Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai nhờ đâu tăng 17 phiên liên tiếp?

Kinh doanh không đạt kế hoạch, vừa ra khỏi diện cảnh báo, cổ phiếu QCG vẫn hồ hởi tăng dù thị trường chứng khoán lao đao giữa tâm dịch covid-19.

Thị trường chứng khoán trong nước chưa dừng lao dốc khi mà dịch covid-19 vẫn gây nguy hại cho nền kinh tế toàn cầu. Từ đầu năm 2020, dịch covid-19 xuất hiện cùng với những diễn biến phức tạp đã khiến cho thị trường chứng khoán giảm điểm liên tục, có những phiên, Vn-Index giảm 30 – 50 điểm nên hiện đã tiệm cận vùng 700 điểm.

Dòng cổ phiếu bất động sản không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường. Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khiến cả những mã ông lớn như VIC, VHM và VRE cũng giảm điểm. Các mã bất động sản khác như IDV, FLC, FIT, AMD, TCB, HQC... bị kéo xuống mức giá sàn nhiều phiên.

Trong khi đó, một cổ phiếu nhỏ dưới mệnh giá lại tăng phi mã 17 phiên tiếp sau khi thoát khỏi diện cảnh báo. Tính đến phiên ngày 19/3, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai dừng lại mức giá 9.500 đồng/cổ phiếu, tăng 6.000 đồng/cổ phiếu so với mức giá ngày 25/2/2020. Đến phiên giao dịch ngày 23/3, cổ phiếu này mới điều chỉnh giảm xuống 8.200 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, ngày 6/2/2020, cổ phiếu QCG chính thức được đưa ra khỏi diện cảnh báo vì đã khắc phục được nguyên nhân vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin. Hiện, công ty vẫn chưa chính thức được cấp lại margin.

Cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai nhờ đâu tăng 17 phiên liên tiếp? - Ảnh 1

Diễn biến cổ phiếu QCG từ sau Tết Nguyên Đán

Kết quả kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai không còn thời kỳ hoàng kim. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 Quốc Cường Gia Lai đạt 169,4 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2018. Công ty cho biết nguyên nhân doanh thu giảm là do công ty cắt giảm kinh doanh hàng hoá chỉ tập trung thuỷ điện, cao su và bất động sản.

Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính cũng giảm mạnh từ gần 23 tỷ đồng xuống chỉ còn 7,2 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tương đương cùng kỳ ở mức 10,5 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhiều so với cùng kỳ. Sau khi trừ các khoản chi phí, QCG báo lãi sau thuế hơn 7 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2018.

Luỹ kế cả năm 2019, QCG đạt 858 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỷ đồng, giảm 20% so với 2018. Như vậy, so với mục tiêu, kết thúc năm 2019 công ty chỉ hoàn thành được 69% doanh thu và 50% lợi nhuận. Đây cũng là năm thứ 4, QCG không hoàn thành kế hoạch đại hội cổ đông giao phó.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của QCG đạt 11.427 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm. Hàng tồn kho hơn 8.500 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là do gia tăng bất động sản dở dang đang xây dựng.

Nợ phải trả tại thời điểm cuối năm đạt 7.130 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng tài sản. Trong đó, phải trả ngắn hạn khác là 4.624 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tiền nhận từ Sunny cho Dự án Phước Kiển.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, QCG tăng bởi kỳ vọng vào các dự án bất động sản. Tuy vậy, dễ nhận thấy kế hoạch triển khai các dự án bất động sản của doanh nghiệp này lại chưa rõ ràng, chưa có lịch cụ thể. Cuộc họp với UBND TP.HCM cùng doanh nghiệp bất động sản, trong đó có lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai vào sáng ngày 22/2 trước đó chưa thể nói lên điều gì về tương lai các dự án bất động sản của QCG.

Được biết, chính lãnh đạo QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai cho biết, công ty hiện có 6 dự án bất động sản đang bị ách tắc, gây thiệt hại lớn cho bản thân doanh nghiệp. Đặc biệt là dự án Phước Kiển có diện tích 91ha, dự kiến mang lại doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho QCG (~60.000 - 70.000 tỷ). Dự án được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư từ 2017, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ tháng 4/2017 nhưng đến nay nhiều giấy tờ pháp lý đã hết hạn, đối tác nước ngoài bắt đầu nản và có ý định rút vốn. Thậm chí, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được giao đất để thực hiện.

Phước Kiểm hiện đang chiếm phần lớn giá trị tại hàng tồn kho doanh nghiệp. Tính tới ngày 31/12/2019, QCG ghi nhận tồn kho dự án bất động sản là 8.033 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng tài sản.

Đến năm 2019, QCG cho hay đã nhiều lần gửi văn bản đến Sở Tài nguyên Môi trường để xin giao đất, tuy nhiên không được chấp thuận. Nguyên nhân theo bà Loan là do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có phần đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng nên phải quay lại Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu.

Kết quả kinh doanh không tốt, dự án bất động sản chưa được triển khai, vậy cổ phiếu QCG đang có diễn biến nằm ngoài giá trị cốt lõi của doanh nghiệp?

 

Theo Thảo Vy/Tạp chí Reatimes

 

 

 

Link nguồn: http://reatimes.vn/co-phieu-quoc-cuong-gia-lai-nho-dau-tang-17-phien-lien-tiep-20200321112730103.html

Tin liên quan