Từng đặt mục tiêu lọt top 3 công ty đứng đầu lĩnh vực bất động sản trong nước với phát biểu “Không ai có thể làm thép mãi được. Hòa Phát cũng như mọi tập đoàn khác sớm muộn phải đa ngành và bất động sản sẽ là một trong các mũi nhọn”.
Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) Trần Đình Long một lần nữa khẳng định Hòa Phát vẫn kiên định chiến lược kinh doanh đa ngành, nhưng hiện tại ưu tiên tập trung cho mảng thép và dự án Dung Quất 2, nên có thể tạm gác lại tham vọng vào lĩnh vực bất động sản và một số mảng lĩnh vực khác.
Hòa Phát được thành lập từ tháng 8/1992 với khởi đầu là buôn bán các loại máy xây dựng. Doanh nghiệp chính thức đặt chân sang lĩnh vực bất động sản vào năm 2001 với việc thành lập CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát trên cơ sở Ban xây dựng cơ bản của Hòa Phát.
Cuối năm 2020, Hòa Phát cơ cấu lại mô hình tổ chức với 4 nhóm ngành được quản lý theo từng tổng công ty độc lập. Trong đó, lĩnh vực bất động sản do doanh nghiệp mới thành lập khi đó là CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát (BĐS Hòa Phát) đảm nhiệm.
Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của BĐS Hòa Phát là 2.000 tỷ đồng. Mục tiêu của doanh nghiệp này là hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển bất động sản và các hoạt động phụ trợ của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp liên tục tham gia vào các cuộc đua săn quỹ đất với loạt dự án từ khu đô thị đến khu công nghiệp.
Năm 2022, Hòa Phát rót thêm 3.300 tỷ đồng vào BĐS Hòa Phát thông qua góp vốn trực tiếp, qua đó, tăng vốn điều lệ công ty từ 2.700 tỷ hiện tại lên 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Hòa Phát cũng sẽ ghi nhận thay đổi từ 99,926% lên 99,967%.
Đỉnh điểm trong tham vọng làm bất động sản của Hòa Phát có lẽ diễn ra vào thời điểm 2021 – 2022 khi doanh nghiệp này cùng các công ty thành viên liên tục đề xuất, tham gia đấu thầu làm các dự án bất động sản trên khắp cả nước với quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng.
Trong đó, các dự án bất động sản Khu công nghiệp (KCN) giường như được Hòa Phát chú trọng hơn cả với việc đầu tư hàng loạt dự án KCN với quy mô lớn.
Lấy đơn cử như vào năm 2021, Hòa Phát rốt ráo đi tỉnh “tìm đất” cho tham vọng bất động sản tại Cần Thơ, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, Huế, Phú Yên.
Một trong những dự án có diện tích lớn là tại Quảng Ngãi, khi được chấp thuận chuyển đổi toàn bộ 600 ha đất thuộc quy hoạch khu đô thị Dốc Sỏi và khu đô thị - công nghiệp Dung Quất (trừ giai đoạn 1A) và 175 ha tại điểm kết nối đường Trì Bình - Dung Quất, đường cao tốc sang đất đô thị, thương mại, dịch vụ. Hay tại Cần Thơ với đề xuất đầu tư dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy với quy mô khoảng 452ha.
Cũng tại đây, tập đoàn này đã được chấp thuận tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 2 dự án là khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 88,2ha (gồm khu nhà ở 58,2ha và trung tâm hội chợ triển lãm 30ha) tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Dự án thứ hai là khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô 6,24ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Sang năm 2022 vừa qua, Hòa Phát đã đề xuất đầu tư hai dự án cảng biển Bãi Gốc và KCN Hòa Tâm tại Phú Yên (120.000 tỷ đồng); cùng đối tác liên danh đăng ký đầu tư dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá tại Phú Thọ (5.622 tỷ đồng); tham gia đấu thầu làm dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp KCN Yên Mỹ II tại Hưng Yên (4.831 tỷ đồng);...Ngoài ra, Hòa Phát cũng được chấp thuận đầu tư dự án KCN Yên Mỹ II mở rộng tại Hưng Yên, với diện tích phần mở rộng 216 ha, tổng vốn đầu tư 2.682 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện nay Hòa Phát còn sở hữu và vận hành 2 KCN khác là KCN Phố Nối A có quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), KCN Hòa Mạc -131 ha (Hà Nam). Theo ước tính, tổng quỹ đất KCN được phê duyệt quy hoạch tính đến thời điểm hiện tại của Hòa Phát là 1133,44 ha.
Trong đó, dự án KCN Phố Nối A tại Hưng Yên (đã lấp đầy 100%), KCN Hòa Mạc tại Hà Nam (đã lấp đầy 75%), KCN Yên Mỹ II tại Hưng Yên (đã lấp đầy 95%).
Không chỉ có các dự án KCN tại các tỉnh thành, “vua thép” còn sở hữu nhiều dự án bất động sản khác tại Hà Nội như Tòa nhà Hòa Phát tại số 257 Giải Phóng, Khu phức hợp Mandarin Garden, Khu phức hợp Mandarin Garden 2, hay Tòa văn phòng cho thuê số 70 Nguyễn Đức Cảnh; bên cạnh dự án đang triển khai như Khu đô thị Bắc Phố Nối tại Hưng Yên (262 ha).
Mới đây nhất, liên danh Tổng CTCP Đầu tư Hợp Nghĩa - CTCP Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát là doanh nghiệp duy nhất “rộng cửa” trúng Dự án khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá (tỉnh Phú Thọ) khi là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ và đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm.
Dự án này có diện tích lên đến 120 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.622 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện khoảng 5.284 tỷ.
Và trong thập kỷ tới, Hòa Phát còn có kế hoạch sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện có (Phố Nối A, Hòa Mạc, Yên Mỹ II và dự án khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng sẽ đầu tư trong năm 2023 này).
Một lợi thế lớn của Hòa Phát kể từ khi “lấn sân” sang bất động sản đó là doanh nghiệp luôn có một lượng tiền mặt lớn. Tính đến cuối quý I/2023, Hòa Phát đang nắm trong tay hơn 35.000 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm (bao gồm cả tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng). Mặc dù giảm khoảng 690 tỷ đồng so với đầu năm nhưng có thể nói đây vẫn là một lượng tiền mặt lớn.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý I/2023 của Hòa Phát cho thấy, tại thời điểm cuối tháng 3/2023, doanh nghiệp này có hơn 35.000 tỷ đồng tiền mặt. Trong đó, có gần 7.900 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền. Và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là hơn 27.400 tỷ đồng.
Có thể nói, với đại gia ngành thép này có cả “núi tiền” để chạy đua M&A mở rộng quỹ đất, phát triển các dự án tầm cỡ.
Ngoài việc sẵn có lượng tiền mặt lớn thì Hòa Phát còn sở hữu lợi thế “cây nhà lá vườn” về vật liệu xây dựng. Cụ thể, việc tự chủ về tôn, thép giúp tập đoàn này giảm bớt gánh nặng về chi phí đầu vào.
Với việc đầu tư mở rộng dự án Dung Quất giai đoạn 2 thì tài sản dở dang dài hạn của Hòa Phát tăng thêm hơn 1.000 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023. Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 3.900 tỷ đồng lên 13.830 tỉ đồng, đa phần vì Hòa Phát cho khách hàng mua chịu và trả trước cho người bán nhiều hơn.
Có một điểm trừ trong quý đầu năm 2023 của Hòa Phát đó là nợ phải trả của Hòa Phát tăng thêm 4.748 tỷ đồng lên mức 78.970 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là 60.600 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 50.354 tỷ đồng, chiếm 83% tổng nợ vay và còn lại là hơn 10.300 tỷ đồng vay dài hạn.
Như đã đề cập ở trên, hiện tại trong lĩnh vực bất động sản nhà ở và khu đô thị, Hòa Phát đang sở hữu loạt dự án như Khu phức hợp Mandarin Garden, Tòa nhà Hòa Phát – Giải Phóng, Tổ hợp 493 Trương Định tại Hà Nội (Mandarin Garden 2); và Khu đô thị phía bắc Quốc lộ 5 tại tỉnh Hưng Yên.
Và Hòa Phát cũng tiết lộ mục tiêu trong 10 năm tới sẽ tập trung phát triển các đại đô thị có diện tích 300-500 ha tại các địa phương. Và mong muốn trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.
Trả lời cho tham vọng tương đối “ngông” này, tại ĐHĐCĐ 2023 diễn ra mới đây, chủ tịch Trần Đình Long một lần nữa nhấn mạnh Hoà Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào, không phải vào bằng được hay ra bằng được.
Tuy nhiên, hiện tại có nhiều dự án bất động sản của Hòa Phát vẫn chưa được mở bán. Chủ tịch Hòa Phát thừa nhận công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đã tương đối tốt. Tuy nhiên dự án Phố Nối cũng như các dự án khác ở Hưng Yên và cả trên nước đều đang gặp vấn đề về hồ sơ pháp lý, thủ tục, chính sách...
Do đó, bất động sản chỉ vì yếu tố khách quan nên mới chưa mở bán chứ không có lý do gì khác. Hoà Phát chỉ bán khi đã có đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý, đặc biệt về vấn đề sử dụng đất.
Cũng theo Chủ tịch Hòa Phát, đến thời điểm hiện tại tổng giá trị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 tính riêng về tài sản cố định đã lên đến 75.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD.
“Đây chỉ là tài sản cố định, khi dự án đi vào hoạt động thì cần 25-30 nghìn tỷ đồng vốn lưu động nữa. Như vậy tổng quy mô đầu tư cho dự án này vào khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng”, ông Long thông tin.
Do đó, để tập trung toàn lực cho dự án này ngoài việc không chia cổ tức năm 2022, Hòa Phát sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư, không riêng gì dự án ở Úc. Theo đó, công ty sẽ tạm ngừng đầu tư vào mảng nhà ở. Lãnh đạo Hòa Phát chia sẻ, ở thời điểm hiện tại, công ty chưa đủ tiền để tập trung kỹ hơn vào mảng này.
Riêng với lĩnh vực bất động sản KCN, ông Long cho hay, dù không đem lại quá nhiều tiền nhưng ổn định cùng tỉ suất lợi nhuận không tồi. Lại có kinh nghiệm nên Hòa Phát sẽ vừa triển khai những khu công nghiệp đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4 - 6 khu nữa, đến năm 2030 sẽ có 10 khu công nghiệp.
Mặc dù có một tham vọng lớn kể từ khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản nhưng thực tế, kết quả doanh thu mà mảng đầu tư này mang lại cho “vua thép” Hòa Phát là chưa thực sự ấn tượng.
Thống kê từ năm 2011 - 2022, ngoại trừ giai đoạn 2013 - 2014 bàn giao sản phẩm tại dự án Khu phức hợp Mandarin Garden khiến doanh thu mảng bất động sản chiếm từ 7,15% - 10,39% trong tổng doanh thu của doanh nghiệp. Còn ở các năm còn lại, phần doanh thu này đều góp dưới 4%.
Riêng trong năm 2022, doanh thu bán hàng, lợi nhuận từ bất động sản lần lượt ở mức 1% và 3% trong tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận toàn công ty. Trong đó, phần lớn doanh thu bất động sản đến từ cho thuê đất, đạt hơn 440 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2021. Công ty cũng không có doanh thu từ bán bất động sản như cùng kỳ.
Tuy vậy, theo đánh giá của Hòa Phát lĩnh vực bất động sản đã đạt mục tiêu đề ra và là một trong hai điểm sáng của năm 2022 (cùng với nhóm ngành điện lạnh đạt 200% kế hoạch) trong khi đó, mảng kinh doanh cốt lõi là thép (chiếm 95% doanh thu và lợi nhuận) giảm 76% lợi nhuận và mảng nông nghiệp cũng giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Với việc tạm gác lại việc đầu tư bất động sản thì trong năm 2023 này Hòa Phát sẽ tập trung một số mục tiêu quan trọng như tiếp tục đầu tư xây dựng Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 (3 tỷ USD); hoàn thành và đưa vào chạy thử Nhà máy sản xuất container…. Kế hoạch doanh thu là 150.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng – giảm 5% so với năm trước.
Đại diện Hòa Phát cũng cho biết, trong giai đoạn khó khăn nhất Hòa Phát đã phải đóng cửa 4 lò cao vào quý 4/2022, nhưng đầu năm nay doanh nghiệp đã mở lại 1 lò cao, đầu tháng 4 sẽ mở lại lò thứ 2 và 2 lò còn lại sẽ khởi động lại trong quý 2/2023.
Còn về vấn đề áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại, ông Long cho rằng, đã kinh doanh thì phải chấp nhận cạnh tranh, ngành thép cũng không ngoại lệ. Hòa Phát sẵn sàng và chấp nhận cạnh tranh với thép Trung Quốc, thép các nước khác và cả các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, về chiến lược xuất khẩu, từ nay trở đi Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, tăng cường đầu tư xuất khẩu mặt hàng này.