Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 1

Càng về cuối năm 2022, thị trường bất động sản càng bộc lộ những khó khăn khi phải đối mặt với trở ngại từ các chính sách liên quan đến pháp luật đất đai, cùng với đó là việc nguồn vốn vào bất động sản bị hạn chế. Tuy vậy, thị trường đâu đó vẫn có những điểm sáng, từ đó, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào một thị trường bất động sản tươi sáng hơn trong năm 2023.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 2

Nhìn lại quá khứ, chu kỳ trước vào khoảng tháng 3/2008, trước áp lực tăng trưởng quá nóng của thị trường trong năm 2007 và sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tài chính toàn cầu, lãi suất cho vay gia tăng liên tục không ngừng, có lúc lên đến 25% và lạm phát đỉnh điểm ở mức 23%. Thị trường bất động sản sau đó rơi vào chu kỳ suy thoái.

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, thị trường những năm qua đã có sự tăng trưởng sốt nóng và hiện đang có dấu hiệu chậm lại. Nhưng cũng có thể nói rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

“Bất động sản mang tính chu kỳ và mỗi chu kỳ đều có sóng. Nắm bắt được chu kỳ thị trường sẽ giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội. Giống như sự lặp đi lặp lại của các mùa, bất động sản sẽ dịch chuyển theo những biểu đồ mà bạn có thể quan sát và dự đoán”,Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh chu kỳ bất động sản thường không ổn định và chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới. Chính vì vậy, thị trường bất động sản chuyển động theo tốc độ riêng và đây chính là thách thức thực sự đối với các nhà đầu tư.

Hiện tại, đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm 2022 như Nghị định số 65 cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp; bổ sung nhiều đề án kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cả từ trung ương, các địa phương và doanh nghiệp.

“Nhìn lại 32 năm qua, Việt Nam đã trải qua 4 chu kỳ phát triển thị trường. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là thị trường bất động sản sẽ vững vàng hay mong manh? Bà Trang cho biết, trong một diễn đàn về thị trường bất động sản mà Cushman & Wakefield thực hiện vào cuối tháng 10 vừa qua, đa số các chuyên gia đều lạc quan rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục vững vàng, và cần sự điều tiết chính sách bất động sản từ Chính phủ phù hợp với vị thế Việt Nam là một kinh tế lớn đầy tiềm năng”, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nói.

Trước những khó khăn hiện tại, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.

Theo đó, nhiều Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản do gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là “rủi ro” bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản dẫn đến việc phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để “tồn tại trước đã”.

Ông Châu cho rằng, một số động thái cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản có thể kể đến như việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 3

Không dừng lại ở đó, có doanh nghiệp đã phải tính đến việc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng). Dù khách hàng có thể mua với giá rẻ, nhưng sẽ có “rủi ro” là do sản phẩm hình thành trong tương lai, ông Châu cho biết.

Theo ông Châu, việc các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn về dòng vốn dẫn đến phải bán tháo các tài sản với giá rẻ, đặc biệt là quỹ đất chưa triển khai có thể dẫn tới kịch bản các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính” có thể làm mất đi “lợi thế” của doanh nghiệp nội địa trên thị trường bất động sản hiện nay.

Bên cạnh dòng vốn, cũng theo HoREA, vướng mắc pháp lý cũng là một vướng mắc lớn, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đối với dự án bất động sản, nhà ở thương mại (mất khoảng 3-5 năm)…

Tương tự, trong báo cáo gần đây từ Bộ Xây dựng chỉ ra: tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng đều tăng… dẫn đến chi phí của doanh nghiệp tăng theo. Mặt khác, việc kiểm soát chặt thị trường tín dụng, phát hành trái phiếu, cổ phiếu khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng trở nên hạn chế khi triển khai dự án. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, những nguyên nhân này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản. 

Xoay quanh vấn đề này, Giám đốc JLL Lê Thị Huyền Trang cho rằng, vấn đề lãi suất tăng và thắt chặt tín dụng chắc chắn chưa thể tháo gỡ một cách nhanh chóng, vì vậy khó khăn đối với thị trường nói chung còn tồn đọng trong ngắn và trung hạn. Những trở ngại về rào cản pháp lý, tiếp cận nguồn vốn và biến động của nền kinh tế tiếp tục làm ảnh hưởng đến nguồn cung mới.

Những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua còn được thể hiện qua thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS). Cụ thể, theo số liệu của VARS cho thấy, nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực.

Riêng trong quý III/2022, tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt 33,5%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm; lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư.

Theo VARS, giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm, nhưng thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu cơ giai đoạn này gần như bị triệt tiêu.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 4

Theo nhận định của VARS, chính sách đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trong đó, nhóm dự án hạ tầng chiếm tỉ trọng lớn sẽ tạo ra nhiều khu kinh tế, du lịch, đô thị... kéo theo đó sẽ là nhu cầu về nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ, văn phòng, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp trong xu thế chuyển dịch các cơ sở công nghiệp của các tập đoàn đa quốc gia của thế giới.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 5

Giới chuyên gia đã nhận định nhiều về thị trường bất động sản trong năm 2022 vẫn còn khó khăn và kéo dài sang năm 2023. Tuy nhiên sang năm tới sẽ xuất hiện một số tín hiệu tích cực hơn giúp thị trường nhà, đất phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, ba tháng cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản, nhưng do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, thị trường ba tháng cuối năm nay khả năng khó được như những năm trước.

Nhận định về thị trường bất động sản trong năm 2023, ông Đính cho rằng cũng khó có khả năng ổn định, phát triển nếu dòng vốn không được khơi thông. Nhiều ý kiến cho rằng, đầu năm 2023, khi có room tín dụng mới, thị trường bất động sản sẽ  đảo chiều, điều này phần nào giúp thị trường trở nên sôi động hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, những cơn "sốt đất" như năm 2021, đầu năm 2022 sẽ khó có thể xảy ra.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 6

Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ. Theo vị chuyên gia này, khi nguồn vốn chính tiếp tục bị ảnh hưởng thì câu chuyện nhức nhối của thị trường vẫn là nguồn cung bất động sản tiếp tục khan hiếm.

Còn TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu Tư Savills Việt Nam đánh giá, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian qua phần nào bị tác động bởi ảnh hưởng của biến động trên thế giới như lạm phát, giá hối đoái giữa các đồng tiền ngoại tệ, tình hình khan hiếm xăng dầu và các bất ổn chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng phải chịu những tác động kinh tế này. Do đó, chuyên gia dự đoán, năm 2023 thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng. Về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.

Đối với những dự án chưa đủ điều kiện, các chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian để hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên. Ngoài ra các chủ đầu tư cần có thêm bổ sung nguồn vốn từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đánh giá quý IV/2022 này chính là đỉnh của lạm phát toàn cầu. Việt Nam đương nhiên cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và khó khăn hơn do chúng ta hội nhập sâu rộng, trong đó có thị trường bất động sản.

"Quý IV so với hai quý II và III giảm liên tục thì tạm thời gọi là suy thoái kỹ thuật, đúng hơn là suy giảm. Để đi vào giai đoạn phát triển lành mạnh hơn thì cần có bước này. Để thị trường bất động sản có thể hồi phục dần từ năm tới, trước tiên phải giải quyết các vấn đề về pháp lý, kế đến là gỡ nút thắt vốn, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp bất động sản", ông Lực nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 7

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, ông hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.

"Ở quý đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại", ông Hà nhận định.

Cũng vô cùng lạc quan đánh giá về thị trường bất động sản 2023, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kênh đầu tư này đang trầm lắng mà không "đóng băng". TS. Hiếu đánh giá tín hiệu tích cực từ sự điều chỉnh của Nhà nước. Chính bởi vậy, ông dự báo, chỉ đầu năm 2023, thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa sau, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 8

Các chuyên gia nhận định, năm 2023, một số chính sách mới liên quan khung giá đất, đánh thuế bất động sản, hồ sơ chào bán, pháp lý dự án... dự báo sẽ mang đến những tác động lớn với thị trường bất động sản.

Trên thực tế, từ năm 2022 đã có nhiều Nghị quyết, Nghị định mới ban hành liên quan đến chính sách cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên với "độ trễ" thông thường, những chính sách này sẽ có nhiều tác động với thị trường kể từ năm 2023.

Đầu tiên phải kể đến Nghị định 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản và Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Nhà nước trên môi trường mạng. Cả 2 nghị định này được ban hành vào cuối tháng 6 và hiệu lực giữa tháng 8/2022 với những điểm mới đáng chú ý.

Theo đó, nghị định quy định rõ việc sử dụng thông tin dữ liệu thị trường nhà ở; yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp thông tin về dự án và lượt giao dịch bất động sản cho Sở Xây dựng; yêu cầu công khai giấy tờ pháp lý dự án bất động sản và thông tin về thị trường nhà ở. Việc công khai các thông tin về thị trường nhà ở sẽ giúp thị trường lành mạnh và phát triển bền vững hơn - nhiều chuyên gia chung nhận định.

Đối với quy định sử dụng thông tin dữ liệu thị trường nhà ở, Nghị định cũng nêu rõ hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm: dữ liệu online từ cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (đường link: https://www.batdongsan.xaydung.gov.vn) hoặc qua cổng thông tin điện tử của các sở xây dựng.

Đối với yêu cầu công khai thông tin về thị trường nhà ở, địa chỉ tiếp nhận việc chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu là Cổng thông tin của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại: http://www.batdongsan.xaydung.gov.vn.

Như vậy, Nghị định 44/2022/NĐ-CP sẽ góp phần minh bạch thông tin thị trường bất động sản, giúp cơ quan quản lý có thể tham gia điều tiết thị trường, kiểm soát pháp lý dự án, giúp người mua nhà có cơ sở thông tin, dữ liệu về dự án, tránh các trường hợp mua sản phẩm dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Đây cũng sẽ là những cơ sở tạo niềm tin cho người mua nhà, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Một trong những chính sách quan trọng được quan tâm phải kể đến Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" được Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 16/6/2022, hướng tới bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất, giảm thiểu tiêu cực, lãng phí, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời, giúp quyền lợi của người dân được đảm bảo hơn, việc sử dụng đất linh hoạt hơn, tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Thị trường bất động sản năm 2023 đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách mới.  
Thị trường bất động sản năm 2023 đặt nhiều kỳ vọng vào chính sách mới.  

Trong khi đó, Nghị Định 65/2022/ND-CP của Chính phủ ban hành ngày 16/9/2022 sửa đổi bổ sung Nghị định 153/CP về chào bán trái phiếu riêng lẻ, nhằm tăng trách nhiệm của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp, như nhà đầu tư phải đọc bản công bố thông tin và tự ký xác nhận việc tiếp nhận đầy đủ những thông tin doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Nghị định 65/CP còn giúp thị trường trái phiếu trong nước minh bạch thông tin huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản có năng lực, uy tín huy động vốn để triển khai các dự án chất lượng, khơi thông nguồn cung.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 9

Sau một năm đầy khó khăn, dự báo về diễn biến năm sau, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản vẫn sẽ chịu ảnh hưởng, tác động của những vấn đề như quỹ đất hạn chế, vấn đề tài chính và pháp lý, dẫn đến giá trị sản phẩm bán ra có xu hướng tăng dần.

Cụ thể, TS Sử Ngọc Khương dự đoán thị trường năm 2023 sẽ chuyển biến khá thận trọng. Về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng vẫn hoạt động tốt và các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.

Riêng với bất động sản công nghiệp, đây được coi là một “điểm sáng” giữa lúc thị trường trầm lắng.

Theo ông Đoàn Duy Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam (IIP VIETNAM), về tổng thể, trong năm 2022 thị trường bất động sản công nghiệp đang có sự phát triển rất tốt, giữ đà tăng trưởng từ những năm 2019 - 2020 - 2021. Mặc dù diễn biến tình hình trên thế giới có phần căng thẳng do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nga - Ukraina, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung… nhưng bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng và phát triển tương đối khả quan.

Thị trường bất động sản 2023: Nhiều “điểm sáng” vẫn đang hiện hữu, kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh “trầm lắng” - Ảnh 10

Tuy nhiên, nguồn cung quỹ đất có sẵn đang khan hiếm. Rất nhiều tỉnh không có quỹ đất sạch để cho nhà đầu tư vào thuê, tại miền Bắc ví dụ như các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang… các nhà đầu tư tìm đến nhiều nên để có quỹ đất sạch, công tác chuẩn bị của chủ đầu tư hạ tầng mất thời gian đến vài năm, hiện giờ nhu cầu nhiều nên không có đủ quỹ đất để đáp ứng.

Bên cạnh đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng là loại hình đang có bước phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng vượt bậc và bền vững của nhiều dòng sản phẩm đa dạng như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) và các sản phẩm đa chức năng khác như nhà phố thương mại (shophouse - sản phẩm xây dựng trên đất thương mại dịch vụ tại các khu du lịch nghỉ dưỡng)…

Xu hướng sở hữu bất động sản du lịch được ví như như “ngôi nhà thứ hai” đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới và bắt đầu có những tín hiệu tích cực tại Việt Nam. Phân khúc này tích hợp được lợi ích từ cả góc độ nghỉ dưỡng, hưu trí của cá nhân, gia đình và từ góc độ kinh tế bởi có thể khai thác cho thuê khi sản phẩm nhàn rỗi, giúp chủ sở hữu tích lũy, gia tăng giá trị tài sản cùng với giá trị bất động sản.

Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt trong việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc biệt là sửa đổi Luật Đất đai - bộ luật quan trọng bậc nhất đối với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó là sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản... sẽ là cú hích cho thị trường bất động sản phát triển./.

An Nhiên

Theo Kinh doanh và phát triển