Cuối tháng 8, thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh tăng tại một số ngân hàng kể từ cuối tháng 8/2022. Có thể thấy, cuộc đua tăng lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục được điều chỉnh tăng tại một số ngân hàng kể từ cuối tháng 8/2022. Có thể thấy, cuộc đua tăng lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Vài tháng trở lại đây, ngân hàng ACB là một trong những nhà băng thay đổi biểu lãi suất tiết kiệm nhiều nhất. Đầu tháng 8, ACB đã cộng thêm lãi suất ở nhiều kỳ hạn, mức điều chỉnh khá mạnh từ 0,1-0,6%/năm. Mới đây, kể từ ngày 29/8, ngân hàng ACB tiếp tục điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động thêm 0,1 điểm % tại một số kỳ hạn.

Theo đó,  ở gói Tài lộc, khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus khi gửi kỳ hạn 6 tháng, số tiền từ 500 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó, lên 6,1%/năm. Tương tự, lãi suất dành cho khách hàng ưu tiên hạng E& P ở kỳ hạn này cũng tăng 0,1 điểm % lên 6%/năm.

Đối với gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lãi suất cũng tăng thêm 0,1 điểm % ở nhiều hạn. Trong đó, tại kỳ hạn 6 tháng, số tiền gửi dưới 500 triệu đồng có lãi suất 6,1%/năm và trên 500 triệu đồng là 6,2%/năm, đều tăng 0,1 điểm % so với trước. Riêng khách hàng ưu tiên hạng I và I Plus được tăng thêm 0,1 điểm % lãi suất lên 6,4%/năm.

Cuối tháng 8, thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm - Ảnh 1
Lãi suất tiết kiệm tại ACB áp dụng từ cuối tháng 8/2022.

Ngân hàng ACB cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho gói tiền gửi online. Cụ thể, tại kỳ hạn 6 tháng, ngân hàng ACB cũng tăng 0,1 điểm % lãi suất tiết kiệm so với trước. Tương tự với các kỳ hạn 7-8 tháng, lãi suất cũng tăng thêm 0,1 điểm % lên 5,7-5,9%/năm.

Ngân hàng quy mô lớn như MB cũng vừa tăng lãi suất tiết kiệm so với đầu tháng 8/2022.

Cụ thể, với các kỳ hạn từ 7-8 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,3 điểm % từ 5%/năm lên 5,3%/năm. Tại kỳ hạn dài hơn như 36 tháng, lãi suất tiền gửi tăng 0,2 điểm % lên 6,8%/năm. Với kỳ hạn 48 tháng và 60 tháng, ngân hàng tăng đến 0,4 điểm % lãi suất lên 6,8%/năm.

Cuối tháng 8, thêm 3 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm - Ảnh 2
Nguồn: Ngân hàng MB

Ngân hàng quy mô nhỏ cũng dồn dập tăng lãi suất huy động. Điển hình như Nam A Bank - một trong những ngân hàng có lãi suất tiết kiệm ở mức cao nhất trên thị trường cũng vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 24/8.

Cụ thể, tại hình thức gửi tiền online, đối với kỳ hạn 9 tháng, NamABank đã tăng 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại NamABank vẫn là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở nên khi gửi tiết kiệm online.

Đối với hình thức gửi tại quầy, biểu lãi suất của ngân hàng này không có nhiều thay đổi, cao nhất là 6,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng.

Có thể thấy, chênh lệch giữa 2 hình thức gửi tiết kiệm của Nam A Bank khá lớn. Chẳng hạn, tại kỳ hạn 16 tháng, gửi tại quầy chỉ được 6,6%/năm nhưng gửi online thì lên tới 7,4%/năm, chênh lệch lên tới 1,2%/năm.

Thực tế, 2 tháng trở lại đây, lãi suất tiết kiệm từ mức 7%/năm trở lên đã không còn hiếm trên thị trường. Một số ngân hàng áp dụng lãi suất từ mức này như SCB, NamABank, CBBank, OceanBank, VietCapitalBank,... Đáng chú ý, đây hầu hết là những ngân hàng nhỏ trong hệ thống.

Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng 8, các Ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,3 điểm %, cuộc đua tăng lãi suất để huy động tiền gửi có thêm sự tham gia của nhóm NHTM Cổ phần Quốc doanh. Mặc dù lãi suất huy động tăng cao nhưng huy động vốn vẫn lệch pha khá xa so với tăng trưởng tín dụng, tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 4,8% so với đầu năm. Tăng trưởng cung tiền cũng rất khiêm tốn, chỉ tăng 3,8% so với đầu năm.

‘Sự chênh lệch giữa nhu cầu tín dụng và tăng trưởng tiền gửi sẽ là yếu tố tiếp tục thúc đẩy đà tăng hiện có của lãi suất huy động. Điều này song hành với việc siết room tín dụng có thể đẩy lãi suất cho vay tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm’, VDSC đánh giá.

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ