Năm 2022 đánh dấu giai đoạn phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm "đóng băng" do đại dịch. Tần suất chuyến bay nội địa đã quay trở lại mức năm 2019. Theo công bố từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và thậm chí tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không tại Việt Nam đã chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và mở rộng đường bay tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Đây là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh thị trường quốc tế có tốc độ hồi phục chậm do nhiều quốc gia, khu vực vẫn đang áp dụng các quy định hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Theo đà phục hồi của ngành du lịch, hoạt động của thị trường khách sạn cũng được cải thiện. Báo cáo mới nhất của Savills đã ghi nhận công suất thuê phòng tại Hà Nội trung bình tăng 16 điểm phần trăm theo năm, so với mức 27% của cùng kỳ 2021. Tại TP.HCM, công suất trung bình cũng đạt 39%, tăng lên từ mức 18% của cùng kỳ 2021.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, cho biết thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động sôi động trở lại. Một số khách sạn trong thành phố đã cải thiện công suất nhờ nhu cầu di chuyển và công tác của các khách du lịch và chuyên gia tới Việt Nam.
Một số thị trường mới như Ấn Độ đã xuất hiện loại hình du lịch giải trí. Các thị trường nghỉ dưỡng ven biển có tỷ lệ lấp đầy cao, đặc biệt là đối với phân khúc hạng sang. Tuy nhiên, các dự án lớn nhưng có vị trí không đẹp đã gặp khó khăn. Thị trường sẽ được phân hóa rõ rệt, với sự chú trọng vào chất lượng hơn số lượng.
Có thể nói, tín hiệu tốt từ dòng khách du lịch trong và ngoài nước được xem là “cú hích” quan trọng cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sau 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá phân khúc BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam đang sở hữu nhiều tiềm năng phát triển, do có điều kiện hạ tầng du lịch tốt, lượng khách tăng trưởng 10 - 15%/năm, nằm trong top 3 thị trường du lịch phát triển năng động, nhanh nhất.
Hiện nay, cả nước có trên 300.000 sản phẩm BĐS du lịch gồm condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng… đang được vận hành bởi nhiều chủ đầu tư khác nhau; các doanh nghiệp đang đầu tư số vốn khổng lồ vào thị trường này với khoảng trên 600.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD).
Ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho biết, nửa đầu năm 2022 có gần 60 dự án BĐS nghỉ dưỡng tăng cao so với năm 2021.
Trong đó, phân khúc tập trung vào biệt thự nghỉ dưỡng với 26 dự án (2.776 căn); Nhà phố và shophouse nghỉ dưỡng là 23 dự án với 5.145 căn và loại hình condotel là 8 dự án với 1.591 căn.
Về mặt bằng giá, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng giá vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước với mức từ 9- 40%. Trong đó, tăng mạnh nhất là Nhà phố và shophouse với 30- 40%; biệt thự nghỉ dưỡng tăng 11- 28%; condotel là 9- 15%.
Trên thực tế, thời gian qua khi cả thị trường đang dồn sự chú ý và chờ đợi Luật Đất đai 2013 sửa đổi, bổ sung về tính pháp lý của condotel, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không đưa quy định về condotel vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này khiến không ít thành viên trên thị trường hụt hẫng.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, pháp lý rõ ràng là vấn đề mang tính then chốt đối với sự phát triển của thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Việc BĐS nghỉ dưỡng không được quy định trong luật sẽ kéo lùi sự phát triển của hạ tầng ngành du lịch. Điều này đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế xanh ở nước ta, lãng phí tiềm năng dồi dào của du lịch. Cơ sở lưu trú thiếu thốn, yếu kém, thì tiềm năng du lịch tốt mấy cũng khó phát triển.
“Rõ ràng, đây là nhu cầu có thực của thị trường, nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa giải quyết thấu đáo. Nếu sửa Luật Đất đai lần này không giải quyết được, thì thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục bị ‘cùm chân’ như thời gian qua”, ông Đính nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VNGroup chia sẻ, mặc dù có nhiều bộ luật, có từ 10 - 16 bộ luật điều chỉnh liên quan đến bất động sản nhưng các thủ tục pháp lý đến bất động sản nói chung và du lịch nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi là đơn vị trực tiếp thực hiện dự án BĐS nên hiểu rõ được những vướng mắc về vấn đề pháp lý của lĩnh vực này. Như chúng ta thấy, trong một dự án có ba bước, đó là khảo sát, nghiên cứu phân tích tính khả thi; hoàn thiện thủ tục pháp lý; xây dựng, đầu tư và khai thác vận hành”, ông Thành nói.
Trong khi đó, mỗi một địa phương đều có đặc thù khác nhau. Lấy ví dụ thực tế mà chúng tôi trải qua, khi chúng tôi đầu tư dự án tương tự tại Bình Thuận với các quy trình, nhưng khi chạy được hơn nữa quãng đường thì phải dừng do liên quan đến khoáng sản, do cát của Bình Thuận có nhiều titan. Muốn chuyển cát ra ngoài phải thực hiện quy trình liên quan đến khoáng sản, chứ chưa nói đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất.
Thứ hai, liên quan đến BĐS nghỉ dưỡng, 14 năm theo đuổi lĩnh vực này, chúng tôi thấy rằng, các bộ luật điều chỉnh BĐS nghỉ dưỡng nhiều lần sửa nhưng vẫn chưa rõ ràng.
“Theo đó, với những bất cập của BĐS nghĩ dưỡng hiện nay, với doanh nghiệp, chúng tôi luôn muốn BĐS nghỉ dưỡng có một danh phận, tháo gỡ cả điểm nghẽn cơ chế cho loại hình này”, vị chủ tịch VNGroup nhấn mạnh.
Cùng nói về vấn đề này, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, việc này đã được tranh luận nhiều lần. Nhiều cuộc hội thảo cũng đã đề cập đến nhưng chưa giải quyết được thì vẫn phải đề cập lại. Ở đây, không chỉ là dòng vốn trong 1 lĩnh vực mà gây ra nhiều vấn đề trong xã hội.
Trong thời buổi hiện nay, lịch sử câu chuyện Condotel, mấy năm qua dịch Covid-19 nén lại, bao nhiêu vốn của đất nước bị chôn ở đây, không giải tỏa được và nay tưng bừng trở lại. Người dân góp vốn 2- 3 tỷ USD, mấy năm không lấy lại thì rất vất vả từ câu chuyện lãi suất đến thu nhập.
Hệ thống luật với vấn đề này sẽ có sự xung đột. Mặc dù chúng ta đã nỗ lực thay đổi rất nhiều. Bản chất của chúng ta ở đây chính là từ nền kinh tế, đặc biệt là bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, Condotel biến đổi nhanh, dẫn đến xung đột cao và biến đổi mạnh. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận vấn đề này là bình thường và thực tế đây là vấn đề bình thường và chúng ta bình tĩnh tìm cách tháo gỡ, chứ không nên bức xúc quá.
Hệ thống luật có vấn đề nghiêm trọng. Đó là chồng chéo, xung đột, các sửa đổi luật của chúng mang tính tháo gỡ, tức là bổ sung và bổ sung dẫn đến tính xung đột, tranh chấp trong hệ thống luật, chúng ta giải quyết được điểm này lại dẫn đến xung đột với điểm khác.
Một rừng luật, rối rắm phức tạp, khó khăn và cũng tương tự đối với hệ thống luật bất động sản. Như luật đất đai được sửa đổi nhiều nhất. 7-8 năm sửa một lần và vẫn chưa sửa hoàn chỉnh.
“Tóm lại, vấn đề cần xử lý ở đây sao cho không chồng chéo và cần xây dựng luật nền tảng, luật cơ bản”, ông Thiên nhấn mạnh.
Bình Thuận vẫn luôn được biết đến là điểm du lịch biển hiếm hoi tận dụng được cả giao thông đường bộ và hàng không phục vụ triệt để cho du lịch.
Về tài nguyên, Bình Thuận có hơn 30 điểm danh thắng nổi tiếng, nước biển trong, cát mịn, bãi thoải kéo dài 192km đường bờ biển, khai thác kinh tế du lịch quanh năm với hơn 300 ngày nắng ấm.
Về vị trí, đây là điểm du lịch biển hiếm hoi tận dụng được cả giao thông đường bộ và hàng không phục vụ triệt để cho du lịch. Trong đó, lợi thế nổi trội là đón đầu nhu cầu nghỉ dưỡng thường xuyên của du khách Đông Nam Bộ - thị phần đông dân và kinh tế số 1 cả nước. Thu hút khách phía Bắc qua sân bay Phan Thiết và khách quốc tế qua sân bay Long Thành – cảng hàng không quy mô bậc nhất Đông Nam Á. Trong đó, khu vực Kê Gà hưởng lợi lớn vì có khoảng cách đến TP.HCM chỉ gần 2 giờ di chuyển sau khi hoàn thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cách sân bay Long Thành 1 giờ…
Về quy hoạch, Bình Thuận xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia trong năm 2030.
Có thể thấy, dự án sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Phan Thiết kể từ khi xuất hiện đã làm bật tăng giá trị bất động sản của Bình Thuận, đặc biệt là khu vực Phan Thiết. Ngoài động lực sân bay, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sẽ về đích trong năm 2022 càng khiến thị trường BĐS ở đây được nhà đầu tư săn đón và Bình Thuận sẽ tiếp tục đón làn sóng đầu tư Phan Thiết vào thời gian tới.
Về giá BĐS tại nơi này, theo số liệu từ CBRE, Bình Thuận thuộc top thấp so với các thị trường như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, hay Bà Rịa Vũng Tàu. Do đó, trong thời gian tới, với nhiều đòn bẩy từ hạ tầng, giai đoạn 2022-2025 mặt bằng giá này được dự báo tiếp tục giữ vững nhịp tăng trưởng để tiệm cận cùng các thị trường truyền thống.
Lý giải về sức hút của BĐS nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Đính cho hay, cách đây 5 - 7 năm, Thanh Hóa, Bình Định chưa có gì nhưng tại sao bây giờ lại "sốt"? Vì có chủ trương quyết liệt đầu tư, có những “đại bàng”, “cá mập” vào "làm tổ", tạo ra giá trị, tạo ra động lực lan tỏa, lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp, thứ phát… tạo ra sức đầu tư mạnh, thay đổi hẳn diện mạo địa phương. Tại Thanh Hóa, có những khu vực trước đây 50 triệu đồng/ha nhưng bây giờ 50 triệu đồng/m2.
Vùng Duyên hải Nam Bộ, Nam Trung Bộ, trước đây có Đà Nẵng thời sơ khai (năm 2010) giá hơn 10 triệu đồng/m2 ở khu vực cảng biển, nhưng bây giờ cả vùng Đà Nẵng đã phát triển khủng khiếp, giá lên 300 triệu đồng. Đà Nẵng và Nha Trang đã bùng nổ, là cơ hội cho những tỉnh thành khác, vùng khác phát triển. Điển hình như Bình Thuận đã biết tận dụng nhanh kết nối không gian, thời gian… đề xuất xây sân bay, tận dụng đầu tư công thúc đẩy xây cao tốc, vùng tiếp giáp Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn, cộng hưởng với đó.
Đô thị du lịch rất phù hợp với xu hướng phát triển du lịch - ngành mũi nhọn của nước ta. Việt Nam tiến tới là quốc gia du lịch, đón hàng chục triệu du khách quốc tế. Nếu không có hạ tầng, không có khu du lịch đồng bộ giá trị cao thì không thể làm được điều đó.
Bình Thuận đã tận dụng được những điều đó để hướng đến sau này có thể đón được vài chục triệu khách quốc tế. Những vị khách chất lượng, cao cấp đòi hỏi cơ sở hạ tầng cũng chất lượng, đẳng cấp.
Tính đến tháng 7/2022, toàn tỉnh Bình Thuận có 382 dự án đầu tư du lịch (trong đó có 188 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh) với tổng vốn đăng ký 70.000 tỷ đồng, tổng diện ích đất 6.300 ha. Du lịch Bình Thuận, đặc biệt là thành phố Phan Thiết đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch quốc gia, trở thành thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế. Theo dự báo của các chuyên gia, khi sân bay Phan Thiết được đưa vào vận hành, du lịch Bình Thuận sẽ đạt được các mục tiêu lớn của mình và lặp lại kỳ tích của Phú Quốc cách đây 7 năm.
Lũy kế 7 tháng năm 2022 lượt khách du lịch ước đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 67,3% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch lũy kế 7 tháng năm 2022 ước đạt 5.417,2 tỷ đồng, tăng 38,58% so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể nói, sự tăng trưởng đột phá của du lịch sau khi có cao tốc, sân bay là yếu tố quan trọng thúc đẩy Bình Thuận trở thành thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng giàu tiềm năng. Tuy nhiên, tạo nên sự bùng nổ của du lịch, kinh tế Bình Thuận phải ghi nhận sự xuất hiện của nhiều dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng được quy hoạch và phát triển bài bản.
Quy mô nhất có thể kể đến đô thị du lịch nghỉ dưỡng NovaWorld Phan Thiet đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà đầu tư bởi hệ sinh thái hàng trăm tiện ích du lịch, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, mua sắm đẳng cấp quốc tế. Ngày 31/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác chính phủ đã tới tham quan đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet.
Thủ tướng cho rằng, NovaWorld Phan Thiet là một dự án lớn với nhiều chức năng và tiện nghi đẳng cấp quốc tế. Dự án có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch của tỉnh Bình Thuận trong tương lai và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, vì vậy Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn phải phát triển du lịch với cách làm riêng biệt, đặc trưng, hài hoà với thiên nhiên, môi trường.
Dự án NovaWorld Phan Thiet có quy mô 1.000 ha, với tổng mức đầu tư gần 5 tỷ USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, NovaWorld Phan Thiet đã ngày càng gây ấn tượng hơn với nhiều điểm nhấn mới, khẳng định vị thế của một tổ hợp “all in one” đẳng cấp, phân khu Florida mang phong cách Mỹ đã hoàn thiện và được bàn giao.
Công viên trò chơi Circus Land từ khi khai trương vào tháng 7 đến nay đã đón hơn hàng trăm nghìn lượt khách đến vui chơi, trải nghiệm. Khu phức hợp thể thao NovaWorld Sport Complex bao gồm Citigym, Citispa, sân tennis bên cạnh cụm sân golf PGA 36 hố đã hoàn thiện cũng là những tiện ích được ưa chuộng.
Đại diện Novaland nhận xét, Phan Thiết hội tụ đủ các yếu tố như bãi biển đẹp, khí hậu ôn hòa, nhiều di tích lịch sử và văn hóa đặc sắc để trở thành điểm đến du lịch hàng đầu khu vực và thế giới, đặc biệt là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội họp, triển lãm) và du lịch Wellness (du lịch chăm sóc sức khỏe). Trong đó, NovaWorld Phan Thiet với hệ tiện ích đa dạng, đẳng cấp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách hàng sẽ trở thành điểm dừng chân lý tưởng, thu hút du khách đến Bình Thuận trong thời gian sắp tới.
Không chỉ dừng lại ở hệ tiện ích đáp ứng nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng, NovaWorld Phan Thiet còn có thêm sức hút nhờ sức bật từ hạ tầng khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang chuẩn bị hoàn thành vào cuối năm nay, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến Phan Thiết, Bình Thuận chỉ còn chưa đến 2,5 giờ.
Sau sự thành công của NovaWorld Phan Thiet, Novaland tiếp tục với siêu dự án NovaWorld Mui Ne - Marina City được định hướng trở thành "Thành phố Vịnh du thuyền - Điểm đến quốc tế" sắp ra mắt. Dự án quy mô lên đến 800ha sở hữu vịnh du thuyền quốc tế sức chứa lên đến 1.000 chiếc, cách sân bay Phan Thiết chỉ 10 phút lái xe hứa hẹn sẽ là sức hút mới cho du lịch Bình Thuận.
Có thể nói, sự góp mặt của các dự án tầm cỡ như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Mui Ne… không chỉ góp phần trở thành động lực lớn tăng trưởng của ngành du lịch địa phương mà còn tạo đà cho ngành du lịch Việt Nam vươn xa trên bản đồ du lịch quốc tế.
Nội dung: An Nhiên
Thiết kế: Quang Anh