Môi giới bất động sản có thể bị phạt kịch khung tới 160 triệu nếu cung cấp thông tin không trung thực

Theo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng, môi giới nhà đất có thể bị phạt 120 – 160 triệu đồng nếu nói sai về bất động sản.

Môi giới bất động sản có thể bị phạt từ 120 – 160 triệu

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng (gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Cụ thể, tại Điều 61 quy định về kinh doanh dịch vụ bất động sản, môi giới có thể bị phạt 120 – 160 triệu đồng nếu có hành vi không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới. Theo quy định hiện hành tại Điều 58 Nghị định 139 ngày 27/11/2017 của Chính phủ, với vi phạm trên, môi giới chỉ bị phạt tiền 40 – 50 triệu đồng.

Môi giới bất động sản có thể bị phạt từ 120 triệu – 160 triệu nếu cung cấp thông tin không trung thực về bất động sản mà mình môi giới.  
Môi giới bất động sản có thể bị phạt từ 120 triệu – 160 triệu nếu cung cấp thông tin không trung thực về bất động sản mà mình môi giới.  

Ngoài ra, Dự thảo cũng nêu rõ, mức phạt trên cũng sẽ được áp dụng đối với hành vi đưa lên sàn giao dịch bất động sản bất động sản không đảm bảo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định.

Bên cạnh đó, Phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định hay tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản.

Phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đối với các hành vi:

Thứ nhất, kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định,

Thứ hai, không lập hợp đồng hoặc hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản không đầy đủ các nội dung chính theo quy định,

Thứ ba, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định,

Thứ tư, sàn giao dịch bất động sản không có quy chế hoạt động, tên, địa chỉ theo quy định hoặc hoạt động sai quy chế được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; sàn giao dịch bất động sản không có tên, địa chỉ theo quy định hoặc thay đổi tên, địa chỉ hoạt động nhưng không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định,

Thứ 5, thu các loại phí kinh doanh dịch vụ bất động sản mà pháp luật không quy định.

Ngoài ra, các sàn giao dịch bất động sản còn có thể chịu mức phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động kinh doanh 6 – 12 tháng nếu vi phạm một số điều khoản liên quan kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản,…

Môi giới ‘lao đao’ vì dịch bệnh

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có trên 1.000 sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động và phải chịu rất nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Các sàn giao dịch vẫn phải trả lương cho cán bộ nhân viên, nộp bảo hiểm xã hội, nộp thuế, trả tiền thuê mặt bằng, tiền lãi vay… trong khi lại không thể triển khai bán hàng do dịch bệnh.

Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, thuê văn phòng. Điều này khiến hàng ngàn môi giới bất động sản rơi vào cảnh thất nghiệp. Một số khác cũng rơi vào cảnh nghỉ việc do giãn cách xã hội, không được ra ngoài, không được tiếp xúc khách hàng hoặc sàn giao dịch không có sản phẩm để bán, thị trường thiếu nguồn cung…

Tại TP Hồ Chí Minh, với các công ty quy mô lớn, thu nhập của môi giới bất động sản giảm trung bình 40 – 50% so với 6 tháng trước. Các công ty nhỏ cũng có con số sụt giảm thu nhập khoảng 70 – 80% bởi doanh số bán hàng suy giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường khó khăn, thanh khoản kém…

Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết 70% doanh nghiệp môi giới bất động sản khu vực phía nam phải chọn giải pháp cắt giảm lương của người lao động hoặc ngưng hoạt động. Trong đó, 50% số doanh nghiệp môi giới bất động sản tại TP Hồ Chí Minh chỉ đạt mức doanh thu dưới 10% trong 3 tháng gần đây, 30% có mức doanh thu từ 30 – 50% và chỉ 10% số doanh nghiệp có doanh thu từ 50 – 70% (được coi là tạm ổn định).

Theo ông Lâm, trong điều kiện bình thường, dòng tiền ổn định giúp doanh nghiệp đảm bảo được việc trả lãi suất nhưng khi dịch bệnh xảy đến, doanh thu sụt giảm, thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư lớn là không nhỏ, kéo theo khó khăn cho sàn giao dịch, môi giới bất động sản.

Do vậy, mới đây, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ ngành trình Chính phủ bổ sung nhóm ngành môi giới bất động sản vào nhóm được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Nhà nước; được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản bảo hiểm xã hội, sớm ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Hội cũng đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội; không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch. Đặc biệt, chủ đầu tư dự án cần sớm thanh toán hoặc thanh toán một phần để các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động…

Minh Đức

Theo Kinh doanh & Phát triển