Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ Aqua City, Bộ Tài chính muốn xử lý 19 'ông lớn' BĐS
Hàng nghìn căn shophouse giá chục tỷ bỏ hoang khắp Đà Nẵng; Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ Aqua City: Novaland đang phối hợp làm rõ; Nhà phố Bình Dương: ‘Cân não’ giữa người bán và người mua; Thanh tra 19 'ông lớn' BĐS, kiến nghị xử lý tài chính hơn nghìn tỷ... là những thông tin được quan tâm trong tuần qua.
Hàng nghìn căn shophouse giá chục tỷ bỏ hoang khắp Đà Nẵng
Nằm ở vị trí đắc địa hay vùng ven TP. Đà Nẵng, các khu shophouse ở đây đều đang bị bỏ hoang và ngày càng xuống cấp.
Tình trạng các căn shophouse bỏ hoang, không được sử dụng diễn ra khắp Đà Nẵng tại các quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu...
Nằm ngay bên bờ sông Hàn là hàng trăm căn shophouse thuộc dự án Marina Complex (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đang bỏ không và ngày thêm hoang tàn. Tại dự án này, có khoảng 6 block với 111 căn shophouse đã hoàn thiện. Nhiều căn đã có người mua nhưng số ít được sử dụng, còn lại phần lớn đang bỏ hoang.
Tại quận Liên chiểu, hàng trăm căn shophouse tại dự án Lakeside Palace trên đường Mê Linh - tuyến đường “mê ly” nhất khu Tây Bắc Đà Nẵng cũng đang bỏ hoang. (Xem thêm).
Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ Aqua City: Novaland đang phối hợp làm rõ
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến khu đô thị Aqua City, một trong những dự án trọng điểm của Novaland và cũng là dự án được các bộ ngành, tổ công tác Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giao đất, nguồn gốc, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... và các tài liệu khác liên quan đến các công ty con thực hiện khu đô thị Aqua City.
Liên quan đến thông tin Công an TP. HCM yêu cầu cung cấp hồ sơ về dự án Aqua City tại Đồng Nai, Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã chính thức lên tiếng.
"Chúng tôi rất hiểu dưới áp lực khó khăn về tài chính kéo dài, một số ít khách hàng không đủ kiên nhẫn đồng hành cùng chúng tôi và đã không chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự tại cơ quan tòa án hoặc trọng tài, thay vào đó gửi đơn đến các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan cảnh sát điều tra tại TP. HCM. Chính vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM đã và đang thực hiện công tác xác minh thông tin theo trình tự, thủ tục luật định để có phản hồi chính thức đến khách hàng", Novaland cho hay. (Xem thêm).
Thổ cư Hà Nội vào 'sóng' mới: Trong ngõ 170 triệu/m2, mặt phố 400 triệu/m2
Theo báo cáo thị trường thổ cư Hà Nội quý I/2024 từ Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, phân khúc nhà phố chuyển nhượng sôi động trở lại, chủ yếu tại các quận ngoài trung tâm.
Cụ thể, 92% giao dịch diễn ra tại các khu vực ngoài trung tâm, do mặt bằng giá trung bình tại đây chỉ tương đương 50% so với các quận trung tâm. Trong đó, ghi nhận mức tăng lượng giao dịch mạnh nhất trong tháng 3/2024 so với tháng 2/2024, quận Bắc Từ Liêm lên tới 237%, chủ yếu tại các phường Xuân Đỉnh, Thạch Bàn, Phú Diễn… theo sau là quận Nam Từ Liêm 205%, chủ yếu tại các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, Mỹ Đình 1...và quận Long Biên 204% tập trung tại các phường Thạch Bàn, Long Biên, Ngọc Thụy…
Đơn giá nhà đất trong ngõ ghi nhận xu hướng tăng trung bình 2.9%-8.0% (Y-o-Y) từ 2020 đến nay. Trong quý I/2024 giá nhà trong ngõ đã đạt mức trung bình 170 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực trung tâm và 100 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực ngoài trung tâm.
Cụ thể, theo số liệu của OneHousing, tổng lượng giao dịch nhà mặt phố quý 1/2024 đạt 900 căn, chủ yếu tại các quận trung tâm với lợi thế kinh doanh. Trong đó, khu vực ghi nhận mức tăng giao dịch nhiều nhất trong tháng 3/2024 tại các quận Long Biên, Ba Đình (tăng gấp 5 lần so với tháng 2/2024), do thị trường sôi động trở lại sau Tết.
Đơn giá đất nhà mặt phố ghi nhận xu hướng tăng từ 2020 đến nay, trong quý I/2024 đã đạt mức gần 400 triệu đồng/m2 đất đối với khu vực trung tâm, gấp khoảng hơn 2 lần so với khu vực ngoài trung tâm. (Xem thêm)
Thanh tra 19 'ông lớn' BĐS, kiến nghị xử lý tài chính hơn nghìn tỷ
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
Trong giai đoạn 2015 - 2023, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra và kết luận thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh bất động sản. Bộ đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.418 tỷ đồng, trong đó yêu cầu nộp ngân sách nhà nước 493,1 tỷ đồng, xử lý tài chính khác gần 1.000 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, số tiền các cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến tiền sử dụng đất, kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi…
Các doanh nghiệp bị thanh tra, yêu cầu xử lý tài chính kể đến như: Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng UDIC, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty IDICO-CTCP, Tổng công ty 319 BQP, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico), Becamex Bình Dương… (Xem thêm)
Nhà phố Bình Dương: ‘Cân não’ giữa người bán và người mua
Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng, thị trường nhà phố Bình Dương đã có tín hiệu chuyển biến tích cực, nhưng người mua vẫn có tâm lý khó chấp nhận sản phẩm chào bán với giá cao và hình thành trong tương lai.
Biến động mạnh nhất là tại hai thành phố mới thành lập là Thuận An và Dĩ An với mức giá giao dịch có dấu hiệu vượt qua một số khu vực rìa trung tâm của TP. HCM. Tại Dĩ An, nhà phố năm 2023 đã lập đỉnh về giá khi được rao bán với giá trung bình 50 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với mức giá 2020, sau khi địa phương này chính thức được chuyển lên thành phố.
Tại khu trung tâm hành chính Dĩ An vào năm 2020, giá cũng chỉ dao động 16 - 18 triệu đồng/m2, năm 2023 đã tăng lên mức 60 -70 triệu đồng/m2. Tương tự, tại một số dự án khác ở khu vực Dĩ An, Thuận An biên độ giá cũng liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. (Xem thêm)
Cấm phân lô, bán nền: Thổ cư không thể tách bán, bố mẹ không chia được đất cho con?
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Trước thông tin này, anh Bùi Văn Bắc (40 tuổi), ở Hoài Đức, Hà Nội thắc mắc, gia đình anh có 4 anh chị em, bố mẹ anh có tổng 2.600m2 đất ở nông thôn, vậy muốn tách thửa chia cho các con làm nhà thì có được không?. Nếu mà không cho tách thì các anh chị em nhà anh Bắc sẽ phải lựa chọn phương án tự mua đất hoặc mua trong dự án thuơng mại. Mà không phải ai cũng có đủ tiền để mua.
Tương tự, chị Nguyễn Thuỷ (32 tuổi) ở thành phố Thái Nguyên cho biết, theo luật mới, Thái Nguyên thuộc 19 thành phố thuộc tỉnh chịu sự điều chỉnh của Luật. Vậy gia đình chị có 2 anh chị em, đã có gia đình riêng, bố mẹ có 200m2 đất ở đô thị thì có thể tách để chia hay không? Nếu không được phân lô thì có giải pháp gì cho việc này? (Xem thêm)