Cô thợ may ký hợp đồng 360 tỷ, giúp cựu Chủ tịch FLC chiếm đoạt tiền nhà đầu tư
Tại phiên toà, người thân, họ hàng của Trịnh Văn Quyết thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, những người này khẳng định chỉ cho mượn giấy tờ và không được hưởng lợi gì từ hành vi thao túng thị trường hay lừa đảo.
Chiều 22/7, sau khi VKS công bố xong bản cáo trạng trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo.
Tại 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán, qua xét hỏi, nhiều bị can khai nhận là người thân, anh em, cháu, thông gia của bị cáo Trịnh Văn Quyết; đều thừa nhận tội danh bị truy tố.
Chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ để 'phục vụ việc công ty'
Là người trả lời thẩm vấn đầu tiền, bị cáo Trịnh Văn Đại, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros khai nhận có họ hàng với Trịnh Văn Quyết.
Khi đang làm việc tại FLC, bị cáo có ký một số biên bản họp hội đồng quản trị chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần cho cá nhân; ký biên bản họp hội đồng quản trị hợp nhất RTS; ký hợp đồng chuyển nhượng; hợp đồng chuyển nhượng cổ phần; giấy nộp tiền. Mục đích bị cáo Đại ký những giấy tờ này để phục vụ cho Công ty Faros.
Bị cáo Đại khai thêm, em họ là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế có mượn chứng minh nhân dân để mở 3 công ty và 'không nhớ để Huế lập bao nhiêu tài khoản chứng khoán'. Tuy nhiên, ông Đại khẳng định, ông không được hưởng lợi gì từ việc này.
Trong vụ án này, bị cáo Đại và 7 người khác bị truy tố cả 2 tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chịu trách nhiệm chung về thiệt hại 4.300 tỷ đồng. Theo đó, bị cáo này bị cơ quan công tố đánh giá: giúp sức cho anh em bị cáo Quyết trong hành vi khống vốn và thao túng thị trường.
Cũng như bị cáo Đại, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Trưởng nhóm vật tư cảnh quan, phòng mua sắm của Công ty TNHH MTV FLC Land, là chồng của bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ruột ông Quyết cũng thừa nhận có cho bị cáo Huế mượn CMND để mở tài khoản chứng khoán, thành lập pháp nhân nhưng không nhớ là bao nhiêu tài khoản, bao nhiêu pháp nhân.
Bị cáo Mạnh trình bày không biết việc bị cáo Huế sử dụng các tài khoản để mua bán chứng khoán ra sao, bị cáo không được hưởng lợi gì. Bị cáo thừa nhận các tội danh tội danh bị truy tố.
Thêm vào đó, bị cáo Trịnh Tuân, cựu giám đốc Công ty FLC Land, cháu họ ông Quyết cũng khai được bà Trịnh Thị Minh Huế nhờ nên cho mượn giấy tờ tùy thân thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán và nghĩ ký chứng từ là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Về Công ty FLC Land, ông Tuấn khai 'con dấu công ty do cô Huế quản lý, bị cáo chỉ ký khi được nhờ, không biết hoạt động công ty ra sao'.
Từ thợ may bỗng dưng thành chủ doanh nghiệp
Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung, vợ Nguyễn Quang Trung, họ hàng với bị cáo Trịnh Văn Quyết khai có ký hợp đồng ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay với Công ty CP Xây dựng FLC Faros trị giá 360 tỷ đồng.
Bà Dung trình bày bản thân làm thợ may tại nhà, không phải cổ đông, không góp vốn, không cho Công ty Faros vay tiền. Tuy nhiên, do được nhờ, nên bà Dung đã ký các hợp đồng theo lời đề nghị của bị cáo Huế và không được hưởng lợi gì.
Cũng như các bị cáo trên, bà Dung thừa nhận có cho mượn CMND để mở tài khoản nhưng không biết bao nhiêu tài khoản.
“Tài khoản do bị cáo Huế quản lý sử dụng, bị cáo không sử dụng cũng không biết tài khoản, bị cáo chỉ cho Huế mượn CMND. ”, bà Dung khai.
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Dung không nhận tiền vay của Công ty Faros nhưng được Trịnh Thị Minh Huế nhờ ký một hợp đồng nhận ủy thác đầu tư, giấy nhận tiền vay Công ty Faros số tiền 360 tỷ đồng để hợp thức nâng khống vốn góp khống từ 1.5 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng; ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư để che giấu dòng tiền nâng khống vốn trước đó.
Hành vi của Nguyễn Thị Hồng Dung đã tạo điều kiện để Huế nâng khống vốn chủ sở hữu, để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ đó giúp Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Em gái ông Quyết đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh…
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Như với mã HAI, các bị can đẩy giá từ 3.700 đồng/cổ lên tới 22.500 đồng/cổ trước khi bán tháo, thu lợi bất chính 238 tỷ đồng.
Với cổ phiếu FLC, cơ quan tố tụng xác định các bị can "thổi" từ 3.050 đồng lên hơn 21.000 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn 2020 - 2022, thu lợi bất chính 397 tỷ đồng.
Tổng cộng, cơ quan tố tụng xác định thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Riêng ngày 10/1/2022, Trịnh Văn Quyết dù không công bố thông tin theo quy định nhưng đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu trong số đó, thu về gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, hành vi này bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước "tuýt còi", hủy giao dịch nên nhà đầu tư "ôm" số cổ phiếu này được trả lại tiền.
Ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.
Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.