Áp lực tỷ giá USD: Dõi theo độ nóng từ nước Mỹ
Sau giai đoạn nổi sóng, tỷ giá VND/USD gần đây đã dần hạ nhiệt. Áp lực tỷ giá vơi dần đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tác động tích cực lên nền kinh tế.
Áp lực tỷ giá vơi dần
Thị trường ngoại tệ những tháng đầu năm nay ghi nhận nhiều đợt tăng nóng. "Sóng" ngoại tệ đã lên vượt dự đoán của giới chuyên gia tài chính.
Sau nhịp tăng nóng với đỉnh điểm diễn ra trong tháng 4, trong 2 tháng tiếp theo, diễn biến tỷ giá đã có phần bớt nóng nhưng vẫn neo ở mặt bằng cao.
Có lúc, trên thị trường tự do, giá USD đã vượt 26.030 đồng/USD vào ngày 27/6.
Còn tại các ngân hàng, giá USD đã vượt xa mốc 25.000 đồng/USD cả chiều mua vào và bán ra. Tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại trong giai đoạn này tiến sát ngưỡng 25.500 đồng/USD. Chẳng hạn, vào ngày 28/6, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 25.223-25.473 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan dự báo tỷ giá không tăng quá 25.000 đồng/USD.
Từ tháng 4 đến cuối tháng 6, các ngân hàng luôn niêm yết giá bán đồng bạc xanh ở mức giá kịch trần.
Diễn biến bất lợi của tỷ giá một phần do chỉ số đồng USD (DXY) liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay, đạt mức 106,3 điểm trong tháng 4 (tăng 4% so với đầu năm).
Trước những biến động đầy bất ngờ của tỷ giá trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục có các động thái để giữ ổn định thị trường như tăng cung USD trên thị trường kể từ cuối tháng 4, điều chỉnh tỷ giá trung tâm... Các nguồn thạo tin trên thị trường liên ngân hàng ước lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay vào khoảng 6,4 tỷ USD.
Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỷ giá, NHNN cũng đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền Việt Nam dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỷ giá.
Ngoài ra, tỷ giá VND/USD trên thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ xu hướng giảm trở lại của đồng USD. Chỉ số đồng USD đã được điều chỉnh giảm về quanh ngưỡng 102-103 điểm.
Nhờ các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý và chỉ số đồng USD giảm đáng kể, tỷ giá đã dần hạ nhiệt. Từ đầu tháng 7 đến nay, diễn biến tỷ giá cho thấy xu hướng dịu đi khá rõ.
Đầu tháng 8, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng liên tục được điều chỉnh giảm và giao dịch cách xa mức giá trần theo quy định của NHNN.
Ngày 16/8, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 24.840-25.210 đồng/USD (mua - bán). Mức này giảm tới 200-300 đồng so với mức 25.223-25.473 đồng/USD vào cuối tháng 6.
Còn so với đầu tháng 8, giá USD tại nhiều ngân hàng đã giảm hơn 200 đồng. Giá bán ra đang xuống sát mốc 25.000 đồng/USD.
Tỷ giá trung tâm thời điểm cuối tháng 6/2024 được NHNN công bố ở mức khoảng 24.264 đồng/USD. Nhưng đến ngày 15/8, tỷ giá trung tâm đã giảm về mức 24.254 đồng/USD.
Tương tự, giá USD trên thị trường tự do cũng hạ nhiệt. Giá USD bán ra trên thị trường "chợ đen" từ mức đỉnh 26.030 đồng/USD vào ngày 27/6 đã giảm xuống mức 25.575 đồng/USD vào ngày 15/8, tức giảm tới 455 đồng.
Tỷ giá hạ nhiệt tác động tích cực đến nền kinh tế
Dự báo về diễn biến tỷ giá USD/VND giai đoạn từ nay đến cuối năm, nhiều chuyên gia đồng quan điểm cho rằng, căng thẳng tỷ giá đang giảm dần khi cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá. Các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động nâng lãi suất huy động để kích thích nhu cầu gửi tiền, góp phần ổn định tỷ giá... Các biện pháp này đang dần có tác động tích cực.
Tỷ giá hạ nhiệt góp phần hỗ trợ nhiều nhóm doanh nghiệp và sẽ giúp giảm áp lực tăng mặt bằng lãi suất, có thể kích cầu tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo báo cáo của NHNN, đã có thời điểm VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến đầu tháng 8 chỉ còn là 3,85%. Đây là kết quả do đồng USD đã yếu đi và hiệu quả từ việc NHNN sử dụng dự trữ ngoại hối. Nhờ đó, các doanh nghiệp cũng giảm bớt gánh nặng tài chính.
Tỷ giá giảm, không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi mà việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng khởi sắc hơn.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận: tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm.
Theo thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm nay đạt khoảng 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 5 năm qua.
Bên cạnh đó, theo giới phân tích, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới tiếp tục góp phần ổn định tỷ giá hối đoái và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong báo cáo vừa công bố, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lên tỷ giá VND sẽ khó giữ được lâu, vì dư địa cắt lãi suất của Mỹ là rất lớn.
Các chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm khi Fed thực hiện việc hạ lãi suất. Các chuyên gia của KBSV duy trì dự báo về mức tăng của tỷ giá là 3,5% trong năm 2024, tương ứng đạt 25.120 USD/đồng
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, với kỳ vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất, đồng thời, trong nước có thể ghi nhận dòng ngoại tệ tích cực, VND có thể thu hẹp mức giảm giá dao động quanh 3-4% so với USD. Đây vẫn được coi là mức mất giá hợp lý so với nhiều nước trong khu vực.
Còn các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, trong điều kiện thuận lợi, vào thời điểm cuối năm, VND có thể ghi nhận mức giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết, trong vài tháng tới, diễn biến đồng USD có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến chính trường Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống đến gần.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tỷ giá không chỉ chịu tác động của thị trường thế giới mà còn phụ thuộc vào cầu trong nước. Theo đó, cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý III, đầu quý IV do nhu cầu nhập máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Bởi vậy, kịch bản sức mạnh của đồng USD được duy trì sẽ là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của NHNN trong những tháng cuối năm 2024.
Tại họp báo mới đây, lãnh đạo NHNN khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiên trì thực hiện chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang mua - bán ngoại tệ, chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ.