1 tỷ USD chống ngập TP Thủ Đức: Mơ hồ giải pháp

Phương án đê bao vừa không thuận thiên vừa có nguy cơ gây ra nhiều hậu quả. Một khi vỡ đê thì toàn thành phố sẽ chìm trong ngập lụt

Ngày 15/1/2021, lãnh đạo TP.HCM và đại diện đại sứ Hà Lan đã có buổi gặp gỡ, chính thức bàn về kế hoạch triển khai, hiện thực hóa một số ghi nhớ trong lĩnh vực chống ngập, cung cấp nước sạch cho TP.HCM đã được ký kết trước đó. Tại buổi làm việc, hai bên đã bàn về dự án chống ngập bền vững tại TP.Thủ Đức có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD, do Chính phủ và doanh nghiệp Hà Lan thực hiện theo mô hình hợp tác công tư. TP.HCM hy vọng Hà Lan sẽ hỗ trợ chống ngập bền vững cho TP.Thủ Đức.

1 tỷ USD chống ngập TP Thủ Đức: Mơ hồ giải pháp - Ảnh 1
Hàng loạt dự án chống ngập cho TP.HCM được triển khai nhưng ngập vẫn hoàn ngập. Ảnh: TPO

Nội dung này từng được bàn từ năm 2019, khi đó là ý tưởng cho hệ thống công trình bảo vệ quận 2 và quận 9 là xây dựng hệ thống cống ngăn triều, đê vành đai đa chức năng, kênh thoát nước cùng hệ thống khu trữ nước mưa đa mục tiêu. Dọc theo các công trình chống ngập này sẽ có các hoạt động tạo ra nguồn thu như sân golf, bãi đậu xe, cửa hàng, khu giải trí cùng trung tâm hội nghị… Ước tính tổng kinh phí cho việc đầu tư hệ thống công trình chống ngập trên vào khoảng 1,266 tỷ USD.

Cùng với dự án này, TP.HCM còn có dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và 6 cống ngăn triều đang chuẩn bị hoàn thành.

Bàn về dự án này, KS Vũ Hải - nguyên Phó Chủ Tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TP.HCM cho rằng, chống ngập cho Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung phải hiểu rõ được nguyên nhân thì mới có được giải pháp chữa đúng bệnh. Nếu chưa nắm rõ được nguyên nhân, các giải pháp chống ngập vừa không hiệu quả, vừa tốn kém.

Bằng chứng, trong hơn 12 năm qua TP.HCM đã chi tới 22.948 tỷ đồng (số liệu năm 2016 của trung tâm chống ngập thành phố) và đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỷ đồng và nhiều hơn nữa. Kết quả là ngập vẫn hoàn ngập (năm 2015 còn 44 điểm ngập nặng), năm sau lại ngập hơn năm trước, chống ngập rồi lại tái ngập, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới.

Về ý tưởng của phía Hà Lan, KS Vũ Hải cho biết ông chưa nắm rõ được thông tin chi tiết về dự án cũng như phương án chống ngập của Hà Lan. Tuy nhiên, 1 tỷ USD là số tiền rất lớn, cần phải nghiên cứu, xem xét rất thận trọng, tránh tình trạng bị nhà đầu tư dẫn dắt chạy theo dự án. Bởi, muốn chống ngập được cho Thủ Đức và TP.HCM thì cần phải có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp chống ngập do triều và giải pháp chống ngập do mưa. 

Trong giải pháp chống triều, việc làm đê bao là một trong nhiều biện pháp được áp dụng, tuy nhiên, giải pháp này vị KS không ủng hộ.

"Phương án đê bao vừa không thuận thiên vừa có nguy cơ gây ra nhiều hậu quả. Ở giữa thành phố lại có một con đê bao như vậy, nếu trong trường hợp bị vỡ đê thì nguy cơ gây ngập lụt cho toàn thành phố cũng như thiệt hại mà xã hội và người dân phải gánh là rất lớn. Vì vậy, trong phương án của Hà Lan nếu có đề cập tới giải pháp đắp đê thì cũng cần phải cân nhắc, đắp đê không phải là giải pháp có thể giúp chống ngập một cách bền vững", vị KS phân tích.

Đề xuất giải pháp tối ưu, hiệu quả cao, chi phí thấp

Đề xuất giải pháp toàn diện hơn, KS Vũ Hải cho biết, để chống ngập bền vững cho Thủ Đức cũng như TP.HCM nói chung, thì cần xây dựng đập ngăn triều thông minh kiểu mới ứng phó với biến đổi khí hậu.

KS Vũ Hải chỉ rõ, nguyên nhân TP.HCM chi hàng nghìn tỷ chống ngập nhưng không thành công đó là: Các giải pháp chống ngập mà Thành phố đang thực hiện đã lỗi thời, còn nhiều nhược điểm, chưa phù hợp với thực tế, giá thành quá cao do đó nếu cứ thực hiện nó sẽ không giải quyết được vấn đề, kém hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân và đất nước.

Cụ thể với giải pháp chống ngập do triều do Bộ NN-PTNT đề xuất nghiên cứu và đang thực hiện tại TPHCM từ năm 2008 đến nay, đó là QH 1547 và Dự án đê biển Vũng Tàu Gò Công.

"Giải pháp có quá nhiều nhược điểm. Không thể chấp nhận việc chi tiền để chống ngập do triều chỉ khoảng  >20% điểm gây ngập tại TP lại phải  dùng tới 2 dự án có rất nhiều nhược điểm và tổng chi phí lên tới 256.000 tỷ đồng (tương đương 11,2 tỉ USD) quá đắt và thời gian thực hiện lại quá dài đến năm 2100", KS Vũ Hải phân tích. 

Bởi vậy việc nghiên cứu công nghệ mới, giải pháp mới để chống ngập do triều cho TP HCM lại càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Vị KS cho biết, trong thời gian vừa qua đã nắm bắt được 1 công nghệ mới, 1 sáng chế khoa học kỹ thuật đã Hoa Kỳ cấp bằng sáng chế năm 2015? Đó là "Kè hở áp lực cột nước thấp" (KHALCNT) do kỹ sư Nguyễn Công Anh nghiên cứu.  

Trên cơ sở giải pháp công nghệ mới này vào việc xây dựng một con đập ngăn triều thông minh kiểu mới tại cửa sông Soài Rạp để chống ngập do triều rất hiệu quả, rất lợi hại. Con đập này khác với các con đập mà ngành thủy lợi đã thiết kế trước đây ở chỗ: Đập có chiều rộng 3000m nhưng không xây kín mà để cửa mở ở giữa sông chừng vài trăm mét cho tàu bè qua lại dễ dàng nhưng lại giảm được lượng nước triều khổng lồ vào sông làm giảm mức nước triều trên sông một cách rõ rệt. Hai bên cánh gà của cửa mở giữa sông là đập có gắn các lá sách bằng vật liệu không rỉ, hoạt động mềm dẻo, linh hoạt: Khi nước triều lên cao các lá sách tự động đóng sập lại ngăn nước triều vào sông, chỉ cho phép vào một phần từ cửa giữa sông, còn khi nước triều xuống các lá sách lại mở ra để nước bẩn, nước mưa, nước lũ thoát ra biển một cách nhanh chóng.

Công trình đập ngăn triều thông minh kiểu mới này có rất nhiều ưu điểm: Chỉ phí xây dựng thấp (8.000 - 10.000 tỷ đồng); thời gian thực hiện nhanh (5-10 năm); hạ thấp cốt san nền làm tăng  diện tích phát triển đô thị cho TP (nếu đưa mức nước triều lớn nhất tại Phú An từ 1,71m xuống 1,32m thì 50% diện tích lãnh thổ TP = 1.047 km2 sẽ không còn ngập). Hơn nữa Dự án này rất thuận thiên, hợp với quy luật tự nhiên: Nước triều vẫn ra vào sông tự nhiên, không phá hoại hệ sinh thái biển, không cản trở giao thông đường thủy, không gây ô nhiễm  nguồn  nước, giảm độ mặn trên sông,  thuận lợi  cho cấp nước và  thoát nước mưa, chống lũ lụt tốt hơn. Sau khi hoàn thành Dự án này có thể phục vụ chống ngập do triều đến năm 2100  không chỉ cho TP.HCM mà còn cho toàn vùng TP.HCM nữa với diện tích phục vụ 21.852km2).

Với hàng loạt những nghiên cứu đưa ra, KS Vũ Hải khẳng định, Dự án áp dụng công nghệ mới  xây dựng “Đập ngăn triều thông minh kiểu mới tại Soài Rạp”  là một Dự án rất  ưu việt, rất quan trọng chẳng những giải quyết tốt vấn đề chống ngập cho TP mà còn mang lại nhiều lợi ích, giải quyết được nhiều vấn đề nan giải khác nữa cho TP nữa.

Việc xây dựng đập ngăn triều thông minh kiểu mới không chỉ giải quyết tốt việc chống ngập do triều cho TP. HCM mà sẽ còn mở ra một triển vọng lớn lao áp dụng cho hàng loạt các đô thị ven biển của Việt Nam. Với vị trí đập đặt tại các cửa sông kết hợp làm tuyến đường dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam, vừa chống nước biển dâng, chống xâm nhập mặn, vừa đảm bảo giao thông, vừa bảo vệ bờ biển, phục vụ đắc lực cho quốc phòng; thật là nhất cử đa tiện. 

Bởi vậy ông đề nghị TP ủng hộ giải pháp công nghệ mới này và  cấp kinh phí để nghiên cứu và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án này, để  chứng minh nó hoàn toàn khả thi, để sớm đưa công trình vào hoạt động sẽ có lợi về nhiều mặt cho TP cũng như các tỉnh khác của vùng TP.HCM.

Lam Nguyễn

Theo Đất Việt