Doanh nghiệp bất động sản đồng loạt xin “khất nợ” trái phiếu đến hạn

Kể từ thời điểm đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn.

Hơn 119.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào năm 2023

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 31/01/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu nào được thực hiện trong năm 2023.

Trong khi đó, trong tháng 1, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 8.068 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, giá trị lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán trong tháng 1/2023 là gần 17.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỉ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỉ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn).

Thống kê cũng cho thấy, trong cả năm 2023 sẽ có khoảng 285.178 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn rơi vào hơn 119.000 tỷ đồng.

Chi tiết giá trị TPDN đáo hạn trong năm 2023 (Nguồn: VBMA).  
Chi tiết giá trị TPDN đáo hạn trong năm 2023 (Nguồn: VBMA).  

Có thể thấy, giai đoạn giữa năm nay sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn.

Đồng thời, lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 có thể cũng sẽ gây áp lực trả nợ không nhỏ lên các doanh nghiệp phát hành, khi trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023).

Bên cạnh đó, các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn.

Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 và 341.270 tỷ đồng. “Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu”, FiinGroup nhận định. Doanh nghiệp đồng loạt xin giãn nợ trái phiếu

Kể từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán trái phiếu đến hạn, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án bán tài sản trả nợ.

Đơn cử như Công ty cổ phần Angimex, mới đây, công ty này đã tổ chức Hội nghị chủ sở hữu trái phiếu để thông báo với trái chủ kế hoạch bán tài sản, trả nợ trái phiếu.

Trước đó, Công ty cho biết, đã mất khả năng thanh toán với 2 lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 350 tỷ đồng, 300 tỷ đồng và dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm, tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động… để trả nợ.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải thanh toán khoản trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư vào ngày 30/12/2022 (gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng), song không thể trả nợ đúng hạn cho nhà đầu tư. Công ty cho biết, đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn và kéo dài thời gian trả gốc, lãi, thời điểm thanh toán chưa được Công ty công bố.

Lãnh đạo Đức Long Gia Lai cho hay, do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán cho trái chủ.

Hay CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn đối với mã trái phiếu HAGLBOND16.26 với tổng giá trị cần trả cho trái chủ hơn 1.021 tỷ đồng.

Lô trái phiếu này có lịch trả nợ vào ngày 30/12/2022, số tiền thanh toán gốc là 881 tỷ và tiền lãi hơn 140 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty xin dời thời hạn thanh toán sang quý II/2023, với lý do chưa thu hồi được tiền nợ từ HAGL Agrico (đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên với ngân hàng) và thanh lý tài sản.

Mới nhất, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (Vina2; HNX: VC2) vừa công bố nghị quyết về kế hoạch thanh toán gốc, lãi của trái phiếu VC2H2122001 thêm một năm.

Cụ thể, lô trái phiếu VC2H2122001 là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu và khối lượng phát hành là 1.500 trái phiếu, tương ứng với tổng giá trị phát hành 150 tỷ đồng.

Trái phiếu được phát hành ngày 27/10/2021, có kỳ hạn một năm, tức đáo hạn ngày 27/10/2022 và lãi suất 11,5% năm, kỳ trả lãi mỗi 6 tháng.

Hiện tại, số lượng còn lưu hành là 1.187 trái phiếu, tương ứng nợ gốc gần 119 tỷ đồng. Vina2 có nghĩa vụ phải trả toàn bộ số nợ gốc (118,7 tỷ đồng) và toàn bộ lãi còn lại phát sinh cho trái chủ (lãi phát sinh là lãi quá hạn được tính bằng 150% lãi suất công bố, tức 17,25%).

Thủ tướng chỉ đạo “nóng”

Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Khẩn trương tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2023.

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành tỷ giá phù hợp; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển