vững, chất lượng.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, đấu thầu, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư… đặc biệt là thông tin về các quy hoạch lớn của tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới, tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang chủ động tiếp cận, xúc tiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng tăng cường rà soát các dự án đang chậm triển khai, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ so với quy định để tránh gây lãng phí tài nguyên đất, từ đó bàn giao cho các nhà đầu tư có năng lực và thực sự muốn đầu tư tại tỉnh.
Song song với việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển trong thời kỳ mới, UBND tỉnh chỉ đạo tích cực rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có thực lực, dự án quy mô lớn có sức lan tỏa; đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.
Định hướng thu hút đầu tư của Quảng Ngãi trong năm 2023?
Trong thời gian tới, tỉnh định hướng đẩy mạnh thu hút đầu tư trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng tự nhiên, năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng theo danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, về lĩnh vực công nghiệp, địa phương thu hút các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại vào khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phấn đấu năm 2023 thu hút ít nhất 22 dự án FDI vào khu kinh tế Dung Quấ; tập trung xúc tiến đầu tư các lĩnh vực có lợi thế so sánh: các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các dự án có nhu cầu sử dụng quỹ đất rộng, các dự án gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ; đồng thời thu hút các lĩnh vực phụ trợ cho ngành công nghiệp luyện cán thép; chuỗi dự án sản xuất các sản phẩm sau thép, cơ khí chế tạo, gia công hàng xuất khẩu.
Về lĩnh vực hạ tầng, giao thông, môi trường, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các công trình hạ tầng giao thông, đô thị chất lượng cao; các dự án giáo dục, y tế, thể thao, chất lượng cao; các dự án xử lý rác thải ứng dụng công nghệ tiến tiến; các dự án năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.
Về lĩnh vực du lịch - dịch vụ, tỉnh đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển du lịch, các dự án tổ hợp đô thị - dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng - giải trí có quy mô lớn và chất lượng cao dọc tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh và huyện đảo Lý Sơn và các khu du lịch có tiềm năng… nhằm tạo động lực cho du lịch tỉnh phát triển.
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án, mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tiên tiến trong chế biến nông sản, phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ có năng suất cao, giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia… Vậy địa phương đã chuẩn bị gì đáp ứng yêu cầu quy hoạch đối với khu kinh tế Dung Quất?
Khu kinh tế Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005. Từ khi thành lập đến nay, Dung Quất đã có những bước phát triển vượt bậc và được đánh giá là một trong những khu kinh tế thành công nhất trong cả nước.
Là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh, Dung Quất đã đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi (giai đoạn 2010 - 2022, thu ngân sách nhà nước chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách tỉnh), góp phần đưa tỉnh Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của trung ương từ năm 2009 trở về trước, trở thành một tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước với quy mô nền kinh tế đạt 121.668 tỷ đồng (đứng thứ 2/5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; đứng thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước).
Tuy nhiên, quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, nay đã hơn 10 năm nên đến thời điểm hiện tại một số nội dung không còn phù hợp, bất cập, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển của khu kinh tế Dung Quất trong thời kỳ mới. Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất là hết sức cần thiết.
Ngày 28/2/2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của khu kinh tế Dung Quất trong thời kỳ vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới và là công cụ hết sức quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy đầu tư phát triển khu kinh tế Dung Quất theo hướng năng động, đột phát, thông minh, hiện đại, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn tới.
Để đáp ứng yêu cầu quy hoạch đối với khu kinh tế Dung Quất, tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong khu kinh tế Dung Quất; đồng thời, tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho dự án lớn trên địa bàn, như: khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, trung tâm khí điện miền Trung… sớm đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung huy động các nguồn lực xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khung trong khu kinh tế Dung Quất để có cơ sở thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai nhanh nhất nhằm sớm triển khai thực hiện dự án trong khu kinh tế Dung Quất theo quy hoạch được duyệt.
Tỉnh cũng tập trung các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cảng biển nước sâu Dung Quất, sớm thu hút và hình thành trung tâm logistics cấp vùng tại khu kinh tế Dung Quất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía nam của Lào đi các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, địa phương cũng đổi mới công tác xúc tiến hỗ trợ đầu tư, đồng thời lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để đầu tư tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, thân thiện với môi trường.