Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng trường học trong khu đô thị - Ảnh 1
 

Tính đến năm 2022, chỉ có 78 khu đô thị ở Hà Nội quy hoạch đất xây dựng trường học, trong tổng số hàng trăm khu đô thị, nhà ở xây dựng từ năm 2000 đến nay. Trong đó, hơn 60 dự án được đầu tư xây dựng với 192 trường học các cấp, cung cấp chỗ học cho 25.000 học sinh. Con số này quá nhỏ so với nhu cầu chỗ học cho học sinh hiện tại.

Việc thiếu trường học trong các khu đô thị không phải là điều mới mẻ trong một hai năm trở lại đây mà việc này đã diễn ra từ nhiều năm trước. Năm 2009, trong phiên họp của HĐND TP. Hà Nội, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc kiểm tra và xử lý các chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết xây trường học tại các KĐT mới. Bà Ngô Thị Thanh Hằng khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng đã khẳng định trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư.

Nhiều kỳ họp sau đó, đã có nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn về vấn đề này nhưng rồi không cải thiện được bao nhiêu. Cho đến nay, sự kiện phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non ở quận Hoàng Mai phải xếp hàng, bốc thăm để được học trường công khiến dư luận xã hội bức xúc về tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục.

BÀI HỌC NHÃN TIỀN TỪ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Những năm gần đây, một khu đô thị từng được coi là kiểu mẫu, được xem là đáng sống nhất Thủ đô lại đang gánh chịu nhiều hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch của doanh nghiệp, cá nhân. Dân cư đông đúc, thiếu cơ sở hạ tầng giáo dục, gây áp lực lên toàn hệ thống. Đó chính là Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm.

Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng trường học trong khu đô thị - Ảnh 2
 

Chỉ sau 10 năm xây dựng, một khu đô thị quy hoạch bài bản, quy củ, đầy đủ tiện ích xã hội thì đến bây giờ đã bị băm nát quy hoạch. Một loạt những sai phạm đã được cơ quan chức năng chỉ rõ như: khu đất HH bị phá vỡ, biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với 12 tòa nhà cao từ 35 - 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng), mật độ xây dựng trên 50%. Hay khu đất VP6 được quy hoạch nhà ở thấp tầng nằm phía Bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường Vành đai 3, nhưng đã bị biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng bán đảo Linh Đàm, che khuất tầm nhìn.

Trong quy hoạch mỗi dự án, khu đô thị, khu công nghiệp không phải không có quy hoạch của trường học hay bệnh viện. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư vẫn bỏ quên nhưng hạng mục đặc biệt này hoặc tự ý chuyển đổi công năng để phục vụ lợi ích thương mại.

Câu chuyện phá vỡ quy hoạch tại Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm chỉ là điển hình bởi hiện có nhiều khu đô thị, khu dân cư khác trên cả nước cũng rơi vào tình trạng này. Tại Hà Nội một số KĐT như KĐT Đoàn Ngoại giao (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp, làm chủ đầu tư), KĐT Xuân Phương Viglacera (Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư), KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị - HUD thuộc Bộ Xây dựng đầu tư), KĐT mới Cầu Bươu (Tổng Công ty Đầu Tư và Phát Triển Nhà Hà Nội - Handico làm chủ đầu tư), Khu chức năng đô thị Ao Sào (Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư), KĐT mới Vân Canh (HUD làm chủ đầu tư), KĐT mới Phùng Khoang (Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư)… cũng "bỏ quên" trường học.

Vậy nguyên nhân nào khiến các chủ đầu tư lại "bỏ quên" trường học như vậy?

Một trong những nguyên nhân của tình trạng các khu đô thị thiếu trường học là do các chủ đầu tư khu đô thị chỉ lo xây nhà để bán mà chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng xã hội; trong đó có trường học phục vụ dân cư. Tại các ô đất để xây chung cư, khu đô thị phần lớn đều có quy hoạch dành một phần đất để xây dựng trường học và hạ tầng xã hội. Tuy nhiên việc nhiều chủ đầu tư không thực hiện xây dựng trường theo quy hoạch nhưng thành phố cũng chưa có chế tài để xử lý.

Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng trường học trong khu đô thị - Ảnh 3
 

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng chỉ ra, cụ thể tại quận Hoàng Mai gồm các phường: Hoàng Liệt, Ðại Kim, Ðịnh Công, Vĩnh Hưng...; quận Cầu Giấy có các phường: Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Quan Hoa...; các phường Nguyễn Trãi, Văn Quán, Mỗ Lao, Dương Nội, Quang Trung, Yên Nghĩa, Phú Lãm... của quận Hà Ðông; quận Thanh Xuân có 11 phường đang thiếu chỗ học.

Còn theo báo cáo của thành phố Hà Nội, bên cạnh những nguyên nhân do thiếu quỹ đất đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp trong nội thành, tăng dân số cơ học, các công trình hạ tầng xã hội tại các KĐT mới chưa được chủ đầu tư quan tâm thoả đáng, nhu cầu của phụ huynh muốn đưa con vào trường có danh tiếng hoặc có chất lượng cao hay việc kiểm soát học đúng tuyến còn hạn chế cũng cần kể đến nguyên nhân bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường học dẫn đến thiếu trường lớp nhà trẻ, mẫu giáo.

GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆC XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ NÀY?

Câu chuyện các chủ đầu tư KĐT tại Hà Nội chỉ tập trung xây dựng bán nhà, sau nhiều năm vẫn “quên” xây trường diễn ra rất phổ biến, người dân thì khốn khổ chạy ngược chạy xuôi tìm nơi học cho con, còn chính quyền thành phố thì chỉ quyết liệt bằng vài phát biểu và chưa có biện pháp thực sự hiệu quả xử lý dứt điểm tình trạng này.

KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, ông cho rằng, cần có sự quyết tâm vào cuộc của chính của địa phương. Nếu có quyết tâm thì sẽ có những cách làm sáng tạo, vấn đề dù có được coi là khó vẫn có thể giải quyết ổn thỏa.

Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng trường học trong khu đô thị - Ảnh 4
 

Thứ hai là ngành giáo dục Thủ đô cần đưa ra những dữ liệu chính xác về chiến lược phát triển của ngành để phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các quận huyện, các sở ngành chức năng nhằm xây dựng mạng lưới trường học cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực, địa bàn dân cư.

Thứ ba, trên cơ sở nhu cầu mạng lưới trường học mà ngành giáo dục đưa ra thì các chuyên ngành như quy hoạch, xây dựng, tài nguyên môi trường phải có trách nhiệm giới thiệu địa điểm, dành đất, dành không gian phát triển, đưa ra phương án phát triển mạng lưới trường học.

Cuối cùng, trách nhiệm cao nhất là chính quyền Thành phố, Thành phố phải có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa.

Ông nhận định, khi các bên thực hiện được như trên thì tình trạng thiếu trường lớp tại các khu đô thị mới được giải quyết triệt để còn không nó chỉ như việc “ném đá ao bèo” năm sau lại thiếu trầm trọng hơn năm trước.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục học Việt Nam nhận định: “Do dân số không đồng đều và biến động nhanh nhưng cơ sở hạ tầng tại các trường học lại không theo kịp. Vì vậy, dự kiến Hà Nội sắp trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô thì các quận, huyện, thị xã phải được phân cấp. Các cấp này chịu trách nhiệm để làm sao đáp ứng được nhu cầu của người dân để phục vụ kịp thời các nhu cầu cơ bản. Muốn thế các cấp phải được chuẩn bị từ nhiều năm chứ không thể 1 - 2 năm mà chuẩn bị được ngay. Tức, các cấp phải tính toán, dự trù, khi quy hoạch đã có thì phải có trường học từ cấp mầm non đến THPT”.

Thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trầm trọng trường học trong khu đô thị - Ảnh 5
 

Vị chuyên gia này cũng đề xuất, khi tiến hành triển khai dự án, giao ngay cho các địa phương chủ động lên kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch hàng năm trong việc xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu dân số trong khu vực. Khi đô thị xây dựng đến đâu phải tính, buộc thành phố hoặc chủ đầu tư phải đáp ứng ngay.

“Ví dụ, khi xây dựng khu đô thị, nhà máy, chủ đầu tư phải đáp ứng 2 nhu cầu đi theo. Thứ nhất là nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội; thứ hai là nhà trẻ, trường tiểu học, trường THCS phải đi theo. Tức khi anh hoàn thành và khi vận hành phải đáp ứng đủ những điều kiện trên, ngược lại nếu chưa đủ điều kiện thì chưa được vận hành. Tôi rất muốn quy định trên đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi)”, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 về việc tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị.

Cộng điện nêu rõ: Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư các công trình giáo dục, y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, khu du lịch và đô thị, hình thành các không gian đô thị hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, chất lượng sống của người dân đô thị từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, tại một số khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp còn thiếu các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), trạm y tế; hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học, khu vực công cộng đô thị, khu du lịch… còn thiếu, xuống cấp và quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách.

Hà Thu

Theo Kinh doanh và Phát triển