Môi giới bất động sản ‘kiệt sức’ vì những khó khăn do dịch bệnh kéo dài
Gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh kiệt quệ.
Vào nghề được 5 năm, là nhân viên của một sàn môi giới có thương hiệu tại TP Hồ Chí Minh, anh N.N.Tân chủ yếu giao dịch các dự án căn hộ. Phân khúc này không có sóng như đất nền, càng không có sốt đất, giá ảo như nhà liền thổ. Vì vậy từ trước đến nay thu nhập của Tân phù thuộc vào việc làm nhiều ăn nhiều, bán được nhiều thì thu nhập gia tăng. Những lúc công việc ổn định Tân vẫn có đồng ra đồng vào nhưng từ giữa năm 2020 đến nay, Sài Gòn ngày càng ít dự án để phân phối, công ty có chuyển sang triển khai một dự án nhà phố ở tỉnh nhưng giao dịch không khả quan do dịch bệnh.
Sau cơn sốt đất nhất thời bùng phát, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tháo chạy đồng loạt khỏi thị trường địa ốc. Lúc này, các doanh nghiệp BĐS cũng thực hiện cắt giảm mạnh nhân sự kinh doanh để giảm chi phí, dẫn đến hàng nghìn sale mất việc. Chỉ những sale nhiều kinh nghiệm, có mối quan hệ rộng với giới đầu tư mới ổn định được cuộc sống, còn lại phần lớn phải làm lại từ đầu, đi xin việc mới hoặc chuyển sang kinh doanh online với mức thu nhập chỉ bằng phần nhỏ so với trước đây. Điều này khiến cuộc sống của nhiều anh chị em trong nghề thời gian này trở nên chật vật.
“Không phải môi giới nào cũng chỉ cần “làm một vố ăn cả năm” như nhiều người ngoài ngành tưởng. Vừa rồi có bé nhân viên đang nuôi con nhỏ chia sẻ với mình là được nhận trợ cấp 1,7 triệu đồng nhưng rất chua sót vì bị nhiều lời cạy khóe là làm môi giới BĐS giàu cở đó mà cũng “dành” suất hỗ trợ với người nghèo. Bạn ấy mới vào làm được 2 năm và cũng rơi đúng vào lúc thị trường khó khăn, thu nhập trước đó chỉ đủ duy trì sinh hoạt. Công ty cho nghỉ không lương dài hạn nên đâu có thu nhập nuôi con. Không phải những người làm nghề môi giới thích chứng tỏ giàu sang, đạo mạo như nhiều người phán xét. Làm nghề này nếu không duy trì diện mạo chỉnh chu, thành thục thì rất khó để trao đổi với khách hàng và nhận được sự tín nhiệm, nhất là bán các dự án cao cấp”, anh Tân cho hay.
Thực tế môi giới BĐS là một trong những ngành nghề đang phải đối mặt với khó khăn lớn trong thời gian qua. Lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản nhỏ mới thành lập gần đây cho hay, quy mô sàn chỉ có khoảng 15 nhân sự, trước đây công việc còn thuận lợi, có thu nhập ổn định nhưng kể từ khi thị trường đi xuống, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, gần 2 năm nay công ty không có doanh thu. Vì giãn cách xã hội, các kế hoạch ra hàng của chủ đầu tư đều bị ngưng trệ, điều này đã khiến doanh thu của các sàn liên kết bị ảnh hưởng nặng dù đã có kế hoạch thận trọng trước đó.
Nhiều công ty môi giới BĐS cho biết, họ lo lắng khi không thể duy trì đội ngũ nhân sự trong thời gian dài. Nhiều môi giới đã nãn phải bỏ nghề, về quê vì không cầm cự nổi thời gian dài thất nghiệp, không có thu nhập. Nếu những ngành nghề khác có thể xoay xở tiếp cận, thuyết phục khách hàng qua hình thức online, bất động sản là tài sản lớn, người mua không dễ đưa ra quyết định mà cần quan sát kỹ trong thực tế. Điều này dẫn đến cung ít, cầu nhiều nhưng thanh khoản không có.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam,do tình hình dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay có tới 28% sàn giao dịch BĐS có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương cạn kiệt.
Do vậy, chỉ có khoảng 1% sàn môi giới có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50-80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu. Có tới 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc cho tạm nghỉ việc không lương; 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập – tương đương với 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch. Số còn lại được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Trong khi đó, có tới 89% sàn giao dịch không được hường chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Hơn 70% sàn giao dịch phản ánh không được giảm chi phí thuê mặt bằng. Thậm chí, ngay cả các sàn giao dịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động để chống dịch cũng không được giảm.