Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 1

Trong năm 2024, ngành ngân hàng ghi nhận nhiều hoạt động nổi bật, trong đó phải kể đến những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá,...cũng như những tín hiệu tích cực từ việc chuyển giao các ngân hàng 0 đồng. Dưới đây là danh sách 10 sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 2

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thẳng thắn thừa nhận giai đoạn này là giai đoạn chưa từng có tiền lệ trong hành trình chuyển giao các ngân hàng yếu kém.

Sau gần 1 thập kỷ “vướng chỗ này, mắc chỗ kia”, hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã có bước tiến mới. Hai cái tên từng gắn liền với danh xưng “ngân hàng 0 đồng” là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) đã tìm được “nhà mới”, mở đầu cho chuỗi thay đổi mang tính bước ngoặt.

Vào tháng 10/2024 vừa qua, NHNN hoàn tất chuyển giao bắt buộc ngân hàng CBBank cho Ngân hàng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và OceanBank cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Theo quy định, CBBank và OceanBank trở thành các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ, sẵn sàng đón nhận những cải tổ mạnh mẽ.

Hơn 2 tháng sau ngày chuyển giao, hai ngân hàng 0 đồng đã có nhiều chuyển động mới. OceanBank, nay mang tên mới là Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV), nhanh chóng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Chỉ từ ngày 17/10 – 13/12, tăng trưởng huy động vốn đạt 1.229 tỷ đồng, tín dụng tăng thêm 555 tỷ đồng.

Đồng thời, MB và MBV đã triển khai các khoản bán nợ với quy mô gần 6.000 tỷ đồng. Bộ máy nhân sự cũng được kiện toàn với sự tham gia của 80 nhân sự chất lượng cao do MB trực tiếp lựa chọn.

CBBank, dù im ắng hơn, cũng không ngừng có những điều chỉnh từ khi về với Vietcombank, tập trung tái cơ cấu toàn diện để dần thoát khỏi bóng tối của quá khứ.

Cùng với những chuyển biến tích cực trên, NHNN cũng đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện phương án chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém còn lại là GPBank và DongA Bank. Theo Nghị quyết số 233/NQ-CP, NHNN sẽ phải trình phương án chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng GPBank và DongA Bank trước ngày 20/12/2024. Đồng thời, trường hợp của SCB cũng đang được Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đẻ đảm bảo không có thêm bất kỳ sự chậm trễ nào.

Các ngân hàng thương mại lớn đang dần bước vào cuộc chơi “chữa lành.” Ngoài Vietcombank và MB, các cái tên như VPBank và HDBank cũng được cân nhắc tham gia nhận chuyển giao bắt buộc, thể hiện quyết tâm của toàn ngành trong việc xử lý triệt để các tổ chức tín dụng yếu kém.

Hành trình của các ngân hàng yếu kém vừa qua chỉ mới là bước đầu. Để đạt được mục tiêu lớn hơn – đưa họ trở lại hoạt động bình thường, vượt qua lỗ lũy kế, chấm dứt kiểm soát đặc biệt – con đường phía trước vẫn còn dài và đầy thử thách.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 3

Năm 2024 là một năm đánh dấu sự chuyển mình quan trọng trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, khi công nghệ sinh trắc học được đưa vào áp dụng rộng rãi như một giải pháp để tăng cường bảo mật và cải thiện hiệu quả giao dịch. Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, yêu cầu tất cả khách hàng thực hiện xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trực tuyến với số tiền từ 10 triệu đồng/lần trở lên hoặc 20 triệu đồng/ngày trở lên. Điều này không chỉ phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức giao dịch ngân hàng mà còn mở ra một chiến lược dài hạn nhằm giải quyết các vấn đề về bảo mật và gian lận trong môi trường ngân hàng số.

Theo các chuyên gia, sinh trắc học, bao gồm các phương thức xác thực như vân tay, khuôn mặt và mống mắt, mang lại ưu điểm nổi bật trong việc đảm bảo tính bảo mật vượt trội so với các phương pháp xác thực truyền thống như mật khẩu hoặc mã PIN. Điều này không chỉ giúp ngăn ngừa các cuộc tấn công giả mạo mà còn bảo vệ quyền lợi của người sử dụng trong các giao dịch tài chính quan trọng.

Tuy nhiên, như bất kỳ những thay đổi nào về công nghệ, việc áp dụng sinh trắc học cũng gặp nhiều khó khăn trong những ngày đầu triển khai. Các vấn đề như hệ thống quá tải, công nghệ nhận diện không chính xác,… khiến không ít người dùng bức xúc.

Dù vậy, kết quả đạt được tính đến hết quý III/2024 rất ấn tượng. Khoảng 38 triệu lượt khách hàng đã đăng ký thông tin sinh trắc học thành công, chứng tỏ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc áp dụng công nghệ này.

Số lượng vụ lừa đảo đã giảm tới 50%, trong khi số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm hơn 70% so với mức trung bình trước đó. Đây là một minh chứng rõ rệt cho thấy tác động tích cực của công nghệ sinh trắc học đối với an ninh tài chính và bảo mật thông tin cá nhân trong môi trường ngân hàng số.

Với những kết quả đạt được bước đầu, NHNN tiếp tục ban hành thêm Thông tư 17/2024/TT-NHNN và Thông tư 18/2024/TT-NHNN, trong đó quy định, các tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng chưa hoàn tất xác thực sinh trắc học trước mốc 1/1/2025 sẽ phải tạm dừng giao dịch trực tuyến.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 4

Theo báo cáo "Xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024" mới công bố của Cốc Cốc, giá vàng là nội dung được quan tâm nhất ở nhóm chủ đề tài chính và bất động sản. “Giá vàng hôm nay” đã trở thành từ khóa “nóng nhất” về tài chính với mức tăng 147% về lượng tìm kiếm.

Có thể nói rằng trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ giá vàng lại nóng sốt và được quan tâm nhiều như năm 2024.

Cùng với đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng liên tiếp thiết lập nhiều kỷ lục chưa từng có. Ngày 10/5/2024, giá vàng SJC phá đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng – mức giá cao nhất từ trước đến nay của kim loại quý này. Đồng pha với vàng SJC, giá vàng nhẫn cũng leo lên mức gần 90 triệu đồng/lượng. Tại nhiều thời điểm, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được kéo lên tới 18 – 20 triệu đồng/lượng.

Giá vàng phá đỉnh trong lúc các kênh đầu tư khác như bất động sản, gửi tiết kiệm,…chưa thực sự khởi sắc trở lại đã đẩy dòng tiền đầu tư chảy mạnh vào vàng. Ngay cả những người từng không quan tâm nhiều đến kim loại quý này cũng bị cuốn vào cơn bão giá vàng. Nhu cầu tăng cao khiến các cửa hàng vàng thường xuyên rơi vào tình trạng “quá tải” trước dòng người “rồng rắn xếp hàng” mua vàng.

Trước những biến động đó, NHNN, lần đầu tiên sau 11 năm, đã tổ chức bán đấu thầu vàng miếng từ tháng 4. Qua 6 phiên đấu thầu, 1,8 tấn vàng miếng SJC đã được cung ứng ra thị trường. Tuy vậy, mục tiêu bình ổn thị trường vàng vẫn chưa đạt được, buộc NHNN sau đó phải chuyển sang bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC. Tổng cộng, hơn 13 tấn vàng đã được bơm ra thị trường, phần nào giúp “giải nhiệt” nhu cầu của người dân.

Cùng với đó, để tăng tính minh bạch trên thị trường, nhà điều hành cũng phối hợp với nhiều bộ, ban ngành liên quan ban hành loạt quy định như yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng bạc xuất hóa đơn điện tử khi giao dịch; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với thị trường; thu thập thông tin của người mua, bán vàng miếng;…

Nhờ đó, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Tuy vậy, bất chấp những nỗ lực từ phía NHNN, thị trường vàng vẫn tồn tại một số bất cập, trong đó phải kể đến việc người dân khó, mua bán vàng. Vấn đề này cũng được các đại biểu đưa ra chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trong bối cảnh những thay đổi chính sách đang dần hé mở, thị trường vàng được kỳ vọng sẽ sớm trở lại ổn định, mang đến sự minh bạch và an toàn hơn cho cả người dân lẫn doanh nghiệp. Năm 2024, tuy "bão vàng" để lại nhiều dư âm, nhưng đó cũng là cơ hội để thị trường này được tái cấu trúc toàn diện hơn trong tương lai.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 5

Tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 12,5% so với đầu năm 2024 và tăng 16,51% so với cùng kỳ năm 2023. Chặng đường cuối của năm 2024 gần hết nhưng lãnh đạo NHNN vẫn tự tin rằng “mục tiêu 15% nằm trong tầm tay”.

Trước khi đi đến đích 15%, con đường tăng trưởng của tín dụng năm nay đã phải trải qua nhiều giai đoạn “gập ghềnh”. Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế còn nhiều thách thức, khả năng hấp thụ vốn kém, tăng trưởng tín dụng có những bước khởi đầu chậm chạp, thậm chí tăng trưởng âm. Mức tăng trưởng tín dụng cũng không đồng đều giữa các ngân hàng khi có nhà băng tăng trưởng 10 – 15% nhưng có nhà băng tăng trưởng âm 7%.

Mức tăng trưởng tín dụng còn ấn tượng hơn khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” trong năm 2024.

Những diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế như căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát gia tăng, sự “nghịch chiều” trong chính sách tiền tệ trong nước và quốc tế,…  đã gây ra những áp lực không nhỏ trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Trong khi đó, ở trong nước, tình hình tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, mặt bằng lãi suất huy động tăng nhanh hơn mặt bằng lãi suất cho vay, sức ép về cung ứng vốn của hệ thống với nền kinh tế vẫn còn lớn,… cũng buộc NHNN phải điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, NHNN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, chính sách tiền tệ. Đặc biệt, 2024 là năm đầu tiên NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm cho các tổ chức tín dụng, thay vì chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị mới xem xét nới room như những năm trước đó.

Đồng thời, NHNN đã thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 với nguyên tắc “điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng” như Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Trước áp lực tỷ giá tăng cao cũng như lãi suất huy động bắt đầu tăng lên, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành, nhờ đó, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì xu hướng giảm, góp phần đẩy nhanh dòng vốn ra nền kinh tế. Theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023. Trước đó, lãi suất cho vay cũng đã giảm 2,5%/năm trong năm 2023.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 6

Đầu tháng 9/2024, siêu bão Yagi (cơn bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Với sức tàn phá khủng khiếp, bão số 3 trở thành cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua trên đất liền.

Theo thống kê của Chính phủ, tổng thiệt hại về kinh tế do bão số 3 gây ra ước tính trên 81.703 tỷ đồng, trong đó các tỉnh bị thiệt hại nặng nhất gồm có Quảng Ninh (24.876 tỷ đồng), Hải Phòng (12.249 tỷ đồng), Lào Cai (6.834 tỷ đồng), Yên Bái (5.738 tỷ đồng),…

Riêng đối với ngành ngân hàng, nhiều khách hàng (doanh nghiệp, người dân) của các tổ chức tín dụng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở lên tới khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, NHNN đã khẩn trương ban hành nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 cũng như chủ động thực hiện các giải pháp miễn, giảm lãi hay giãn, hoãn nợ,…

Hàng loạt ngân hàng nhanh chóng vào cuộc. Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank, Agribank,… giảm lãi từ 0,5% - 2% cho khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão. Các ngân hàng tư nhân cũng đồng loạt miễn giảm lãi, đồng thời thực hiện nhiều chính sách giãn, hoãn nợ cho những khách hàng gặp khó khăn sau bão.

Đơn cử như SHB, ngân hàng này đã giảm 50%, thậm chí 100% lãi suất trong 4 tháng cuối năm nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các ngân hàng còn cung cấp thêm các gói tín dụng lãi suất thấp để giúp khách hàng ổn định đời sống và phục hồi sản xuất sau thiên tai. Đến nay, có 35 ngân hàng thông báo quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, báo cáo của NHNN cho hay.

Mới đây, trên cơ sở đề xuất của NHNN, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1510/QĐ-TTg ngày 4/12/2024 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 7

Trong phiên 18/12, tỷ giá liên ngân hàng đã tăng vượt giá bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và chốt phiên ở mức 25.453 VND/USD, đưa tổng mức tăng từ đầu năm lên gần 5%. Như vậy, đợt sóng thứ hai trong năm 2024 của tỷ giá vẫn chưa “lặng”.

Kể từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến 2 đợt tăng sốc của tỷ giá USD/VND. Đầu tiên là trong quý II năm nay khi có thời điểm tỷ giá tăng tới 5% và nhiều phiên kịch trần. Ở thị trường tự do, tỷ giá USD/VND từng vượt ngưỡng 26.000 đồng – mức cao chưa từng thấy từ trước đến nay.

Sau nhịp giảm vào tháng 8 và tháng 9/2024, tỷ giá một lần nữa “nổi sóng” từ tháng 10 đến nay khi chỉ số Dollar Index (DXY) phục hồi. Tính đến ngày 12/12, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 4,68% so với đầu năm. Tuy vậy, điều đáng mừng là tỷ giá vẫn đang nằm trong mức kiểm soát 5% mà NHNN nói.

Nhìn lại, những yếu tố “ngoại sinh” đã góp phần đáng kể trong việc “tạo sóng” tỷ giá năm nay. Các điều chỉnh chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cộng với sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump khiến chỉ số DXY tăng mạnh, gây sức ép lên đồng nội tệ của các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ngoài mối tương quan với chỉ số DXY, diễn biến tỷ giá còn chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt các nhân tố khách quan khác.

Để “ghìm cương” tỷ giá, từ đầu năm đến nay, NHNN đã bán ra khoảng 6,5 – 7 tỷ USD. Tính riêng từ tháng 4 – tháng 7 (đợt sóng đầu tiên), Chứng khoán Rồng Việt ước tính NHNN đã phải bán ra khoảng 6,4 tỷ USD nhằm kiềm chế đà tăng của tỷ giá. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã sử dụng “công cụ” phát hành tín phiếu với mục đích hút ròng thanh khoản, kiểm soát dòng tiền trong hệ thống ngân hàng.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, những diễn biến phức tạp trên thị trường tiền tệ quốc tế đã tác động rất mạnh lên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, khiến câu chuyện ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trở nên rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, việc linh hoạt điều chỉnh chính sách tiền tệ và đảm bảo dự trữ ngoại hối ổn định sẽ đóng vai trò then chốt, giúp NHNN kiểm soát và duy trì sự vững vàng cho thị trường ngoại hối.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 8

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với XV Chương và 210 Điều. Chỉ chưa đầy sáu tháng sau, ngày 1/7/2024, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 chính thức đi vào thực tiễn với nhiều kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng.

Một trong những điểm nổi bật của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 là quy định hạ trần tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan, đồng thời mở rộng định nghĩa "người có liên quan”. Song song với đó, Luật cũng giảm dần giới hạn cấp tín dụng theo từng giai đoạn.

Thực tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sở hữu chéo trong ngành ngân hàng là hiện tượng nhức nhối, vốn đã tồn tại hàng chục năm nay với “ma trận” mối quan hệ tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Chính sự phức tạp trong cơ cấu sở hữu và hoạt động, đặc biệt là vấn nạn sở hữu chéo và thao túng, đã khiến một số ngân hàng trở thành “công cụ” của các sân sau, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho hệ thống và toàn nền kinh tế. Sự việc của Ngân hàng SCB chính là một ví dụ điển hình.

Chính vì vậy, những thay đổi mang tính đột phá của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã “chặt đứt” phần nào mối dây chằng chịt này. Theo PGS. Đào Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật Các tổ chức tín dụng 2024, đặc biệt là về sở hữu chéo.

Không dừng lại ở đó, một vấn đề gây tranh cãi lâu nay - việc ép buộc khách hàng mua bảo hiểm kèm khoản vay - cũng đã được Luật giải quyết. Quy định cấm các tổ chức tín dụng bán bảo hiểm không bắt buộc kèm theo khoản vay là một bước bảo vệ quyền lợi người đi vay, loại bỏ gánh nặng tài chính không cần thiết. Hơn nữa, các quy định mới về việc thắt chặt xét duyệt khoản vay tiêu dùng cũng mở ra một giai đoạn quản lý tín dụng hiệu quả hơn.

Luật còn bổ sung thêm quy định về việc NHNN có quyền can thiệp sớm vào khi có một số dấu hiệu như lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ vi phạm tỷ lệ an toàn tối thiểu (trong báo cáo tài chính kiểm toán hoặc kết luận thanh tra), xếp hạn dưới mức trung bình theo quy định, vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày liên tục, vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong 6 tháng liên tục, bị rút tiền hàng loạt…

Đáng chú ý, Điều 200 của Luật còn cho phép các tổ chức tín dụng được chuyển nhượng tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ. Trong bối cảnh áp lực nợ xấu tăng cao, Nghị định 42 về thu giữ tài sản đảm bảo hết hiệu lực, những quy định mới về xử lý tài sản đảm bảo, bao gồm dự án bất động sản, không chỉ tháo gỡ nút thắt pháp lý mà còn đẩy mạnh hiệu quả thu hồi nợ, giải quyết một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng nợ xấu.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 9

Sau 16 năm, Vietcombank lần đầu tiên trở lại ngôi vương về vốn điều lệ trong hệ thống ngân hàng khi Quốc hội chính thức chấp nhận chủ trương tăng vốn điều lệ vào chiều 30/11 vừa qua. Hiện, vốn điều lệ của ngân hàng quốc doanh này ở mức 83.557 tỷ đồng, theo sau là VPBank với hơn 79.300 tỷ đồng và Techcombank với hơn 70.400 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 10/2024, NHNN cũng đã phê duyệt quyết định tăng vốn điều lệ của Agribank lên 51.639 tỷ đồng. Đầu tháng 12 vừa qua, NHNN chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 11.971 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nâng vốn điều lệ của nhà băng này lên 68.975 tỷ đồng.

Nếu như ở thời điểm 16 năm trước, 4 ngân hàng quốc doanh chia nhau 4 vị trí dẫn đầu về vốn điều lệ thì đến thời điểm hiện tại, trong khi Vietcombank trở lại đầu bảng, 3 ngân hàng quốc doanh khác là BIDV, VietinBank và Agribank lần lượt nằm ở vị trí thứ 4, thứ 5 và thứ 7.

Mặc dù là một trong những “sếu đầu đàn” của ngành tài chính – ngân hàng nhưng vốn điều lệ hiện nay của nhóm ngân hàng quốc doanh (trừ Vietcombank) không có sự cách biệt lớn so với một số ngân hàng TMCP khác như MB, ACB hay SHB, thậm chí còn thấp hơn VPBank và Techcombank.

Khác với câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng TMCP, việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh, hay còn gọi là Big4, lại gian nan hơn rất nhiều. Vì lẽ đó, không ít lần lãnh đạo các ngân hàng quốc doanh lên tiếng muốn thay đổi quy trình tăng vốn.

Trong một hội nghị mới đây, Tổng Giám đốc Agribank một lần nữa kiến nghị các cấp có thẩm quyền có cơ chế riêng cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Vietcombank cũng đề nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận để lại hàng năm để nhà băng cải thiện các hệ số an toàn và khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, các ngân hàng quốc doanh giống như những “cánh tay nối dài” của NHNN trong thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng như cấp tín dụng, tài trợ cho các dự án trọng điểm của Chính phủ, thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội hay nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng.

“Chính vì thế, việc xây dựng một chiến lược tăng vốn dài hơi cho ngân hàng quốc doanh là rất cấp thiết. Không chỉ giúp các ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động, việc có một cơ chế tăng vốn linh hoạt cho các ngân hàng quốc doanh là bước đi cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu đưa ngân hàng Việt Nam lọt top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á mà Chính phủ đã đề ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 10

Trước thềm đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 28/11, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) bị bủa vây bởi loạt tin tức “không mấy tích cực” mà ngay sau đó, ngân hàng đã phải lên tiếng là “thất thiệt” và “vô căn cứ”.

Tuy vậy, đại hội đồng cổ đông của Eximbank vẫn diễn ra thành công khi thông qua 4/6 tờ trình, trong đó thông qua 2 quyết định quan trọng là chuyển trụ sở chính ra Hà Nội và miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT và một thành viên của Ban kiểm soát.

Với quyết định này, HĐQT Eximbank hiện còn 5 thành viên, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh và các thành viên là bà Đỗ Hà Phương, ông Trần Tấn Lộc, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng. Đồng thời, trụ sở chính của ngân hàng cũng chuyển từ TP. Hồ Chí Minh sang địa điểm mới là Số 27 - 29 Lý Thái Tổ, Phường Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Có thể nói đây đều là 2 quyết định gây tranh cãi rất nhiều. Đầu tiên, biến động về nhân sự cấp cao – vốn là “chuyện thường ở huyện” – lại trở thành “đặc điểm nhận dạng” của ngân hàng Eximbank. Bởi mỗi khi nhắc đến Eximbank, điều người ta nhớ nhiều nhất là những lần “đổi ghế” lãnh đạo cấp cao, thậm chí, trong vòng 10 năm, Eximbank đã có tới… 9 lần thay Chủ tịch HĐQT.

Theo nhận định của TS Lê Bá Chí Nhân, ngân hàng cũng giống như 1 doanh nghiệp, mà ở đó dù là thành viên HĐQT hay thành viên BKS, nếu làm việc không hiệu quả thì cổ đông có quyền đề xuất miễn nhiệm. “Hoạt động của ngân hàng phụ thuộc vào cả một hệ thống chứ không phụ thuộc vào một vài cá nhân”, ông nói.

Với quyết định “Bắc tiến”, đưa trụ sở ra Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cho biết, việc chuyển trụ sở chính ra Hà Nội là nhằm mục đích thương hiệu Eximbank phủ kín toàn quốc, tăng độ nhận diện thương hiệu miền Bắc, phát triển các mảng kinh doanh, logistics, hạ tầng, không riêng tài chính.

Những năm qua, Eximbank, từ một thương hiệu mạnh trong ngành ngân hàng thời kỳ đổi mới, đã dần “mờ nhạt” hơn. Trong khi các ngân hàng bạn đã “tăng trưởng và đi khắp mọi miền Tổ quốc” thì “số lượng khách hàng của Eximbank vẫn không đổi sau 10 năm, dừng ở mức 2,4 triệu khách hàng” như ông Hải đã thừa nhận trong cuộc họp.

Sau 35 năm hoạt động, quyết định Bắc tiến của Eximbank có thể được xem là sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt, thể hiện quyết tâm tái cơ cấu mạnh mẽ. Theo nhận định của giới tài chính, sự thay đổi mạnh mẽ từ ban điều hành cũng như việc chuyển trụ sở sẽ mang đến những tác động tích cực cho chiến lược phát triển lâu dài của Eximbank.

Tạm gác những vấn đề này qua một bên, bức tranh tài chính của Eximbank cũng đã ghi nhận nhiều điểm sáng trong năm 2024. Mới đây nhất, NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 17.470 tỷ đồng lên 18.688 tỷ đồng. Cùng với đó, trong quý III/2024, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, Eximbank đạt gần 2.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà phát triển này, kỳ vọng của Eximbank về việc bắt kịp nhóm ngân hàng dẫn đầu trong vòng 3 năm tới đang ngày càng gần hơn với hiện thực.

Top 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2024 - Ảnh 11

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đề án này nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong Đề án này, ngành ngân hàng nhận nhiệm vụ trở thành “chủ lực cho vay”. Chương trình cho vay bao gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030. Đại diện Agribank cho hay, ngân hàng “đã sẵn sàng mọi điều kiện để phục vụ nguồn vốn của Đề án, cung cấp dịch vụ quản lý nguồn chi trả cho các đơn vị tham gia dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng của Đề án”.

Ngoài Agribank, NHNN cũng khuyến khích sự tham gia đồng tài trợ từ nhiều ngân hàng khác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi mở rộng diện tích canh tác, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu gạo…

Tham gia Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được xem là “chuyển động” đáng chú ý của ngành ngân hàng trong nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh, tín dụng bền vững trong năm 2024.

Bên cạnh đề án này, nhiều ngân hàng cũng đã nỗ lực đẩy mạnh cho vay xanh với các khoản vay nhiều ưu đãi. Điển hình là ACB với gói tín dụng xanh, xã hội trị giá 2.000 tỷ đồng, ưu tiên tài trợ cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh thuộc danh mục xanh hoặc thuộc danh mục xã hội như năng lượng tái tạo (điện mặt trời); sử dụng năng lượng hiệu quả; công trình xanh; giao thông vận tải sạch... Mức lãi suất của gói tín dụng xanh này chỉ từ 6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, được miễn giảm phí trả nợ trước hạn.

Đồng thời, trong năm 2024, các ngân hàng liên tục bắt tay với các tổ chức quốc tế nhằm tranh thủ nguồn vốn tài trợ các dự án tín dụng xanh, cam kết giảm mức phát thải.

Trong tháng 4/2024, Ngân hàng Standard Chartered công bố việc ký kết bản ghi nhớ với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về việc hợp tác để huy động đầu tư tư nhân vào các hệ thống năng lượng tiên tiến như điện mặt trời áp mái, hiện đại hóa hệ thống lưới điện và thúc đẩy các sáng kiến về mua bán điện.

Ngân hàng UOB Việt Nam cũng ký kết thỏa thuận tài trợ thương mại xanh với Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), trong đó cam kết cấp một khoản tín dụng ngắn hạn giúp Betrimex nhập khẩu hoặc mua nguyên vật liệu thô, hàng hóa trong nước để sản xuất các sản phẩm có chứng nhận Organic.

Trước đó, Ngân hàng OCB cũng ký kết thỏa thuận với IFC về tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Là một kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế và đóng vai trò chính yếu trong việc "xanh hóa" dòng vốn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ngành ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh. Tuy nhiên, để có thúc đẩy tín dụng xanh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, những trở ngại hiện nay như thiếu khung pháp lý và chính sách cụ thể (như về thuế, phí, hay vốn ưu đãi) liên quan đến tài chính xanh và tài chính bền vững cần phải sớm được giải quyết.

Theo VietnamFinance