Sáng ngày 8/2 vừa qua đã diễn ra Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản với sự tham dự của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp, trong đó có hai đơn vị quan trọng là NHNN và Bộ Xây dựng. Tại hội nghị, hàng loạt “ông lớn” như Novaland, Hưng Thịnh, Vinhomes,…đã đưa ra những kiến nghị nhằm gỡ khó cho tín dụng bất động sản. Trước đó, thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp địa ốc nói riêng đã trải qua một năm 2022 đầy khó khăn và thách thức.
Thời điểm đầu năm 2022, trước sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản (BĐS) cũng như một số sai phạm về huy động trái phiếu trong lĩnh vực này, Chính phủ đã có tác động mạnh mẽ bằng cách kiểm soát nguồn tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) "đổ vào" BĐS.
Khi đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc điều tiết thị trường là cần thiết song nếu “siết” quá chặt có thể để lại những hệ luỵ.
Bởi lẽ, nếu “siết” chặt tín dụng thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn vay, để triển khai dự án, dẫn đến các dự án sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung BĐS trên thị trường, khiến thị trường bị đóng băng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế.
Ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch CenGroup từng chia sẻ rằng "rất sốc, rất bất ngờ" khi chứng kiến những tác động từ phía Chính phủ về dòng vốn chảy vào BĐS.
Ông Hưng cho biết, quyết định này đã khiến doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Nhiều hợp đồng mua bán đã ký với người mua nhà, khách hàng đã giải ngân 30% vốn tự có, nhưng đến lượt ngân hàng thì lại "đóng cửa".
Dòng tiền vào thị trường bất động sản bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Chủ đầu tư không có nguồn tiền để tiếp tục triển khai dự án, khách hàng cũng dang dở việc mua nhà.
Hay như trường hợp nhiều chủ đầu tư đã ký hợp đồng xây dựng với nhà thầu, chủ đầu tư đã giải ngân phần nghĩa vụ thanh toán của mình nhưng ngân hàng không thể giải ngân phần còn lại cũng khiến việc thi công dự án bị đình trệ, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, trong 20 năm qua, thị trường BĐS đã có sự phát triển vượt bậc nhưng cũng đối diện với rất nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp BĐS, các dự án BĐS. Tiếp theo là vướng mắc, bất cập trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh như: Hoãn hoạt động đầu tư; dừng thi công dự án hiện hữu hoặc không triển khai dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Ngoài ra, niềm tin nhà đầu tư bị lung lay sau khi lãnh đạo một số tập đoàn lớn bị điều tra, xử lý các sai phạm liên quan đến phát hành trái phiếu, chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau sự kiện sai phạm, các dự án bất động sản của các tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát bị tạm dừng và thu hồi đất; lãi suất tái đầu tư lên tới 20-30% trên nền tảng giao dịch trái phiếu của các công ty chứng khoán; trái chủ yêu cầu mua lại sớm gây căng thẳng cho tính thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản. Thêm vào đó, các quy trình pháp lý trong ngành bất động sản và khó khăn trong việc phê duyệt quy hoạch cũng gây ra chậm trễ cho các dự án không thể mở bán cũng như huy động thêm dòng tiền.
Trước những áp lực phải đối mặt, tính đến hết năm 2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng mạnh so với năm 2021.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 8.593 doanh nghiệp, tăng khoảng 13,7%. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 56,7%. Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể cũng tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, năm 2022 vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Nhìn chung, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Thứ hai, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Thứ tư, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Thứ năm, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Sự khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản trong năm vừa qua còn được thể hiện qua tình hình kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nhiều “ông lớn” cũng không tránh khỏi cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm trí báo lỗ.
Lấy đơn cử như CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã CK: DXG) báo lỗ 460 tỷ đồng trong quý IV/2022. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý IV/2022, DXG ghi nhận doanh thu thuần 984 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm nên lợi nhuận gộp DXG cũng giảm 61 % còn 434 tỷ đồng.
Doanh thu cả 2 mảng có đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu của DXG là mảng bán căn hộ, đất nền và mảng dịch vụ môi giới bất động sản đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, mảng bán căn hộ và đất nền giảm 69% còn mảng dịch vụ môi giới bất động sản giảm 56%.
Kết quả, công ty ghi nhận lỗ trước thuế quý IV hơn 424 tỷ đồng và lỗ sau thuế 460 tỷ đồng, trái ngược khoản lãi 245 tỷ đồng của quý 4/2021.
Lũy kế cả năm 2022, Đất Xanh ghi nhận doanh thu thuần đạt mức 5.581 tỷ đồng, giảm 45% và lãi sau thuế 469 tỷ đồng, giảm 71% so với kết quả năm 2021.
Mặc dù không lỗ như Đất Xanh, nhưng CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) lợi nhuận giảm 73,3% trong quý IV/2022. Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý IV/2022 của KDH, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 1.234,08 tỷ đồng, tăng 109,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 110,7 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp bất ngờ giảm mạnh từ 82,2% về chỉ còn 24,2%.
Luỹ kế trong năm 2022, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu đạt 2.911,96 tỷ đồng, giảm 22,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 1.081,26 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Một ông lớn khác là CTCP Đầu tư Nam Long (Mã CK: NLG) đang là doanh nghiệp ít giảm lãi nhất trong quý IV, cụ thể, Nam Long ghi nhận 590 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV, giảm 23%.
Tuy nhiên, do không còn khoản lãi đột biến từ giao dịch mua rẻ dự án Waterfront Đồng Nai (423 tỷ đồng) và doanh thu tài chính (400 tỷ lãi từ giá trị hợp lý tăng thêm của khoản đầu tư vào công ty liên kết để nhận thêm quyền biểu quyết đạt được quyền kiểm soát tại dự án Southgate) như năm trước, Nam Long báo lãi cả năm chỉ 866 tỷ đồng, giảm 41%.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tài sản của Nam Long tập trung tại BĐS dở dang của các dự án Izumi (8.299 tỷ đồng), Southgate (3.516 tỷ đồng) và Vàm Cỏ Đông (Waterpoint, 1.454 tỷ đồng).
Trong khi đó, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) đã trải qua một quý 4 rất khó khăn. Doanh thu vỏn vẹn 15 tỷ đồng, thấp kỷ lục so với con số hàng quý hơn ngàn tỷ. Chi phí lãi vay tăng gấp đôi. Kết quả, Công ty lỗ gần 300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi tới gần 950 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Phát Đạt báo lỗ kể từ năm 2011.
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, thông thường, quý IV là giai đoạn hoạt động mua bán bất động sản sôi động nhất thì năm qua, các doanh nghiệp môi giới rơi vào thế khó.
Lấy đơn cử như CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Service – Mã CK: DXS) trong quý IV/2022, ghi nhận doanh thu thuần 884 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Kết quả, doanh nghiệp lỗ ròng gần 100 tỷ đồng, gấp 3,5 lần mức lỗ cùng kỳ.
Trong khi đó, CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land (Mã CK: KHG) trong quý IV/2022, có doanh thu 630 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Kết quả, công ty báo lãi ròng 251 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Đồng thời, là doanh nghiệp duy nhất có lãi ròng trong số 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới trên sàn chứng khoán .
Luỹ kế năm 2022, công ty có 1.396 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 442 tỷ đồng, lần lượt, tăng 8% và 7% so với năm trước.
Hay như, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand – Mã CK: CRE) có doanh thu thuần 175 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm đến 84% so với cùng kỳ năm trước. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 5 tỷ đồng, cũng là quý lỗ gộp đầu tiên kể từ khi lên sàn.
Lũy kế cả năm 2022, công ty có 3.491 tỷ đồng doanh thu, giảm 37,6% so với năm 2021. Nhưng chi phí bán hàng tăng 68%, lên mức 283 tỷ đồng khiến lãi ròng giảm 56%, còn 198 tỷ đồng bởi.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (Mã CK: NRC) chỉ có 876 triệu đồng doanh thu, giảm đến 99,7% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2022, doanh nghiệp báo lỗ ròng 60 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 191 tỷ đồng.
Cả năm 2022, Danh Khôi ghi nhận 194 tỷ đồng doanh thu, giảm 56% so với năm trước. Đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh lên 64 tỷ đồng, gấp 6,1 lần năm trước khiến lãi ròng đạt gần 7 tỷ đồng, giảm gần 97% so với năm 2021.
Nhận định về tình hình phát hành trái phiếu, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 28/10/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 329.000 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong đó, nhóm doanh nghiệp địa ốc chiếm 28,87% tổng khối lượng phát hành, đứng thứ hai trong nhóm mua lại trái phiếu trước hạn và chiếm 35,8% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang lưu ký tại ngày 30/9/2022.
Tính riêng trong tháng 12/2022, các doanh nghiệp địa ốc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo số liệu sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 34%, tức 419.000 tỷ đồng.
Trong 2 tháng cuối năm 2022, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 38,3% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó, 99,6% trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản có tài sản bảo đảm.
“Trong cuối năm 2022 và thời gian tiếp theo, một số doanh nghiệp địa ốc sẽ phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp” – Bộ Xây dựng cho biết.
Ngoài vấn đề vốn, doanh nghiệp còn đối diện với lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, khách hàng mua BĐS khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án BĐS dẫn đến các DN không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Cũng theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đến hạn từ nay đến hết tháng 01/2023 là gần 17.5 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.
Cụ thể, tháng 1/2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị TPDN đến hạn) và doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Đặc biệt, sau sự việc liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát, việc mua lại trái phiếu trước hạn càng tăng mạnh. Điển hình, trong tháng 11/2022, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị khoảng 163 ngàn tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong khi đó, lượng phát hành TPDN mới giảm mạnh. Tính từ đầu năm đến 30/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2023-2024 được coi là đỉnh đáo hạn trái phiếu với khối lượng đáo hạn lên tới gần 700.000 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.
Nói về dòng vốn trong thời gian tới, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, doanh nghiệp bất động sản nói riêng và các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc vay vốn tín dụng ngân hàng do dư địa của chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp.
Tính đến hết tháng 11/2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng lãi suất 2 đợt (1%/đợt) để ổn định tỷ giá, trong khi các công cụ khác gần như đã sử dụng hết dư địa. Biên độ giao dịch tỷ giá trung tâm cũng đã nới lên mức 5%. Do vậy, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất 50% trong tháng 12/2022 và quý I/2023, áp lực lãi suất và tỷ giá tăng còn khá lớn.
Ngoài nguyên nhân từ chính sách tiền tệ bị thu hẹp, việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn trong năm nay được TS. Cấn Văn Lực cho rằng đến từ yếu tố nợ xấu. Cụ thể, năm 2023, việc lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.
Nguyên nhân thứ ba là việc vẫn còn hiện tượng cổ đông, nhóm cổ đông lớn có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Mặc dù, các tổ chức tín dụng luôn đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ an toàn (bao gồm hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; giới hạn góp vốn mua cổ phần) tại Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tình trạng công ty liên kết, có liên quan hoạt động tinh vi, có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư hoặc tín dụng. Mặc dù khó có thể đưa ra bằng chứng xác thực về hành vi này nhưng những vụ việc vi phạm của một số tập đoàn bất động sản vừa qua đã bộc lộ tính chất liên quan này.
Nguyên nhân thứ tư là thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như 2 năm qua. Sau giai đoạn giảm liên tiếp từ mức 34,5% năm 2016 xuống 24% năm 2021, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống tăng dần lên mức 25,2% vào tháng 6/2022; tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tăng từ 72,1% năm 2021 lên 74,1% vào tháng 6/2022. Đồng thời, tài sản mang tính thanh khoản cao như tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh.
Cuối cùng, theo ông Lực, việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp sẽ gặp khó trong năm nay là do tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn – nguồn vốn chi phí thấp đang có xu hướng giảm trong năm 2022. Lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tăng nhanh và trở nên hấp dẫn hơn, chênh lệch giữa không kỳ hạn, kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài mở rộng, dòng tiền nhàn rỗi đã chuyển dịch từ gửi không kỳ hạn sang gửi tiết kiệm có kỳ hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Đồng thời, huy động vốn khó khăn vì người dân chuyển sang tiêu dùng và doanh nghiệp chuyển vào sản xuất - kinh doanh, trang trải chi phí như nêu trên.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là khó khăn về vốn tín dụng, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Hội nghị Tín dụng Bất động sản với sự tham dự của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp bất động sản.
Tại Hội nghị nhiều tập đoàn lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Vinhomes hay Sun Group đã đồng loạt đưa ra ý kiến.
Cụ thể, Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Vinhomes cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200% so với các hoạt động kinh doanh thông thường.
Do đó, lãi suất đi vay cũng phải ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, việc room tín dụng đối với lĩnh vực này bị hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên.
Đồng thời, đại diện Vimhomes đề xuất NHNN và các ngân hàng làm rõ các quy định, tháo gỡ các vướng mắc về mục đích vay vốn và hình thức giải ngân tại các văn bản hướng dẫn, có biện pháp tháo gỡ về cơ chế liên quan đến việc xếp loại và kiểm soát cho vay trong lĩnh vực bất động sản.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư lớn, các dự án có đầy đủ pháp lý mang tính trọng điểm, tránh tình trạng cào bằng. Đồng thời, có biện pháp giảm dần lãi suất để hỗ trợ khả năng tài chính cho người dân và chủ đầu tư.
Cũng tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Phương Lan - Phụ trách tư vấn dự án tái cấu trúc Novaland cho rằng, khó khăn hiện nay là rủi ro hệ thống, rủi ro của toàn thị trường. "Chúng tôi hy vọng NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong 24-36 tháng", bà Lan nêu ý kiến.
Ngoài ra, một trong những giải pháp để xử lý vướng mắc về nguồn vốn, theo lãnh đạo các doanh nghiệp, là tháo gỡ ách tắc pháp lý.
Bổ sung kiến nghị, ông Lê Trọng Khương, Phó chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho rằng, lãi suất hiện nay đang ở mức rất cao. Các nhà đầu tư nước ngoài đã vào Việt Nam hiện nay gần như không tham gia đầu tư và vẫn đang trong tâm thế chờ đợi.
Ngoài ra, lãi suất tăng cao cũng ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm được đưa ra thị trường.
Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, doanh nghiệp có kế hoạch xây nhà ở xã hội nhưng đang gặp bế tắc trong việc huy động vốn. Theo đó, lãnh đạo này đề xuất NHNN và các ngân hàng thương mại nghiên cứu để có một mức lãi suất phù hợp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền cho người dân.
Bên cạnh đó, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, kiến nghị cần có giải pháp tháo gỡ chính sách liên quan đến BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, cần cơ chế chính sách phát triển riêng cho loại hình này để khuyến khích phát triển du lịch.
Về việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp, Sun Group mong muốn cơ quan soạn thảo xem xét, đưa ra điều kiện phát hành linh hoạt và chuyên nghiệp hơn.
Theo Sun Group, hiện nay, lĩnh vực BĐS, xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của hơn 100 thông tư, dẫn đến nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện dù các bộ, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế.
Chẳng hạn, lĩnh vực condotel vẫn chưa có chính sách cho phát triển. Hơn nữa, điều hành của các cơ quan chức năng tại địa phương vẫn còn nhiều chồng chéo. Chính vì vậy, cần rà soát lại chính sách, thủ tục để các doanh nghiệp có kênh đầu tư kinh doanh hiệu quả.