'Bảo bối' nào giúp ngân hàng chưa hết năm đã dồn dập 'khoe' lãi khủng?
Hết tháng 11, Ngân hàng liên tục báo lãi lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng thực sự đang đứng trước thách thức lớn, nhất là khi phần lãi dự thu chưa được bóc tách.
Ngân hàng “hồ hởi” khoe lãi đậm dù chưa hết năm 2020
Năm 2020 có lẽ là năm khó khăn với nền kinh tế vì ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, chưa hết năm một số ngân hàng đã hồ hởi “khoe” lãi đậm.
Thông tin mới đây từ ABBank cho biết, tính đến 30/9/2020, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.378 tỷ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm.
Cuối tháng 11, tổng tài sản ABBank đạt 92.337 tỷ đồng; Huy động từ khách hàng đạt 72.013 tỷ đồng; Cho vay khách hàng đạt 65.048 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng cá nhân đạt hơn 29.141 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019 và tăng 16% so với đầu năm; cho vay khách hàng SMEs đạt 14.833 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ 2019 và tăng 19% so với đầu năm 2020. Thu từ phí dịch vụ đạt 185 tỷ đồng.
Đến hết 30/11/2010, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,32%, kiểm soát dưới 3% theo quy định. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn và tài sản cũng vẫn được giữ ổn định với RoE đạt 18,28%; RoA đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn CAR đạt 10,64%.
Tương tự ABBank, MSB cũng cho biết trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng tài sản riêng lẻ đạt trên 166.000 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận trước thuế vượt 60% so với mục tiêu kế hoạch năm, đạt hơn 2.302 tỷ, tăng 116% so với 11/2019. Hệ số an toàn vốn CAR theo tiêu chuẩn Basel 2 đạt 10,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ghi nhận mức 28,8%, tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN là 1,92% tại ngày 30/11/2020.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc MSB cho biết, năm 2020 ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.300 – 2.400 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch.
Trước đó, lãnh đạo ACB cho biết, tính đến ngày 30/11/2020, ACB có tổng tài sản gần 428 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8.723 tỷ, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm. Huy động vốn đạt 343 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 11,5%; Tín dụng đạt 305 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 13,7%. Nợ xấu được kiểm soát dưới 1%.
Ngân hàng Quốc tế (VIB), tính đến hết tháng 10/2020, lợi nhuận trước thuế đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chính thức hoàn thành 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Sacombank tính đến hết 10/2020, cũng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm…
Lợi thế chênh lệch lãi suất giúp ngân hàng lãi lớn giữa đại dịch?
Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động hiện tại đã thấp hơn thời điểm cuối 2019 từ 1,5%-3%/năm và đang rơi vào vùng "thấp lịch sử".
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6-0,8%/năm so với cuối năm 2019. Như vậy, có thể nói, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có khoảng cách lớn. Điều này giúp cho biên lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng cao.
Theo báo cáo vừa được Công ty FiinGroup công bố, biên lãi ròng (NIM) của 21 ngân hàng niêm yết trong quý 3/2020 tăng tới 9,7 điểm cơ bản so với quý 2/2020 và có mức tăng theo quý lớn nhất, kể từ quý 1/2018. Thu nhập lãi và các khoản tương tự tăng 4,5%, trong khi chi phí lãi và các khoản tương tự giảm 2,6%, đã dẫn đến NIM tăng. Điều này cho thấy lãi suất cho vay giảm không tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.
FiinGroup cho biết, tỷ lệ NIM của các ngân hàng được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý 4/2020, nhờ lãi suất huy động vẫn giữ ở mức thấp và gói hỗ trợ dành cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 với lãi suất thấp sắp hết hạn.
Vì vậy, các chuyên gia nhận định, chưa hết năm 2020 nhưng ngân hàng vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lớn bất chấp dịch bệnh. Một trong những nguyên nhân là lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao, hạ không đáng kể hoặc không giảm mặc dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu mà chỉ giảm trong một số nhóm ưu đãi nhỏ, đi kèm điều kiện vay cao.
Chẳng hạn tại ACB, theo thông tin từ website thông báo lãi suất của ngân hàng ACB có hiệu lực từ tháng 12/2020, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ACB dao động trong khoảng từ 3,2%/năm đến 7,4%/năm.
Tại kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lần lượt là 3,2%/năm và 3,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng áp dụng ở mức 3,6%/năm dành cho tất cả các khoản tiền gửi; kỳ hạn 6 tháng dao động từ 4,8%/năm - 5,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng, lãi suất được ấn định trong khoảng từ 5%/năm đến 5,3%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng, lãi suất trong phạm vi từ 5,7%/năm - 6%/năm tuỳ điều kiện số tiền gửi; kỳ hạn 13 tháng là 6,6%/năm, gửi tiền từ 30 tỷ đồng trở lên hưởng lãi suất 7,4%/năm; kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lãi suất là 6,3%/năm.
Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay mua nhà, mua xe, vay kinh doanh và vay du học tại ACB hiện đang dao động ở mức từ 9,2% - 9,8%.
Hay tại VIB, lãi suất tiết kiệm thường trong tháng 12/2020 dao động từ 3,7% - 6,69%/năm; lãi suất tiết kiệm Online dao động từ 4,0%/năm đến 6,6%/năm áp dụng tùy thuộc vào điều kiện số tiền gửi và dành cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng.
Đối với lãi suất cho vay mua xe tại VIB dao động từ 7,5% đến 7,9% tùy vào mua xe mới hay xe cũ; lãi suất vay mua nhà từ 8,5% đến 8,7%/ năm tùy vào vay mua nhà hay vay để xây và sửa chữa nhà; lãi suất vay tiêu dùng từ 16% đến 18%/năm tùy vào điều kiện của ngân hàng.
Lợi nhuận ngân hàng vẫn đứng trước thách thức lớn
Ngân hàng là ngành chịu tác động có độ trễ bởi dịch COVID-19 nên nếu chỉ nhìn từ bên ngoài qua những con số lãi hàng nghìn tỉ đồng, bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng sẽ không được thể hiện hoàn chỉnh. Để đánh giá thực chất về những biến đổi đã và đang xảy ra cần có cái nhìn sâu hơn về cơ cấu lợi nhuận, chất lượng lợi nhuận của các nhà băng.
Ngân hàng là một doanh nghiệp đặc thù với hàng hoá chính là "tiền tệ" và các hoạt động bổ trợ (dịch vụ thanh toán, đầu tư kinh doanh tài chính khác), do đó việc dùng những tỉ lệ ROE hay ROS để so sánh giữa ngân hàng với các doanh nghiệp thông thường đều là những đánh giá khập khiễng.
Lãi và phí dự thu là những khoản đã ghi nhận vào doanh thu nhưng chưa thực sự thu được. Việc dự thu là một hoạt động bình thường của ngân hàng trong quá trình hoạt động nhưng nếu số dự thu quá cao sẽ tạo nên một phần "lãi ảo".
Trên thực tế, nhiều khoản nợ đã dự thu nhưng lại khó hoặc không thu hồi được và cuối cùng sẽ không thể trở thành lợi nhuận thực của ngân hàng.
Đáng chú ý, trong số những khoản dự thu này đã không tính đến số lãi dự thu của những khoản nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 01 của NHNN.
Khi mà nợ xấu tiềm ẩn là thực tế khó tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện tại thì có lẽ con số lãi dự thu thực tế có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới và ở mức nào phụ thuộc vào mức độ kiểm soát rủi ro của từng ngân hàng.
Có thể nhận thấy rằng mặc dù có kết quả kinh doanh lạc quan trong các tháng cuối năm nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn phải đứng trước thách thức lớn là nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro.
Cụ thể, trong báo cáo mới nhất về dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm 2020 và triển vọng ngành vừa công bố, các nhà phân tích Fiin Group nhận định, trong quý 3/2020, tổng thu nhập hoạt động của 21 ngân hàng niêm yết tăng 12,6% so với quý trước và 10,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết giảm nhẹ 1% so với quý 2/2020 và tăng 6,5% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 29,5% so với quý II/2020 và tăng 19,8% so với cùng kỳ.