Nhớ lại thời điểm đầu năm 2022 trước sự tăng trưởng nóng của thị trường BĐS cũng như một số sai phạm về huy động trái phiếu trong lĩnh vực này, Chính phủ đã có tác động mạnh mẽ bằng cách kiểm soát nguồn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) "đổ vào" BĐS.
Thời điểm đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc điều tiết thị trường là cần thiết song nếu “siết” quá chặt có thể để lại những hệ luỵ. Bởi lẽ, nếu “siết” chặt tín dụng thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án, dẫn đến các dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung BĐS trên thị trường, khiến thị trường bị đóng băng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.
Về phía người tiêu dùng cuối cùng, siết chặt tín dụng BĐS sẽ làm khan cung, đẩy giá nhà đất lên cao khiến người có thu nhập thấp, công nhân lao động khó tiếp cận cơ hội nhà ở.
“Tôi cho rằng việc siết chặt tín dụng cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS của hệ thống ngân hàng là cần thiết để ngăn chặn đầu cơ, nhưng thực tế nó đang đem đến những ảnh hưởng nhất định làm giảm sút nhu cầu đầu tư của thị trường, thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp chậm hơn, buộc các chủ đầu tư phải tìm những kênh vốn mới từ trái phiếu, quỹ đầu tư...”, ông Vương Khả Hải, Giám đốc Điều hành dự án Ivory Villas Resort Hòa Bình nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch CenGroup không quên được cảm giác "rất sốc, rất bất ngờ".
Theo ông Hưng, quyết định này đã khiến doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Nhiều hợp đồng mua bán đã ký với người mua nhà, khách hàng đã giải ngân 30% vốn tự có, nhưng đến lượt ngân hàng thì lại "đóng cửa".
Dòng tiền vào thị trường bất động sản bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Chủ đầu tư không có nguồn tiền để tiếp tục triển khai dự án, khách hàng cũng dang dở việc mua nhà.
Hay như trường hợp nhiều chủ đầu tư đã ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu, chủ đầu tư đã giải ngân phần nghĩa vụ thanh toán của mình nhưng ngân hàng không thể giải ngân phần còn lại cũng khiến việc thi công dự án bị đình trệ, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Theo ông Hưng, thị trường bất động sản đang gặp điểm nghẽn rất lớn về dòng vốn. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng có vai trò rất quan trọng đối với các doanh nghiệp và thị trường BĐS, có đến khoảng 80% vốn vào thị trường đều từ phía ngân hàng cung cấp.
Thực tế trong vài năm gần đây, nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản đã bị kiểm soát và ngày càng chặt chẽ hơn. Đặc biệt, từ đầu năm 2022, một số ngân hàng đã có “lệnh” tạm dừng hoặc hạn chế cho vay đối với BĐS.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính Savills Hà Nội nhận định, kiểm soát tín dụng là một giải pháp tạm thời để hạn chế sức tăng trưởng nóng của thị trường BĐS hiện nay.
Tuy nhiên, nếu kéo dài, việc này sẽ tạo ra ảnh hưởng không tốt đến tình hình hoạt động của thị trường.
Bà Vân phân tích, 2 đối tượng chính sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc siết tín dụng là chủ đầu tư dự án và người mua nhà để ở. Đây cũng là hai đối tượng đại diện cho nguồn cung và nguồn cầu của thị trường.
Về phía các doanh nghiệp, theo bà Vân, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là một công cụ hữu hiệu để triển khai xây dựng các dự án BĐS.
Do đó, khi nguồn vốn vay bị siết chặt, các dự án sẽ bị đình trệ, gây lãng phí cho xã hội, làm xấu cảnh quan và ảnh hưởng đến các ngành nghề liên quan khác như xây dựng, vật liệu xây dựng hay nội thất. Ngoài ra, nguồn cung thị trường cũng sẽ sụt giảm khi nhiều dự án chưa hoàn thiện thi công.
Đối với người mua nhà để ở, BĐS là tài sản có giá trị lớn. Những người mua nhà có nhu cầu thực nhưng không đủ tiềm lực tài chính cũng sẽ cần nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Vì thế, nữ Phó Giám đốc Bộ phận Định giá và Tư vấn Tài chính Savills Hà Nội cho rằng, siết chặt tín dụng sẽ làm giảm khả năng tiếp cận nguồn vốn vay cho đối tượng có nhu cầu nhà ở thật.
Từ trước đến nay, tín dụng từ ngân hàng vẫn là được xem là kênh dẫn vốn chủ đạo của các doanh nghiệp BĐS.
Theo thống kê trước đó của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến thời điểm 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Tại hội nghị mới đây về thị trường BĐS, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không “siết” chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước.
Đến ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm của hệ thống quanh mức 14%, nhà điều hành lần này thận trọng cấp thêm từ 1% đến 4% room tín dụng so với mức cũ, tuỳ từng ngân hàng. Theo tìm hiểu được biết có 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này.
Theo đó, khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Mặc dù “room” tín dụng đã được nới nhưng theo các chuyên gia phân tích thị trường, dòng vốn vẫn sẽ khó chảy mạnh vào bất động sản vì thực tế kế hoạch trước mắt của các ngân hàng vẫn là tập trung dòng vốn vào các ngành sản xuất - kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu tiên và ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), động thái nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chưa hẳn là tin vui vì hạn mức tín dụng này chỉ là con số còn lại trong mức trần 14% của năm 2022.
Chưa hết, ông Châu dự báo nguồn tiền sắp tới trên thị trường sẽ được luân chuyển từ ngành có nhiều rủi ro sang ít rủi ro. Mà bất động sản đang bị đánh giá rất thiếu tích cực, vì vậy các doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào động thái nới room tín dụng.
Ở một diễn biến mới đây, nhằm “mở đường” cho doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn (có cả tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ) thuận lợi hơn, HoREA đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
HoREA cho biết hiện nay các nhà đầu tư BĐS nếu được vay thì phải chịu lãi suất cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cũng ngày càng khó tiếp cận được thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp (do một phần tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022) và khó huy động vốn ứng trước của khách hàng do giao dịch sụt giảm dẫn đến “rủi ro” bị mất thanh khoản.
Để giải “cơn khát” thiếu vốn, Chủ tịch HoREA mong rằng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nới trần (nới room) tín dụng thêm khoảng từ 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 – 200.000 tỷ đồng mới vực dậy thị trường BĐS trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh Văn bản số 437/TTGSNH-TTr1 ngày 25/4/2022 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án BĐS, khu đô thị, nhà ở thương mại, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê… của các chủ đầu tư có uy tín thương hiệu và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.
Cũng theo ông Châu, Ngân hàng Nhà nước nên sửa đổi Thông tư số 20/2021/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agrikbank) cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trên thực tế, không chỉ dòng vốn tín dụng mà các dòng vốn khác vào bất động sản cũng đang bị ách tắc, trong đó có kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, trái phiếu luôn là kênh huy động vốn “ưa thích” của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS. Tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm của năm 2022, doanh nghiệp BĐS chỉ phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu, giảm mạnh so với những năm trước.
Sự chững lại đáng lo ngại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khiến cho nhiều dự án không được tiếp tục triển khai, nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán dư nợ trái phiếu chuẩn bị đáo hạn.
Theo Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đối với doanh nghiệp bất động sản, ngoài số tiền huy động của khách hàng, chủ đầu tư còn ứng tiền của các nhà cung cấp và còn lại vẫn phải có vốn mồi tín dụng, vốn trái phiếu. Nếu dự án đang triển khai mà dòng vốn bị chặn đứng, doanh nghiệp sẽ phải dừng dự án, kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu BĐS đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng).
Với bối cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp rất khó để có thể thu xếp dòng vốn trả nợ cho các nhà đầu tư. Cả hai cách xử lý trái phiếu đáo hạn: Một là mời công ty tư vấn, công ty kiểm toán rà soát lại tài chính của doanh nghiệp và mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn; hai là tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư đều khó khả thi.
Đối với giải pháp phát hành thêm một đợt trái phiếu để trả nợ, với thị trường như hiện nay, việc huy động là rất khó. Còn nếu thanh lý tài sản, các thủ tục cũng rất phức tạp. Trong khi đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là "con nợ" của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức. Đến thời hạn, doanh nghiệp không thanh toán được, dự án mất khả năng thanh khoản, họ có thể phá sản.
Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS.
Ngay sau đó, vào ngày 16/9/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tiêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Mặc dù vậy, khi Nghị định 65 được ban hành, các nhà đầu tư nửa mừng nửa lo, mừng vì Nghị định chính thức ban hành sẽ tạo một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ - hiện chiếm chủ yếu trong hoạt động phát hành trái phiếu nhưng cũng lo ngại vì những quy định chặt chẽ hơn có nguy cơ bóp nghẹt thị trường trái phiếu vốn còn non yếu, chỉ vừa mới qua một giai đoạn tăng trưởng nóng.
Mặc dù không siết chặt điều kiện phát hành song với các quy định chặt chẽ hơn về công bố thông tin, hồ sơ phát hành, phương thức chào bán trái phiếu, nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…, Nghị định 65 dự kiến sẽ khiến nhiều doanh nghiệp BĐS khó có thể tiếp tục phát hành trái phiếu.
Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính khẳng định, Nghị định 65 không áp đặt thêm các điều kiện mới với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chỉ tăng cường các điều kiện về công bố thông tin, giúp mọi việc được minh bạch hơn.
Tất nhiên, để đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp phát hành phải triển khai thêm một số công việc, tăng thêm chi phí để phát hành. Nhưng, đây là điều cần thiết để xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch hơn trong tương lai.
Trước tình trạng những dòng vốn chính chảy vào bất động sản đang bị kiểm soát chặt chẽ, đa số chủ đầu tư bất động sản cho biết vấn đề về nguồn vốn, dòng tiền đang là khó khăn lớn nhất bởi đây không khác gì "nguồn oxy", giúp họ đảm bảo "sự sống".
Theo ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát, cả 4 dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản đều đang bị bóp nghẹt. Về kênh tín dụng ngân hàng - chiếm 60-70% dòng vốn của doanh nghiệp, hiện nay "room" tín dụng bị siết chặt, đa số doanh nghiệp rất khó tiếp cận, kể cả những ông lớn trong ngành BĐS.
Làm ảnh ông Duy với phát biểu: Về kênh huy động trái phiếu - chiếm 20-25% dòng tiền cũng rất ảm đạm. Trong tháng 7 cũng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Như vậy, 2 kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp đã bị đóng chặt”.
Với kênh huy động bằng cổ phiếu, ông Duy đánh giá thị trường cổ phiếu bất động sản đang thanh khoản thấp, không ổn định. Do đó dòng tiền ngắn hạn này rất khó để các doanh nghiệp sử dụng được trong giai đoạn này.
Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cũng cho biết từ tháng 4 đến tháng 8, giao dịch thiếu hiệu quả ở khu vực phía Bắc. Doanh thu bán hàng giảm tới 60-70%. "Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đang phải đi vay ngoài với lãi suất lên đến 20-25%/năm. Để cố gắng duy trì hoạt động, doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ với chi phí tài chính quá cao.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, chính doanh nghiệp cần chủ động tìm vốn theo nhiều cách, trong đó nên tính đến việc gọi vốn thông qua hình thức M&A.
Đối với những công ty niêm yết, M&A sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án.
Cùng với nguồn lực và tài chính thì các thủ tục, cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, bởi có không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. Vì vậy, việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp, nếu các vấn đề nan giải về cơ chế, thủ tục không được giải quyết.
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup cho rằng, trong bối cảnh các nguồn vốn từ tín dụng, trái phiếu bị siết chặt, các doanh nghiệp cần đa dạng các kênh huy động vốn.
Trong đó, các doanh nghiệp BĐS nên mở rộng kênh vốn từ khách hàng và đối tác cũng như tranh thủ huy động vốn từ ngân hàng. Muốn làm được điều này trước hết, doanh nghiệp cần có một dự án khả thi, với phương án kinh doanh tốt, tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Đây là điều các ngân hàng luôn đặc biệt quan tâm.
Thứ hai, doanh nghiệp cần có uy tín, không có nợ xấu, hoạt động kinh doanh công khai, minh bạch để có được niềm tin của các ngân hàng và nhà đầu tư. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần có hệ thống quản trị tốt để quản lý được dòng tiền đầu tư một cách hợp lý, mang lại hiệu quả cao, tránh đầu tư dàn trải, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, để huy động vốn từ các khách hàng, nhà đầu tư, các doanh nghiệp cũng cần đưa ra nhiều ưu đãi cho khách hàng, xây dựng phương án tài chính hấp dẫn cũng như sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý và tiến độ triển khai để có thể mở bán dự án ra thị trường.
Không chỉ gặp khó về vốn, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý, lượng hàng tồn kho tăng cao.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch VNGroup cũng thừa nhận doanh nghiệp BĐS đang đối mặt nhiều khó khăn để hoàn thiện pháp lý cho các dự án.
Theo ông, hiện nay để triển khai một dự án BĐS có rất nhiều bước, từ thu hồi đất, quy hoạch, xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, điều kiện xây dựng, nghiệm thu, bàn giao.
“Doanh nghiệp BĐS đang chịu những rủi ro rất lớn cả chủ quan và khách quan, đặc biệt rủi ro về pháp lý dự án”, ông Thành nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest phân tích thêm, BĐS là một ngành kinh doanh phải hoàn thành các thủ tục pháp lý phức tạp nhất so với các ngành nghề khác khi phải chịu sự tác động điều tiết của 12 luật khác nhau: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy chữa cháy….
Điều này dẫn đến việc các dự án bị chậm lại, có những dự án dừng cả chục năm, chi phí vô hình cho các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn. Những quy định, thủ tục này đã được kiến nghị và được cơ quan quản lý nhà nước cũng như Chính phủ ghi nhận cần tháo gỡ. Tuy nhiên, việc tháo gỡ sẽ cần có thời gian và chắc chắn trong giai đoạn hiện tại là khó khăn.
Ngoài các thủ tục pháp lý, gần đây Việt Nam có chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản với cả người mua và người bán. Khi tín dụng siết chặt lại, trái phiếu cũng được quản lý chặt chẽ, các doanh nghiệp BĐS sẽ không có nguồn cung về tài chính. Do bất động sản ở Việt Nam còn có xu thế bán nhà hình thành trong tương lai, nên vừa làm vừa thu gom vốn của người mua. Đây là một rào cản mà nếu không cẩn thận, bất động sản sẽ đổ vỡ.
Đồng ý với Chủ tịch GP.Invest, ông Lưu Quốc Yên - Giám đốc Chiến lược Tập đoàn CEO cho rằng, ngoài tác động của đại dịch Covid-19, yếu tố tác động lớn tới các doanh nghiệp còn nằm ở vấn đề hành lang pháp lý chưa đầy đủ, làm hạn chế hoạt động của bất động sản du lịch. Vì vậy, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch để thị trường này phát huy đúng vai trò, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển.
Về xây dựng những dự án nhà ở xã hội hay cải tạo tập thể cũ, đáp ứng nguồn cầu lớn tại thị trường là vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm, mong muốn được tham gia, nhưng làm thế nào để tiếp cận được thông tin và có cơ hội được xây dựng, cải tạo các dự án thuộc phân khúc này thì doanh nghiệp không tự giải đáp được.
Khó khăn về pháp lý, nếu không được tháo gỡ thì các dự án đầu tư cũng như kinh doanh sẽ phải tạm dừng. Trong giai đoạn này, giới doanh nghiệp bất động sản mong muốn Nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và là điểm cốt yếu giúp cho phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.
Nội dung: An Nhiên
Thiết kế: Quang Anh