Từ 1/1/2025: Những trường hợp không thể rút tiền tại quầy ngân hàng
Khách hàng cá nhân có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng sẽ không thể thực hiện rút tiền tại quầy kể từ hôm nay (1/1/2025).
Nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank, Agribank, Sacombank, SHB, Cake by VPbank, MB … đã đưa ra thông báo cho biết từ ngày 1/1/2025, khách hàng doanh nghiệp, khách hàng tổ chức không thể thực hiện giao dịch thanh toán, rút tiền tại quầy giao dịch nếu giấy tờ tùy thân hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng.
Việc này căn cứ Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 và Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Thông tư 18 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng không thể sử dụng chứng minh nhân dân (bao gồm loại 9 số và 12 số) để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng. Đồng thời, khách hàng phải đảm bảo các giấy tờ như căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu hoặc thị thực phải còn hiệu lực và được cập nhật đầy đủ trong hệ thống ngân hàng.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, khách hàng cá nhân chưa cập nhật bổ sung thông tin mới thay thế cho giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực sẽ không thực hiện được giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán, giao dịch đối với thẻ tại tất cả các kênh giao dịch (bao gồm: giao dịch trực tiếp tại các chi nhánh/phòng giao dịch; giao dịch qua hệ thống ngân hàng điện tử; giao dịch tại máy giao dịch tự động như ATM/ATM+, Kiosk Bank...; giao dịch tại các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán; giao dịch qua các kênh thanh toán trực tuyến, mua bán hàng hóa online).
Như vậy, khách hàng cá nhân chưa bổ sung giấy tờ tùy thân hợp lệ sẽ không thể thực hiện rút tiền tại quầy kể từ 01/01/2025.
Còn với khách hàng cá nhân chưa cập nhật thông tin sinh trắc học trước thời hạn ngày 1/1/2025, ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thanh toán trực tuyến. Nhưng khách hàng vẫn thực hiện được các giao dịch rút tiền tại quầy, máy ATM bằng thẻ vật lý và vẫn thực hiện được các giao dịch bằng thẻ tại thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 17/2024/TT-NHNN, từ ngày 01/01/2025, khách hàng tổ chức/doanh nghiệp không thể thực hiện các giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán tại quầy giao dịch nếu giấy tờ tùy thân của chủ tài khoản thanh toán và những người có liên quan hết hiệu lực, hết thời hạn sử dụng hoặc giấy tờ tùy thân đã thay đổi nhưng khách hàng vẫn chưa cập nhật.
Những quy định này bảo đảm an toàn bảo mật thanh toán trực tuyến, từ đó hình thành không gian mạng lành mạnh, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), việc triển khai dịch vụ xác thực điện tử qua VNeID trên ứng dụng các ngân hàng và Trung tâm RAR - Bộ Công an là tiền đề vững chắc trong việc tăng cường hiệu quả quản lý, phát triển các dịch vụ tài chính điện tử một cách an toàn.
Các ngân hàng gần đây đã đưa ra khuyến nghị đến khách hàng về việc cập nhật sớm giấy tờ tùy thân là căn cước công dân gắn chip tại các quầy giao dịch hoặc trên ứng dụng ngân hàng để đảm bảo việc giao dịch tại quầy không bị gián đoạn, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi đến giao dịch ở ngân hàng.
Khách hàng cá nhân có thể tự cập nhật sinh trắc học thông qua app (ứng dụng) theo hướng dẫn. Tuy nhiên, với những thiết bị không hỗ trợ NFC (công nghệ kết nối không dây), khách hàng cần đến bất cứ điểm giao dịch nào của ngân hàng để yêu cầu nhân viên hỗ trợ.
Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân (còn hiệu lực) một lần tại ngân hàng. Khi thông tin sinh trắc học thay đổi hoặc giấy tờ tùy thân hết hiệu lực, khách hàng cần cập nhật bổ sung.
Trong quá trình bổ sung giấy tờ, xác thực thông tin sinh trắc học, khách hàng cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo, giả mạo nhân viên ngân hàng đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Lưu ý, các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc trực tuyến.
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 139/CĐ-TTg, ngày 23/12/2024 về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng. Trong đó, yêu cầu NHNN nghiên cứu, đề xuất lộ trình kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học đối với các tài khoản thanh toán, ví điện tử thực hiện giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử; bổ sung quy định về việc kiểm tra, đối chiếu yếu tố sinh trắc học khi mở tài khoản mới, thay đổi thông tin về giấy tờ tùy thân, số điện thoại nhận mã OTP, thiết bị thực hiện giao dịch mobile banking và rút tiền trực tiếp tại quầy giao dịch…
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoàn thành thực hiện việc định danh, xác thực thông tin khách hàng, kiên quyết loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch…, đồng thời áp dụng kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch Internet banking của tài khoản doanh nghiệp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài… Các công việc này yêu cầu hoàn thành trong quý I/2025.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, sau khi thực hiện xác thực sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo đã giảm 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024
“Thực hiện xác thực sinh trắc học đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN khẳng định.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty CP Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) đánh giá, việc áp dụng xác thực sinh trắc học sẽ hạn chế các tài khoản “rác”, tài khoản ảo. Nếu nạn nhân có chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, thì tiền vẫn nằm ở đó và có khả năng lấy lại do đối tượng lừa đảo không chuyển đi tiếp được. Đây có thể nói là công cụ rất hữu hiệu trong phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, khi thu hẹp phạm vi hoạt động của các đối tượng lừa đảo bằng cách loại bỏ hầu hết tài khoản ngân hàng “rác”.