Điều gì đang xảy ra với “đế chế” xây dựng Hòa Bình (HBC)? - Ảnh 1

Những ngày qua, câu chuyện xung quanh “chiếc ghế” chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Bình (Mã CK: HBC) được nhắc đến nhiều trên truyền thông. Theo đó, sau khi ông Lê Viết Hải “quay xe” tiếp tục làm chủ tịch HĐQT một nhóm thành viên HĐQT, trong đó có ông Nguyễn Công Phú (người được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT HBC sau khi Hòa Bình thông qua đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải) đã phản đối nội dung trên.

Điều gì đang xảy ra với “đế chế” xây dựng Hòa Bình (HBC)? - Ảnh 2

CTCP Tập đoàn Hòa Bình cho biết, doanh nghiệp đã chấp thuận đơn từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 14/12. Đồng thời, để phù hợp với tình hình hiện nay của tập đoàn và diễn biến mới của nền kinh tế Việt Nam và thế giới, HBC thông qua việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập và thành viên Ủy ban Kiểm toán giữ chức chủ tịch HĐQT kể từ ngày 14/12.

Ngoài ra, tập đoàn cũng thông qua đơn từ nhiệm của ông Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT và HĐQT sẽ trình đơn từ nhiệm của ông Hải tại đại hội đồng cổ đông gần nhất để xem xét thông qua và chấp thuận đề xuất của ông Lê Viết Hải về việc thành lập hội đồng sáng lập.

HĐQT HBC sẽ xem xét việc bổ nhiệm lại các chức danh trong ban điều hành tập đoàn theo đúng quy định của pháp luật.

Nói về việc từ chức chủ tịch HĐQT HBC, ông Lê Viết Hải khẳng định việc ông từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT là hoạt động bình thường, không phải do sức ép của cổ đông. Đồng thời, làm bước đệm cho ông Lê Viết Hiếu, con trai ruột của ông Hải lên giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn.

Điều gì đang xảy ra với “đế chế” xây dựng Hòa Bình (HBC)? - Ảnh 3

Mặc dù từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, song ông Lê Viết Hải vẫn quản lý công ty, với danh nghĩa chủ tịch hội đồng sáng lập.

“Tôi sẽ nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Theo quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì đây là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho Hội đồng Quản trị và Ban điều hành của Tập đoàn về chiến lược kinh doanh và các quyết sách trong hoạt động quan trọng của Tập đoàn…”, trích lời ông Hải trong thư gửi cổ đông về việc thôi chức vụ chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ông Lê Viết Hải sinh ngày 12/11/1958 tại Huế, ông là cựu sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông đầu quân vào làm việc tại Công ty Quản lý Nhà với công việc thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân. Năm 1987, ông Hải thành lập và làm Giám đốc điều hành Văn phòng Xây dựng Hòa Bình với 5 kỹ sư và 20 người thợ.

Năm 2000, ông là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình. Từ năm 2017 đến nay ông giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Như vậy tính đến ngày 01.01.2023 chuyển sang vai trò Chủ tịch sáng lập, ông Hải đã giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình hơn 32 năm.

Điều gì đang xảy ra với “đế chế” xây dựng Hòa Bình (HBC)? - Ảnh 4

Ngày 31/12/2022, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC. Theo đó, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023, cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.

Đồng thời, HBC cũng hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình do ông Hải đứng đầu trước đó. Ngoài ra, nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT.

Trên trang chủ của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ông Lê Viết Hải vẫn giữ chức chủ tịch HĐQT.
Trên trang chủ của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ông Lê Viết Hải vẫn giữ chức chủ tịch HĐQT.

Về vấn đề này, ở một thông báo mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết việc hoãn thi hành các nội dung trên là nhằm củng cố cơ sở pháp lý và thiết lập vững chắc mô hình quản trị mới cũng như đảm bảo thông suốt mọi hoạt động của tập đoàn trong thời điểm Tết Nguyên Đán 2023 đang cận kề.

Trước những ý kiến trái chiều liên quan đến Tập đoàn, mới đây HBC đã phát đi thông cáo báo chí với nội dung: “Kể từ ngày 1/1/2023, mọi thông tin, nội dung, văn bản không được ban hành chính thức từ Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và đại diện pháp luật là ông Lê Viết Hải đều không có giá trị”.

Điều gì đang xảy ra với “đế chế” xây dựng Hòa Bình (HBC)? - Ảnh 5

Ngay sau khi Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC về việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023, cũng như hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT. Đồng thời, hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú vào chức vụ Chủ tịch HĐQT được đưa tin trên truyền thông, một nhóm thành viên HĐQT gồm: ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine bất ngờ ra thông báo phản đối công bố mới nhất của HĐQT Tập đoàn Hòa Bình ngày 31/12/2022 bao gồm việc công bố Nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (được ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; và hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.

Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú.
Ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú.

Theo thông tin từ CafeF, nguyên văn Thông cáo này như sau:

V/V: Bác bỏ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí

Quyết định do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đưa ra trong cuộc họp HĐQT bất thường là không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua Nghị quyết HĐQT theo quy định của Điều lệ Công ty.

Chúng tôi, gồm các thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Bình, kiên quyết bác bỏ toàn bộ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện vào ngày 31/12/2022. Các động thái này bao gồm việc công bố Nghị quyết, thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm (được ký ngày 12/12/2022) chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải kể từ ngày 1/1/2023; và hoãn thi hành đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải xin rút khỏi tư cách thành viên HĐQT.

Đồng thời, các quyết định được thông qua tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022 vẫn có đầy đủ hiệu lực. Các quyết định được toàn bộ 8/8 thành viên HĐQT nhất trí thông qua trong cuộc họp này gồm quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú giữ chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình thay ông Lê Viết Hải – người trước đó gửi đơn từ nhiệm lên HĐQT.

Với ý định hủy bỏ các quyết định tại cuộc họp HĐQT ngày 13/12/2022, ông Lê Viết Hải đã nhiều lần triệu tập họp HĐQT qua hình thức trực tuyến vào các ngày 29/12/2022 và ngày 31/12/2022 – một việc làm vi phạm Điều lệ Tập đoàn. Trong đó vào ngày 31/12/2022, sau khi cuộc họp vào lúc 9g00 sáng không đủ điều kiện tiến hành, ông Lê Viết Hải tiếp tục triệu tập họp vào lúc 13g30 chiều. Số lượng thành viên HĐQT tham dự lúc này cũng chỉ có 4 thành viên, vẫn chưa thể đủ điều kiện để tiến hành tổ chức (theo quy định tại Điều lệ hiện hành HBC thì phải có 5/8 thành viên HĐQT tham dự).

Chúng tôi đã ngay lập tức thông báo bằng văn bản với ông Lê Viết Hải rằng chúng tôi từ chối việc triệu tập tham gia vì cuộc họp này không đúng với Điều lệ Tập đoàn, theo đó việc thông qua bất kỳ quyết định nào đều là không hợp lệ.

Các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.

Chúng tôi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Việt Nam (SSC) và các cơ quan tư pháp liên quan về tất cả các động thái vi phạm quy chế, quy định của ông Lê Viết Hải trong những ngày vừa qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động thích hợp để đảm bảo các quyết định của HĐQT trong cuộc họp ngày 13/12/2022 được tuân thủ thực hiện đầy đủ và đúng pháp luật.

Vì lợi ích chung tối cao của Tập đoàn do chính ông Lê Viết Hải sáng lập, chúng tôi đề nghị ông Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu Nguyễn Công Phú. Do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai.

Vì vậy, ông Nguyễn Công Phú là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ hôm nay, 01/01/2023.

Chia sẻ về những lùm xùm đang diễn ra, ông ông Lê Viết Hải thừa nhận Hòa Bình đang có xung đột nội bộ, ban đầu ông định rời Hòa Bình một cách êm đẹp, nhưng cách làm của nhóm ông Nguyễn Công Phú không thể chấp nhận được.

"Việc tôi trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình hoàn toàn không trái pháp luật, tôi khẳng định điều này. Nếu họ không chấp nhận với quyết định thì có thể gửi đơn lên tòa án, tôi có đầy đủ cơ sở pháp lý", ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Nói qua một chút về ông Nguyễn Công Phú, ông Phú sinh năm 1951, nguyên quán Quảng Trị nhưng ông sinh tại Quảng Nam. Ông Nguyễn Công Phú tốt nghiệp kỹ sư tạo tác - thủy lợi khóa đầu tiên tại Đại học Khoa học - Huế. Năm 1993, ông trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm Trường Cầu đường Paris - Đại học Khoa học Paris.

Ông Phú được bầu vào Thành viên HĐQT độc lập, thành viên Ủy ban Kiểm toán Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.

Cũng liên quan đến việc từ nhiệm của ông Lê Viết Hải, cách đây hơn 2 năm, vào ngày 23/7/2020, Hòa Bình đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Lê Viết Hải, đồng thời bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu, con trai ông Lê Viết Hải làm Tổng giám đốc.

Điều này là để tuân thủ quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc của 1 công ty đại chúng. Ngoài Hòa Bình, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp những năm gần đây cũng đã phải đưa ra lựa chọn giữa hai vị trí này.

Quyết định bổ nhiệm ông Lê Viết Hiếu có thời hạn 2 năm và tròn 2 năm sau khi thời hạn này kết thúc, vào ngày 23/7/2022 , Hòa Bình đã quyết định ông Lê Viết Hiếu thôi làm Tổng giám đốc, và giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực.

Quyết định này được đưa ra để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp: "Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp". Hay nói cách khác, nếu con làm Tổng giám đốc thì bố không thể ngồi trong HĐQT.

Ông Lê Viết Hiếu.
Ông Lê Viết Hiếu.

Đến ngày 12/12/2022 , ông Lê Viết Hải có đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, rút khỏi tư cách thành viên Hội đồng quản trị và dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Như đã đề cập ở trên, việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc, sẽ được trình Đại hội đồng cổ đông vào kỳ họp sắp tới.

Quang Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển