Chuyển giao OceanBank và CBBank, tiền gửi của người dân sẽ ra sao?

Đại diện NHNN cho biết, mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ của khách hàng tại CBBank và OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam (CBBank) cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) cho Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).

Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc ngân hàng.
Lễ công bố quyết định chuyển giao bắt buộc ngân hàng.

Theo Quyết định, sau khi được chuyển giao bắt buộc, CBBank và OceanBank sẽ là các Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ của khách hàng tại CBBank và OceanBank tiếp tục được bảo đảm theo đúng thỏa thuận và quy định của pháp luật dưới sự quản lý của Vietcombank, MB trong vai trò chủ sở hữu.

Chuyển giao OceanBank và CBBank, tiền gửi của người dân sẽ ra sao? - Ảnh 1

Trước đó, trong họp báo về hoạt động ngành ngân hàng quý III/2024, ông Nguyễn Đức Long, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN cũng khẳng định, mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế và đảm bảo các quy định về an toàn.

Đồng thời, “quyền lợi người gửi tiền tại CBBank và OceanBank vẫn sẽ được đảm bảo trước, trong và sau quá trình chuyển giao”, đại diện NHNN nói.

Liên quan đến quyền lợi của hai ngân hàng nhận chuyển giao là MB và Vietcombank, ban lãnh đạo của hai nhà băng này đều cho biết sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để hai ngân hàng này có thể tăng trưởng vượt trội trong những năm tới.

Đại diện MB và Techcombank nhận quyết định chuyển giao bắt buộc. (Ảnh: Bnews)
Đại diện MB và Techcombank nhận quyết định chuyển giao bắt buộc. (Ảnh: Bnews)

Trước đó, ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên HĐQT Vietcombank từng chia sẻ, nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn như Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 quy định.

Ngoài ra, ngân hàng nhận chuyển giao cũng sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số). Trong khi đó, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ cao hơn khi nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng.

Ngoài CBBank và OceanBank, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chuyển giao 1 ngân hàng nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, lộ trình chuyển giao một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là Dong A Bank đang được triển khai còn ngân hàng SCB duy trì ổn định.

Chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance