Trong mấy năm gần đây, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và điều đó đã ảnh hưởng như thế nào đến các startup?
Ở tầm nhìn vĩ mô, thông thường khoảng 20 năm sẽ có một cuộc khủng hoảng hay suy thoái. Đó vừa là thời điểm thanh lọc thị trường, vừa gieo mầm cho nhiều công ty lớn sau này. Tuy nhiên, các startups Việt chưa có "cơ hội" trải nghiệm những "nốt trầm" suy thoái ấy, vì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mới bùng nổ một thập kỷ gần đây. Vì vậy, các startups Việt gặp khó khăn hơn nhiều.
Nguồn vốn đổ vào thị trường Việt Nam chững lại hoặc sụt giảm nghiêm trọng trong hai năm nay không có gì quá ngạc nhiên. Nhìn khách quan, thị trường startup nào cũng đang bị rút vốn, ở các thị trường mới nổi như Việt Nam thì tình trạng này có thể diễn ra ở pha chậm hơn so với các nước phát triển, nghĩa là chúng ta phải mất 6 tháng đến 1 năm để thực sự cảm nhận được tác động từ rút vốn.
Nhưng nhìn chung, trong hai năm vừa qua, chính các doanh nghiệp lớn cũng gặp nhiều khó khăn. Họ phải cắt giảm nhân sự, tối ưu hóa chi phí và quy hẹp quy mô. Doanh nghiệp lớn đã vậy thì doanh nghiệp nhỏ và startups lại càng gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là khi họ không có tiềm lực tài chính để có thể được chọn chiến lược nào phù hợp. Suy thoái đến, người người nhà nhà cắt giảm chi tiêu, khách hàng của các startups giờ đây cũng không còn "rủng rỉnh" để lựa những sản phẩm "hay hay" (nice to have), họ chỉ chi tiền cho những thứ thiết yếu (must have). Vì vậy, startup nào chưa đem đến sản phẩm đủ tốt sẽ buộc phải dừng cuộc chơi.
Tuy nhiên, những công ty sống sót trên thị trường sẽ có được hệ "miễn dịch tự nhiên" cần thiết. Cũng không khác gì khi chúng ta nói về Covid, giờ đây ai đã từng mắc Covid sẽ chẳng còn thấy virus này ghê gớm nữa. Theo góc nhìn đó, suy thoái cũng là dịp nâng cao hệ miễn dịch cho doanh nghiệp.
Thị trường startup của Việt Nam còn quá trẻ, nên hệ miễn dịch nói chung chưa đủ tốt. Còn ở Mỹ, những năm 2000 đã có bong bóng .com xóa sổ hàng nghìn công ty, nhưng sau đó lại ra đời hàng tên tuổi như Google, Amazon, Facebook. Khủng hoảng cũng luôn đem đến những cơ hội lớn, vì khủng hoảng xảy ra tức là có phần nào đó của nền kinh tế đang vận hành lỗi, và nếu ai/ công ty nào có thể "sửa" được lỗi đó đều có cơ hội trở thành người hùng.
Với tình trạng hiện nay, ai muốn làm startup tôi sẽ khuyên cứ làm đi. Trong lúc suy thoái mà startup của mình chết thì cũng chẳng sao, vì số đông đều vậy, nhưng nếu bạn làm tốt và sống được, bạn sẽ đi được rất xa khi khó khăn qua đi.
Trong hoàn cảnh đó, đâu là khó khăn lớn nhất với các startup và điều đó có ảnh hưởng gì tới các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ?
Với các startup luôn là vấn đề tài chính và với các doanh nghiệp khác cũng vậy thôi. Trong lúc khó khăn và suy thoái, nguồn tiền không được dồi dào nữa. Trước kia, khi nguồn tiền dồi dào, họ có thể huy động vốn bằng nhiều cách, hoặc bán vốn chủ, hoặc đi vay, đồng thời khách hàng cũng "rủng rỉnh" chi tiêu nên nguồn doanh thu cũng ổn định.
Nhưng khi kinh tế khó khăn, thu nhập bị cắt giảm và chi tiêu của khách hàng không được như trước, thị trường tiềm năng đã bị thu hẹp đáng kể. Điều này rất dễ nhận thấy với các startup làm mảng mảng dịch vụ, doanh thu thấp đi, công nợ cao hơn, dòng tiền cạn kiệt.
Về phía nhà đầu tư, họ vẫn sẽ đầu tư nhưng tiêu chí sẽ khắt khe hơn rất nhiều.
Còn với nguồn vốn vay, trước đây bạn có thể vay dễ dàng không chỉ từ ngân hàng vì có rất nhiều bên cho vay. Nhưng trong thời điểm khó khăn, đơn vị kinh doanh vốn cũng không thể giải ngân một cách ồ ạt được vì còn cảnh giác với tình trạng nợ xấu.
Tuy nhiên, khó là khó chung, không phải riêng một lĩnh vực nào cả. Trong tình trạng hiện nay, tôi nghĩ là cạnh tranh sòng phẳng. Ai làm tốt hơn sẽ vượt qua được và đi đến đích nhanh hơn. Phải nhìn theo hướng như vậy có động lực cố gắng để làm tiếp.
Thực ra, bản thân các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thị trường Việt rất tích cực. Thị trường có thể đang đứng trước những đợt điều chỉnh nhất định, nhưng xu hướng trung và dài hạn thì Việt Nam vẫn là thị trường đang nổi, có tỷ suất sinh lời cao. Tất nhiên, cao sẽ đi liền với rủi ro cho nên với các nhà đầu tư mạo hiểm, dám chịu rủi ro vẫn nhìn thấy sự hấp dẫn.
Trong vai trò nhà đầu tư, chúng tôi phải nhìn được bức tranh lớn, nhận diện được tình hình để có hướng đi phù hợp.
Từ phía các quỹ có khó khăn gì không và điều đó có khiến những nhà đầu tư như Nextrans thay đổi tiêu chí lựa chọn đầu tư vào các startup?
Nguồn tiền bây giờ không rẻ nữa. Việt Nam đang hạ lãi suất nhưng với phần lớn các quỹ họ không huy động ở Việt Nam mà huy động từ các thị trường khác như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, nơi mà lãi suất chưa có dấu hiệu suy giảm. Đây là một trong những khó khăn với các quỹ.
Khi lãi suất tăng cao, các quỹ phải quản trị cả hai đầu. Đầu vào trả cho những nhà đầu tư cho quỹ (thông thường là các quỹ lớn hơn, ngân hàng, quỹ hưu trí), đầu ra mang đi đầu tư, tức là phải chịu áp lực từ cả 2 phía. Thế nên, các khoản mang đi đầu tư phải chặt chẽ hơn rất nhiều và quy mô đầu tư cũng không quá lớn. Ngày xưa nhiều quỹ có thể rủng rỉnh rót vốn 1 deal chục triệu, thậm chí vài chục triệu USD. Bây giờ phải chậm lại, xem xét kỹ lưỡng, chia khoản đầu tư theo các đợt để quản trị rủi ro chặt chẽ hơn.
Khi các quỹ gặp khó khăn thì sẽ đến lượt các startups cũng đối diện với nhiều thách thức, giờ đây họ buộc phải đứng vững trên đôi chân của mình thay vì hy vọng "thiếu tiền sẽ gọi vốn".
Về các tiêu chí lựa chọn đầu tư cơ bản quỹ không thay đổi bộ tiêu chí đã đề ra nhưng điểm khác là với cùng bộ tiêu chí đó, mức giá các quỹ sẵn sàng trả sẽ thấp hơn nhiều, có khi chỉ còn một nửa so với mức định giá trước kia.
Trên Shark Tank có thể mọi người gặp những deal tương đối nhỏ, có số liệu và mức định giá tương đối rẻ. Còn trong giới của đầu tư, doanh thu có thể chưa có gì mà các startup đã gọi vốn 3 - 5 triệu USD, họ định giá công ty 15 - 20 triệu USD. Tức chưa có hoạt động hay sản phẩm gì đã định giá công ty thành vài trăm tỷ nhưng vẫn có bên đầu tư. Tôi chứng kiến nhiều thương vụ như vậy nên giờ đây khi gặp các startup mà mình thấy giá quá cao so với mức định giả của mình (ở phía nhà đầu tư) thì tôi chỉ đơn giản bỏ qua thôi, chứ cũng không gay gắt với họ. Bởi trong thực tế và vẫn có những quỹ đầu tư sẵn sàng xuống tiền với mức giá đó.
Từ rất lâu nay, tôi không còn phán xét việc startup đưa ra giá cao hay thấp. Bởi vì nó đắt với mình nhưng vẫn còn những người sẵn sàng trả mức giá đó. Vì thế, nếu không đầu tư thì chỉ thấy chưa phù hợp và mong gặp lại họ ở một thời điểm nào đó trong tương lai.
Trong hai năm vừa qua, Nextrans có chọn được deal nào hấp dẫn?
Quỹ Nextrans vẫn đầu tư, song thay vì số lượng mình chọn chất lượng, miễn deal đó là deal tốt. Trong 2 năm qua chúng tôi vẫn đầu tư ở cả Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam khoảng 15 deal.
Mọi người nghĩ cầm tiền đầu tư lúc nào chẳng được, không xuống tiền lúc này thì xuống lúc khác. Nhưng tiền của quỹ về bản chất cũng vẫn là tiền huy động, mà đã là huy động thì phải có trả lãi.
Áp lực của những người đứng đầu quỹ là phải cân bằng được cả 2 đầu. Thứ nhất tìm được đầu ra, thứ 2 là phải trả lãi được cho những nhà đầu tư mình đã huy động vốn, chính là các quỹ lớn hơn. Làm quỹ không hề sướng như mọi người vẫn nghĩ.
Tuy vậy, các quỹ luôn có sự chuẩn bị nhất định. Từ cuối năm 2021, một quỹ lớn lâu đời ở Mỹ đã gửi thông tin cảnh báo đến các công ty và các founder của họ về khó khăn trong 1 - 2 năm tới nên trọng tâm phải giữ lượng tiền mặt nhất định, tạm dừng những chi tiêu không cần thiết nhằm kéo dài đường băng để sống được đến khi khó khăn qua đi (ước tính cuối 2024 và đầu 2025). Còn startup hết tiền thì phải xuống nước, không thể gọi vốn với mức định giá như trước vì mục tiêu cuối cùng là phải sống.
Tuệ Lâm có thể kể về những deal ấn tượng của bạn trong thời gian qua và đâu là lĩnh vực đầu tư bạn quan tâm nhất?
Nói của mình thì không đúng, mình chịu trách nhiệm quyết định đầu tư nhưng sau cùng là quỹ gắn với thương vụ đầu tư đó. Nên dù là ai đưa ra quyết định thì cuối cùng cũng gắn với tên Nestrans.
Với mô hình hoạt động của quỹ, khi một deal được đưa lên, sẽ có hội đồng 2 – 3 người chịu trách nhiệm chính và toàn bộ hội đồng sẽ xem xét và quyết định đầu tư vào deal nào và bao nhiêu tiền.
Tôi nhớ năm 2020 có 1 deal đầu tư xe điện. Thời điểm đó, tôi nghĩ rằng deal này có rất nhiều rủi ro. Nhưng với đầu tư mạo hiểm, "nhìn người" là yếu tố rất quan trọng. Tôi nhận thấy ở người sáng lập và đội ngũ này có rất nhiều tố chất cần thiết của một startup mạnh, dù rằng thời điểm đó họ còn chưa có doanh thu. Nếu hỏi rằng, tôi có tin thứ họ đang làm (xe điện) lúc bấy giờ không, thì tôi nghĩ lĩnh vực này còn quá sớm ở Việt Nam, nhưng nếu chọn một team trên thị trường có thể làm tốt nhất, tôi chưa thấy ứng cử nào sáng giá hơn họ.
Cuộc chơi xe điện mãi đến 2022 mới thực sự bùng nổ khi người người nhà nhà nói về xe điện. Tuy nhiên, tôi tin rằng với bất ky loại xe điện nào, điều cốt lõi nằm ở pin và hệ thống sạc, bên nào làm chủ cuộc chơi về pin và trạm sạc, bên đó có nhiều cơ hội chiến thắng. Và công ty mà chúng tôi đầu tư đã lựa chọn hướng đi đó từ ngày đầu tiên.
Đến nay, công ty xe điện chúng tôi đầu tư đã gặt hái được nhiều thành tựu, và quan trọng nhất là mình luôn cảm thấy tự hào khi nhìn thấy họ trưởng thành qua từng cột mốc. Đó là cảm giác "chiến thắng" của người làm đầu tư.
Đa phần deal tôi đầu tư đều trong mảng công nghệ giáo dục. Tôi luôn quan sát trước khi đưa ra quyết định, và khi chọn lựa lĩnh vực yêu thích, tôi nhận thấy đa phần những thị trường lớn, phát triển đều dành sự tập trung cho giáo dục. Từ Nhật, Hàn, Mỹ và bây giờ là Trung Quốc… họ ưu tiên rất nhiều cho giáo dục. Thế hệ trẻ phải được giáo dục đúng và tốt thì sau này mới làm tốt nhiệm vụ của mình.
Đầu tư cho giáo dục cá nhân thì không bao giờ lỗ, với quốc gia cũng không bao giờ sai. Chúng ta cải thiện chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn thì sẽ không lo quốc gia mình sẽ giậm chân tại chỗ mãi. Với Nextrans và bản thân tôi khẩu vị đầu tư tập trung nhiều vào công nghệ giáo dục.
Công ty giáo dục làm sản phẩm tốt không chỉ kiếm được tiền, mà còn tạo ra tác động tích cực cho xã hội. Tôi không muốn đầu tư vào những mô hình kinh doanh dù kiếm ra rất nhiều tiền nhưng kéo dài sự phân cách xã hội, khiến người nghèo nghèo hơn, người giàu giàu hơn. Châm ngôn của tôi là trong cuộc sống hay đầu tư, tôi sẽ luôn chọn sự tử tế. Với Nextrans, đây cũng là tinh thần được đề cao suốt 10 năm qua.
Có deal nào lớn khiến Tuệ Lâm suy nghĩ và lo lắng nhiều trước khi quyết định?
Ngoài thị trường Việt, tôi còn tham gia đầu tư ở thị trường Mỹ. Ở Mỹ, dung sai thị trường lớn hơn rất nhiều. Ở Việt Nam, 1 deal 1 - 2 triệu USD đã là to, còn ở Mỹ deal gọi vốn 40 - 50 triệu là bình thường.
Tôi có 1 deal ở Mỹ năm 2022 vào lĩnh vực rất mới. Có 1 team nghiên cứu đưa ra sản phẩm là một loại hợp chất dùng để phân hủy rác thải, nhất là rác thải nhựa. Có thể hiểu đơn giản là họ tạo ra một loại dung dịch đặc biệt có thể hòa tan các rác thải nhựa và giúp chúng phân hủy chỉ trong 10 giờ. Con số này thực sự đáng kinh ngạc, vì chúng ta đều biết rác thải nilon khi chôn vào lòng đất có thể mất đến vài trăm năm mới phân hủy hết. Việc điều chế thành công hợp chất này sẽ là một bước nhảy vọt trong công nghệ xử lý rác thải.
Tôi được giao xử lý deal đó, nghiên cứu xong thấy hay quá, dù họ vẫn còn ở giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm, nhưng tôi biết nếu họ thành công và sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường với chi phí đủ rẻ thì sẽ có tác động rất lớn cho xã hội. Tôi quyết định đầu tư deal này, dù mình biết có thể sẽ cần nhiều thời gian nghiên cứu, chứng minh sản phẩm, thuyết phục khách hàng,…
Chúng tôi xuống tiền, quỹ của Facebook cũng đầu tư vào team này không lâu sau đó. Tôi cảm giác được đã tìm được tiếng nói chung với những nhà đầu tư lớn và càng có niềm tin vào tương lai sản phẩm này.
Doanh nhân Việt Nam trải qua một thời kỳ phát triển và hội nhập mạnh mẽ, nhiều người đã đặt niềm tin vào thế hệ các doanh nhân trẻ nhất là thế hệ 9X, gen Z… có trách nhiệm đưa Việt Nam ra thế giới. Tuệ Lâm nghĩ thế nào về điều này?
Hồi được bình chọn vào top Forbes, họ có đưa cho tôi một bảng câu hỏi phỏng vấn rất hay. Họ hỏi theo mình một trong những điều thú vị về thế hệ của mình là gì?
Gen của mình vẫn là gen X, hoặc gen Y. Đây là thế hệ chuyển giao giữa đàn anh đàn chị 7X, 8X. Thế hệ đó chứng kiến đổi mới, có những thành công và chuyển sang thế hệ gen Z hoàn toàn mới, các em được tiếp xúc với công nghệ hiện đại. Mình là thế hệ ở giữa nên phải gánh vác trách nhiệm chuyển giao.
Thời gen Z các bạn sinh ra đã ngay lập tức có di động, còn 7X và 8X sinh ra ngày đó có cái tivi màu đã là xa xỉ rồi. Thế hệ cuối 8X, đầu 9X chứng kiến sự giao thoa của hai thế hệ khác biệt hoàn toàn. Mình vừa nhìn thấy cái cũ, vừa sống trong cái mới và phải cố gắng làm sao để chuyển giao được tinh thần nỗ lực của đàn anh/chị đi trước cho các em sinh ra trong sự đủ đầy hơn ở thể hệ gen Z, nhưng cũng phải truyền tải được năng lượng sáng tạo của các em gen Z đến với thế hệ tiền bối để họ không thấy quá đối lập. Vậy là phải làm thực sự tốt ở cả hai đầu.
Tôi luôn dặn bản thân phải tôn trọng, học hỏi các anh chị đi trước, nhưng cũng phải thông cảm và chia sẻ với các bạn trẻ, vì họ không sinh ra trong thế giới giống mình và thế hệ đi trước, nên việc khác nhau về tư tưởng không có gì ngạc nhiên. Tuy vậy, ở vai trò cá nhân, tôi nghĩ cách tốt nhất để “làm gương” cho các em đi sau chính là tôi tập trung làm tốt việc của mình, kiên định với những mục tiêu mình theo đuổi.
Bước vào kinh doanh sớm, gặp thử thách sớm và áp lực sớm. Là một phụ nữ, bạn thấy mình được gì và mất gì khi bước vào con đường doanh nhân?
Thực ra khi nhìn lại, tôi thấy mình biết ơn nhiều hơn. Tôi hay nói mình may mắn, nhưng một người bạn thân của tôi bảo: may mắn có thể đến 1-2 lần chứ đâu phải lần nào cũng may mắn được.
Thực tình tôi thấy mình phải cố gắng rất nhiều. Những thứ mình đạt được hôm nay luôn có sự giúp đỡ của những người xung quanh, đồng thời là sự nỗ lực và cũng có chút may mắn. Tôi cũng luôn đặt cho mình những câu hỏi mỗi cuối năm: những thứ mình đặt ra đã làm được chưa, làm được bao nhiêu phần trăm, đã tốt chưa? Nếu chưa có bao nhiêu thời gian để sửa?
Cái được khá lớn của mình đó là có nhiều trải nghiệm. Đây là may mắn của mình. Có thể nhiều người bằng tuổi mình nhưng không có quá nhiều trải nghiệm như thế. Trải nghiệm ở đây có cả khó, dễ, ngọt và đắng.
Nhiều người nhìn tôi là người có vị trí nhất định, có độ nổi tiếng nhất định thì họ cũng có lời khen, sự ngưỡng mộ. Nhưng với tôi đó chỉ là bề nổi mà thôi. Bề chìm mình có nhiều áp lực, càng áp lực mình càng phải ép bản thân theo khuôn khổ, kỷ luật hơn. Một nhà đầu tư thành công là nhà đầu tư có nhiều thương vụ thành công, còn những thứ khác, với tôi có lẽ chỉ là thoáng qua thôi.
Tôi không chuẩn bị cho sự nổi tiếng, được nhiều người quan tâm, tôi muốn sống một cuộc sống bình thường, muốn làm những thứ mình thích, theo đuổi công việc mình đam mê. Nhưng bây giờ điều đó không đơn giản nữa. Mọi hành động, lời nói tôi đều phải chú ý hơn.
Một số người có những ý kiến trái chiều về mình khi họ còn chưa tiếp xúc, chưa hiểu hết câu chuyện cũng từng khiến tôi chạnh lòng. Tôi nghĩ nếu họ nói chuyện với mình thì sẽ biết tôi đã phải cố gắng nhiều thế nào.
Nhưng bây giờ tôi hiểu được thêm là không thể kỳ vọng tất cả mọi người đều thấu hiểu và động viên. Mình chỉ cần những người thân xung quanh mình, những người làm cùng với mình hiểu và ủng hộ là được rồi.
Sau cùng tôi đúc kết cái được lớn nhất là hai chữ “bản lĩnh”. Có trải nghiệm nhiều mới có được bản lĩnh. Còn nếu cuộc sống cứ bằng phẳng quá, đi đường bằng quá ai ai cũng ngợi ca thì thành công chưa chắc đã có dư vị.
Cái mất thì có những đêm mất ngủ. Hai - ba năm vừa rồi thị trường không khởi sắc với các quỹ và startup, tôi mất ngủ nhiều đêm để nghĩ mình làm thế nào có thể giúp các công ty trong danh mục, làm thế nào để cân bằng chiến lược đầu tư trong thời gian tới.
Cái mất thứ 2 chắc là mất mấy kg. Chưa bao giờ tôi béo, vì tôi suy nghĩ quá nhiều. Nói vui là nghĩ nhiều nên không béo được. Mất một chút nữa thì có lẽ là thanh xuân. Tôi cũng tự thấy mình già. Bằng tuổi mình, 2 - 3 năm trước các bạn có thể vẫn đi phượt, đi chơi… còn mình không phải không được làm, nhưng mình lựa chọn không làm vì thứ mình muốn đi, muốn làm không cho mình lựa chọn như thế.