Năm 2024 khép lại với những bước tiến quan trọng trong công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dù phải đối mặt với không ít thách thức. Trong bối cảnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, lạm phát duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt "đảo chiều" chính sách tiền tệ, trong khi nền kinh tế trong nước chưa hoàn toàn phục hồi, ngành ngân hàng vẫn ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực.
Hai ngân hàng "0 đồng" đã được chuyển giao bắt buộc, khẳng định nỗ lực mạnh mẽ trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tỷ giá, dù trải qua nhiều đợt sóng lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Quan trọng hơn, ngành ngân hàng tiếp tục giữ vững vai trò mạch máu của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để thúc đẩy tăng trưởng.
Không dừng lại đó, năm 2024 còn chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển tín dụng xanh. Từ dự án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đến chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP hay thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – ngành ngân hàng đã và đang tiên phong hỗ trợ nền kinh tế xanh. Những mô hình tín dụng sáng tạo này không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn mà còn gắn chặt với mục tiêu phát triển bền vững, mở ra lộ trình xanh hóa toàn hệ thống.
Với nền tảng vững chắc đã được đặt trong năm 2024, năm 2025 được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng cho những cú hích đột phá của ngành ngân hàng.
Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng mới đây, NHNN đã giao nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025. Nếu hoàn thành chỉ tiêu, đây sẽ là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây. Đồng nghĩa với dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế sẽ vượt 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2025, cho thấy quyết tâm của NHNN để đạt được mức tăng trưởng tín dụng trong năm tới là rất lớn.
Mức tăng trưởng 16% mà NHNN đề ra “trùng khớp” với những dự báo mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nhiều nhận định đều lạc quan rằng, mục tiêu 16% không hẳn là bất khả thi khi năm 2025 hứa hẹn sẽ có nhiều “chất xúc tác” tích cực cho tăng trưởng tín dụng.
Những diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2025 được cho là khác biệt với những năm trước đó khi những “trụ cột” như xuất khẩu, tiêu dùng,… đều đang đón loạt tín hiệu tích cực, dần phục hồi và cải thiện từ nửa sau của năm 2024. Chưa kể, việc Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia như NVIDIA cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu vốn trong năm 2025.
Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia phân tích, hai yếu tố chính định hình nên bức tranh tín dụng năm 2025 là sự phục hồi của thị trường bất động sản và sự tăng tốc trong giải ngân đầu tư công.
Theo các chuyên gia VCBS, tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong 2025 nhờ thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục sau khi 3 luật liên quan có hiệu lực và các khó khăn về pháp lý dần được tháo gỡ, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội, trong điều kiện tiếp tục được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp.
Nhờ đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng vào kênh kinh doanh bất động sản để gia tăng nguồn cung bất động sản trong tương lai, từ đó thúc đẩy cầu vay mua nhà để ở/đầu tư.
Ở chiều còn lại, việc giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về phía các ngân hàng, việc NHNN tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng chủ động điều chỉnh hạn mức tín dụng dựa trên xếp hạng tín nhiệm và tuân thủ các hệ số an toàn vốn, mà không cần chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý cũng sẽ là cú hích lớn giúp nâng cao tính linh hoạt trong hoạt động ngân hàng, mà còn tạo điều kiện để dòng vốn luân chuyển nhanh chóng đến những lĩnh vực ưu tiên.
Nhờ đó, nhu cầu vốn cấp thiết của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng kịp thời, góp phần duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ổn định và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bức tranh chung lạc quan đó, mức tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ có sự phân hóa tại các ngân hàng. Theo giới phân tích, những ngân hàng sử dụng phần lớn hạn mức tín dụng được cấp trong năm 2024 có khả năng đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn vào năm 2025. Việc sử dụng hết hạn mức tín dụng này không chỉ phản ánh khả năng đáp ứng nhu cầu vốn hiệu quả mà còn giúp các ngân hàng có lợi thế lớn hơn trong việc được cấp thêm hạn mức tín dụng cho năm 2025, tạo điều kiện thuận lợi để duy trì đà tăng trưởng.
Theo nhận định của VCBS, NIM (biên lãi ròng) sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường hai. Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM.
Một điểm tích cực khác là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có thể tiếp tục được cải thiện bởi xu hướng thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA), có chất lượng tài sản tốt, tập khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng, các chuyên gia VCBS nhận định.
Trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng tích cực, lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo sẽ tăng 15% trong năm 2025. Tuy nhiên, cũng như tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng. Các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12% trong năm 2025, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ khiêm tốn 8%.
Trong khi đó, nợ xấu cũng được cho là đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro có dấu hiệu cải thiện từ cuối quý III/2024. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hệ thống ngân hàng đi ngang đạt 2,2% trong 3 quý liên tiếp. Tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) liên tục giảm còn 1,7%. Tỷ lệ nợ gốc tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước tương đối thấp, ước tính dưới mức 0,5%. Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC của các ngân hàng niêm yết ở mức 0,2%.
Khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024, phần nợ tái cơ cấu sẽ được đánh giá lại và có nguy cơ chuyển thành nợ xấu nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện thanh toán thông thường, tạo ra áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, với nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã cải thiện, đơn hàng phục hồi, và dòng tiền được khơi thông, có cơ sở để lạc quan rằng nhiều khoản nợ tái cơ cấu sẽ không chuyển thành nợ xấu mà trở lại nhóm nợ thông thường trong năm 2025. Nhờ đó, góp phần giảm thiểu rủi ro tài chính và duy trì sự ổn định cho ngành ngân hàng.
Hơn nữa, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II và triển khai Basel III vào cuối năm 2025 là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để chuẩn hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng mà còn giúp các ngân hàng tăng cường sức mạnh chống chịu trước những cú sốc tài chính bất ngờ, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển lâu dài của hệ thống tài chính trong nước.
Trong một sự kiện gần đây, các chuyên gia FiinGroup nhận định, Xanh và Số tiệp tục là hai động lực chính của ngành ngân hàng trong năm 2025 và những năm tới.
Bà Nguyễn Chi, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao, FiinGroup, nhận định: “Chuyển đổi số cũng như chuyển đổi xanh thực sự là 2 ‘động cơ’ cho sự tăng trưởng bền vững của các ngân hàng. Quá trình chuyển đổi kép này không chỉ định hình lại ngành ngân hàng mà còn mang đến những cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư”.
Thời gian tới, các ngân hàng vẫn sẽ tăng ngân sách của họ về mặt chuyển đổi số, chẳng hạn như đối với một số lĩnh vực như AI hoặc máy học để họ có thể nâng cao sự hài lòng của khách hàng, bà Chi cho hay.
Đồng quan điểm, trong báo cáo “Tổng quan ngành ngân hàng 2024 và xu hướng phát triển 2025” của Ngân hàng MB, các chuyên gia phân tích nhận định chuyển đổi số đã tạo nên những thay đổi rõ rệt của ngành ngân hàng, đặc biệt là trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Trong năm 2025, xu hướng ngân hàng tại Việt Nam sẽ xoay quanh việc gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển trải nghiệm khách hàng toàn diện qua các kênh số Việt Nam đang trong quá trình xây dựng khuôn khổ mã QR quốc gia của riêng mình.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các ngân hàng được cho là sẽ tập trung vào 5 chiến lược đổi mới, bao gồm phát triển Super App (tích hợp dịch vụ tài chính toàn trên trên một nền tảng), hợp tác với Fintech nhằm mở rộng hệ sinh thái tài chính số, cải thiện trải nghiệm người dùng, ứng dụng công nghệ tiên tiến (đầu tư vào Big Data và AI để phân tích hành vi khách hàng, tối ưu hóa dịch vụ) và tăng cường giáo dục tài chính.
Tuy vậy, sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam đi đôi với những yêu cầu ngày càng cao về bảo mật dữ liệu và phòng chống tội phạm tài chính. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ bảo mật tiên tiến như mã hóa end-to-end, xác thực sinh trắc học và AI để phát hiện các nguy cơ tội phạm mạng. Việc đầu tư mạnh vào an ninh mạng không chỉ giúp bảo vệ khách hàng mà còn củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng số, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn của ngành.
Cùng với đó, bước sang năm 2025, chuyển đổi xanh vẫn sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo khi các ngân hàng không chỉ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bảo vệ môi trường mà còn tìm cách thúc đẩy các sản phẩm tài chính bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường và các yêu cầu từ phía khách hàng, nhà đầu tư.
Năm 2025, một ngân hàng bền vững không chỉ cần đảm bảo hoạt động tài chính ổn định mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Các ngân hàng hàng đầu đã bắt đầu cung cấp các khoản vay xanh và các sản phẩm đầu tư thân thiện với môi trường nhằm hỗ trợ các dự án bền vững và phát triển năng lượng tái tạo.
Nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV và MB đã hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nâng cao năng lực triển khai và xây dựng kinh nghiệm quản trị rủi ro trong tài chính xanh.
Một số ngân hàng cũng đang xây dựng những nền tảng kỹ thuật số hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm tài chính xanh, từ tín dụng tiêu dùng xanh đến các khoản vay đầu tư vào công nghệ sạch,...
“Ngành ngân hàng ngày càng nhận thức rõ về tiềm năng to lớn mà xu hướng phát triển bền vững mang lại. Bằng cách triển khai các sản phẩm tài chính ưu đãi dành riêng cho các dự án xanh, các ngân hàng không chỉ tạo dựng hình ảnh vững mạnh và có trách nhiệm với cộng đồng, mà còn nắm bắt cơ hội gia tăng lợi nhuận bền vững trong dài hạn.
Đây là cơ hội để ngân hàng không chỉ đóng góp vào nền kinh tế xanh mà còn đón đầu xu thế toàn cầu, nơi các tổ chức tài chính với tầm nhìn dài hạn sẽ có lợi thế vượt trội trong việc thu hút nguồn vốn, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến môi trường và xã hội”, các chuyên gia nhận định.