Chứng khoán châu Á ‘căng thẳng’ trước quyết định quan trọng của Fed
Chứng khoán châu Á có khởi đầu thận trọng trong ngày 16/9, ngày đầu tiên của một tuần gần như chắc chắn sẽ chứng kiến sự khởi đầu của chu kỳ nới lỏng lãi suất của Mỹ. Các ngân hàng trung ương ở Nhật Bản và Anh cũng họp trong tuần này, cả hai đều dự kiến sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại.
Địa chính trị vẫn luôn là vấn đề được quan tâm khi ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump trở thành mục tiêu của vụ ám sát thứ hai vào ngày 15/9, theo FBI. Bên cạnh đó, các ngày nghỉ lễ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia cũng khiến các nhà đầu tư trở nên dè dặt.
Chỉ số MSCI rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản gần như đi ngang sau khi tăng 0,8% vào tuần trước.
Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc vào cuối tuần gây thất vọng khi tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng 8 chậm lại ở mức thấp nhất trong 5 tháng, trong khi doanh số bán lẻ và giá nhà mới tiếp tục suy yếu.
Ông Vivek Dhar, nhà phân tích năng lượng và khai khoáng tại CBA, cho biết: "Dữ liệu củng cố lập luận cho rằng cần có thêm các biện pháp kích thích kinh tế vào cuối năm nếu Trung Quốc muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2024".
"Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ tìm cách tăng chi tiêu của chính quyền trung ương cho các dự án cơ sở hạ tầng nếu cả lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc lại sụt giảm vào tháng 9”, ông Vivek nhấn mạnh thêm.
Quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ là tâm điểm chính của thị trường trong tuần này.
Ngân hàng Trung ương Mỹ giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt ở mức cao nhất trong hai thập kỷ, từ 5,25-5,5% trong suốt 14 tháng qua. Bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole diễn ra vào cuối tháng 8 đã củng cố việc Fed sẽ đưa ra quyết định hạ lãi suất trong kỳ họp tiếp theo vào ngày 18/9.
Thị trường đang đánh giá 55% khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ giảm 25 điểm cơ bản và 45% khả năng lãi suất sẽ giảm 50 điểm cơ bản trong vài ngày tới.
Nhà kinh tế Michael Feroli của JPMorgan cho hay: "Chúng tôi đồng ý rằng đây có thể là một cuộc chiến khốc liệt, nhưng chúng tôi cũng tin rằng Fed sẽ có động thái 'đúng đắn' và tăng lãi suất 50 điểm cơ bản".
Nếu Fed giảm 50 điểm cơ bản, ông Feroli kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ dự kiến cắt giảm 100 điểm cơ bản trong năm nay và 150 điểm cơ bản vào năm 2025.
Các nhà phân tích tại ANZ lưu ý rằng trong ba thập kỷ qua đã có ba chu kỳ nới lỏng bắt đầu bằng mức cắt giảm hơn 25 điểm cơ bản, nhưng trong mỗi chu kỳ đều có lo ngại về sự sụt giảm của thị trường dẫn đến suy thoái, nhưng hiện tại thì không còn như vậy nữa.
Chỉ cần có cơ hội thực hiện động thái mạnh mẽ là trái phiếu đã tăng giá mạnh, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm giảm xuống còn 3,593%, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Không chỉ Fed, nhiều ngân hàng cũng sẽ công bố quyết định về chính sách tiền tệ trong tuần này.
Ngân hàng Anh nhìn chung dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,00% khi họp vào ngày 19/9. Ngân hàng Nhật Bản họp vào ngày 20/9 và dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách, mặc dù có thể đặt nền tảng cho đợt thắt chặt hơn nữa vào tháng 10.
Ngân hàng trung ương Nam Phi cũng được cho là sẽ nới lỏng chính sách trong tuần này, trong khi Na Uy được cho là sẽ giữ nguyên chính sách.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm đã thúc đẩy đồng yên tăng giá so với đồng USD, ở mức 140,82 yên đổi 1 USD sau khi giảm 0,9% vào tuần trước xuống mức thấp nhất trong gần 9 tháng.
Đồng euro ổn định ở mức 1,1086 USD đổi 1 USD, với triển vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất để giữ tỷ giá đồng tiền này ở mức 1,1200 USD.
Đồng đô la Canada giữ ở mức 1,3580 đổi 1 USD sau khi Thống đốc Ngân hàng Canada Tiff Macklem mở đường cho việc cắt giảm lãi suất nhanh hơn trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times.
Lợi suất trái phiếu thấp hơn đã hỗ trợ giá vàng, ở mức 2.579 USD/ounce và gần mức đỉnh điểm mọi thời đại là 2.585,99 USD/ounce.
Giá dầu tăng nhẹ khi gần 1/5 sản lượng dầu thô ở Vịnh Mexico vẫn ngừng hoạt động.
Giá dầu Brent tăng 19 cent lên 71,78 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ tăng 28 cent lên 68,93 USD/thùng.